Phát động cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam“

GD&TĐ -  Ngày 15/8, tại trường THPT Trần Phú - Hà Nội đã diễn ra lễ phát động cuộc thi "Em yêu lịch sử Việt Nam". 

Phát động cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam“
Phát động cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam“ ảnh 1Phát động cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam“ ảnh 2Phát động cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam“ ảnh 3Phát động cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam“ ảnh 4

Theo BTC, cơ cấu giải thưởng cuộc thi gồm có 4 giải nhất (giá trị mỗi giải 5 triệu đồng), trong đó 2 giải dành cho HS cấp THCS, 2 giải dành cho cấp THPT. Giải nhì ( 3 triệu đồng) giải ba (2 triệu đồng) và giải khuyến khích (1 triệu đồng) không hạn chế số giải, tuỳ theo chất lượng bài thi. Ngoài ra, BTC cuộc thi có phần thưởng dành cho các tập thể trường và Sở GD&ĐT có nhiều bài dự thi đoạt giải và tổ chức cuộc thi tốt nhất.

Cuộc thi do Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức và hai cơ quan thường trực, triển khai thực hiện cuộc thi là Vụ Trung học và Nhà xuất bản Giáo dục VN.

Tham dự lễ phát động có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, GS. Viện sĩ Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, GS. TS Vũ Văn Hùng - Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục VN; ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học, Ban giám hiệu, cùng các thầy, cô giáo và đông đảo học sinh trường THPT Trần Phú (Hà Nội).

Tại buổi lễ, thay mặt Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển - Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi - phát biểu: "Lịch sử nước nhà là lịch sử hào hùng của hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Những giá trị của con người Việt Nam, của đất nước Việt Nam được hun đúc qua lịch sử dân tộc đang hướng cho chúng ta xây dựng Tổ quốc ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với bạn bè quốc tế. 

Các thế hệ thanh thiếu niên, HS-SV luôn phát huy truyền thống của cha anh, tiên phong xung kích trong các phong trào thi đua yêu nước. Tinh thần ấy, ý chí ấy đặc biệt được phát huy mỗi khi đất nước đứng trước những vận hội phát triển mới cũng như những khó khăn thử thách phải vượt qua. Hiện nay chính là lúc chúng ta đang đứng trước cả hai vận hội thách thức cũng lớn. 

Những hiểu biết về lịch sử, về các bậc tiền bối lẫm liệt của dân tộc sẽ càng bồi đắp cho chúng ta thêm sức mạnh, tâm hồn và trí tuệ trong mỗi người, phát huy cao nhất những giá trị lịch sử của dân tộc...."

Khẳng định ý nghĩa sâu rộng của cuộc thi, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nhắn nhủ tới các bạn trẻ : "Trên bước đường lập thân, lập nghiệp, phụng sự cho sự nghiệp CNH - HĐH, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các em HS - SV được học lịch sử qua môn học, qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo của bản thân ở nhà trường, ở xã hội, trong tổ chức Đoàn, Đội và gia đình. 

Cuộc thi "Em yêu lịch sử Việt Nam" chính là một cơ hội dành cho các em, khuyến khích các em thể hiện sự hiểu biết, niềm tự hào về lịch sử dân tộc và khả năng tư duy, phân tích của mình."

Giáo sư. Viện sĩ Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bày tỏ sự kỳ vọng của ông về sức lan toả và hiệu quả mà cuộc thi sẽ đem lại: "Tôi rất hy vọng và tin tưởng vào tinh thần mà cuộc thi hướng tới. Đó không đơn thuần là cuộc thi với việc đưa ra các câu hỏi để cân đo những hiểu biết về kiến thức lịch sử của các em học sinh mà còn thúc đẩy niềm say mê thích thú của các em với môn Lịch sử. 

Qua việc làm bài thi, trả lời các câu hỏi các em được thoải mái trình bày những suy nghĩ của mình, được thể hiện cảm nghĩ, cảm xúc và đưa ra sự phân tích, lý giải sự yêu thích của mỗi người. 

Cuộc thi sẽ mở ra một thế giới rộng lớn về ý thức tự nguyện tìm tòi, khả năng tư duy sáng tạo và thức dậy trong các em niềm say mê, yêu quý trân trọng lịch sử dân tộc.

Tôi rất tâm đắc với câu hỏi thứ 5 trong phần nội dung thi. Đó là câu hỏi trưng cầu ý kiến của thế hệ trẻ về cách dạy và học, cách ra đề thi về môn Lịch sử. Đây là lần đầu tiên chúng ta đặt các em học sinh vào vị trí một chủ thể sáng tạo hoàn toàn - điều mà lâu nay còn yếu trong các hoạt động giáo dục.

Đó chính là cách thổi vào suy nghĩ của các em học sinh và cả xã hội một tinh thần mới về môn Lịch sử, có tác dụng góp phần đổi mới căn bản, toàn diện về chương trình, SGK, phương pháp giảng dạy...".

Được biết, thời gian gửi bài dự thi của các thí sinh bắt đầu từ ngày phát động và thời gian nhận bài dự thi ở các cơ sở giáo dục từ ngày 10/9 đến hết ngày 20/10.

Sau vòng chấm sơ khảo tại các Sở GD&ĐT, BTC cuộc thi sẽ nhận bài từ ngày 25/11 đến hết ngày 10/12. Lễ tổng kết và trao giải thưởng sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12 năm 2014.

Nội dung cuộc thi

Người dự thi phải trả lời 5 câu hỏi sau:

Câu 1:

Ngày 6-12-2012, UNESCO đã chính thức công nhận một tín ngưỡng ở Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại. Anh (chị) hãy cho biết đó là tín ngưỡng gì? Nêu những điều mà anh (chị) tâm đắc nhất về thời đại là nguồn gốc hình thành nên tín ngưỡng đó.

Câu 2:

Anh (chị) hãy nêu cảm nhận của mình về một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.

Câu 3:

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, anh (chị) yêu thích nhân vật lịch sử nào? Vì sao? Hãy trình bày hiểu biết của anh (chị) về nhân vật đó.

Câu 4:

Ở tỉnh, thành phố quê hương anh (chị) có những di sản văn hoá (vật thể và phi vật thể) tiêu biểu nào? Anh (chị) hãy giới thiệu về một di sản văn hoá của quê hương mà anh (chị) ấn tượng nhất. Theo anh (chị) cần phải làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá đó?

Câu 5:

Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

Anh (chị) hãy cho biết hai câu thơ tên là của ai? Nêu ý nghĩa của hai câu thơ đó. Theo anh (chị) cần phải làm gì để người học yêu thích môn Lịch sử?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.