Phát hiện âm thanh của thực vật

GD&TĐ - Theo các bản ghi âm được thực hiện trong một nghiên cứu mới, thực vật tạo ra những âm thanh “bốp bốp” mà tai người không thể phát hiện được.

Nhóm đã tiến hành thí nghiệm bằng cách đặt cây trong hộp cách âm.
Nhóm đã tiến hành thí nghiệm bằng cách đặt cây trong hộp cách âm.

Đặc biệt, thực vật tạo ra nhiều âm thanh hơn khi khát hoặc lúc trải qua những căng thẳng khác.

Đồng tác giả nghiên cứu Lilach Hadany - Giáo sư tại Khoa Khoa học Thực vật và An ninh lương thực, Trường Đại học Tel Aviv (Israel) - cho biết, khám phá này đã làm thay đổi suy nghĩ về thực vật. Bởi, thực vật thường được cho là im lặng.

Bà Hadany đã sử dụng micrô siêu âm để ghi lại âm thanh từ một cây xương rồng trong phòng thí nghiệm 6 năm trước. Song, thời điểm đó, bà không thể loại trừ rằng, âm thanh được phát hiện đến từ một thứ khác trong môi trường.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, thực vật tạo ra rung động. Song, họ không biết liệu những rung động này có trở thành sóng âm thanh trong không khí hay không.

Để tìm hiểu xem thực vật có thực sự phát ra âm thanh hay không, Hadany và đồng nghiệp đã đặt các hộp âm thanh cách âm. Các nhà nghiên cứu đã đặt cây thuốc lá và cây cà chua vào các hộp, được trang bị những micrô siêu âm ghi ở tần số từ 20 - 250 kilohertz.

Tần số tối đa mà tai của một người trưởng thành có thể phát hiện được là khoảng 16 kilohertz. Một số cây đã bị cắt cành hoặc không được tưới nước trong 5 ngày. Trong khi một số cây khác không bị can thiệp.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, thực vật phát ra âm thanh ở tần số từ 40 - 80 kilohertz. Khi chuyển thành tần số mà con người có thể nghe thấy, âm thanh này hơi giống với tiếng nổ của bỏng ngô.

Một cây bị căng thẳng phát ra khoảng 30 - 50 âm thanh lộp độp hoặc lách cách trong mỗi giờ, với những khoảng thời gian dường như ngẫu nhiên. Song, những cây không bị căng thẳng phát ra ít âm thanh hơn nhiều. Cụ thể, chúng chỉ phát khoảng một âm thanh mỗi giờ.

Các nhà nghiên cứu không biết chính xác âm thanh được tạo ra như thế nào. Tuy nhiên, họ tin rằng, tiếng ồn phát ra từ hiện tượng xâm thực. Đây là hiện tượng hình thành bong bóng hơi trong chất lỏng đang chảy, nơi áp suất giảm xuống dưới áp suất hơi. Sau đó, bong bóng này đột ngột xẹp xuống ở vùng áp suất cao.

“Kết quả này bổ sung cho những gì chúng ta biết về phản ứng của thực vật đối với căng thẳng”, Richard Karban - Giáo sư côn trùng học tại Trường Đại học California, Davis (Mỹ), người nghiên cứu sự tương tác giữa động vật ăn cỏ và cây, cho biết.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.