Phải thực sự xem quản lý giáo dục là một nghề

GD&TĐ - Cả nước ta hiện có trên 110.000 cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) các cấp – chiếm hơn 8% tổng số lực lượng cán bộ - giáo viên – nhân viên toàn ngành GD&ĐT. Là đội ngũ tiên phong, “thuyền trưởng” lèo lái con tàu GD – những CBQLGD cần làm tròn vai trò, phát huy hết chức năng công việc để góp phần đưa con tàu GD Việt Nam tiến lên.

Một buổi sinh hoạt giữa Ban giám hiệu với học sinh Trường THPT Tân Túc, TPHCM
Một buổi sinh hoạt giữa Ban giám hiệu với học sinh Trường THPT Tân Túc, TPHCM

Cán bộ quản lý GD là ai?

Câu hỏi có vẻ ngây ngô, nhưng không dễ trả lời. Ai cũng biết gần 100% CBQLGD xuất thân từ giáo viên – giảng viên (GV) dạy lâu năm, có trình độ chuyên môn vững, tâm huyết với nghề, được đồng nghiệp tín nhiệm. Trước hết, CBQLGD là GV “sống lâu lên lão làng”. Khi được bổ nhiệm làm QLGD, nghĩa là hành nghề lãnh đạo – chỉ huy, dù tính chất công việc ít khi trực tiếp đứng trên bục giảng như xưa, nhưng họ vẫn là người có trọng trách chủ yếu là quản lý – chỉ đạo hoạt động chuyên môn.

Thạc sĩ (ThS) Mai Xuân Bá – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận đặt 2 câu hỏi khá bức xúc: “Tổ trưởng chuyên môn ở các trường phổ thông có phải là CBQL không? Công chức làm việc tại Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT (gọi tắt là Bộ, Sở, Phòng) – nếu không giữ chức vụ thì có phải là CBQL không?

Thực tế, trước khi là CB của Bộ, Sở, Phòng, đa số họ đều là CBQL.

Trong Luật GD sửa đổi và bổ sung số 44/2009/QH12, danh từ CBQLGD không được định nghĩa rõ ràng. Lâu nay, tổ trưởng chuyên môn các trường phổ thông vẫn được cử đi học bồi dưỡng nghiệp vụ QLGD.

Tương tự, những công chức làm việc tại Bộ, Sở, Phòng nhưng không giữ chức vụ chính quyền nào, thực tế họ vẫn đang làm công tác QL Nhà nước về GD&ĐT.

Đặc biệt những người đã qua bồi dưỡng QL Nhà nước chương trình chuyên viên chính – chuyên viên cao cấp, đều được công nhận là có trình độ QL tương ứng.

Tuy nhiên, nghịch lý là họ lại không được hưởng phụ cấp chức vụ và thường không được xếp vào đội ngũ CBQLGD – nếu họ không giữ một chức vụ chính quyền nào. Một nghịch lý nữa, hiệu trưởng trước khi bổ nhiệm ít khi được đào tạo nghiệp vụ QLGD và đôi khi không được bồi dưỡng định kỳ sau khi được bổ nhiệm...”.

Từ mổ xẻ trên, cho thấy việc đề bạt, bổ nhiệm hiệu trưởng của ta đang có bất cập. Tiến sĩ (TS) Lê Trung Chinh – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng băn khoăn:

“Đề bạt, bổ nhiệm hiệu trưởng còn nặng kiểu “sống lâu lên lão làng”, nên đa số hiệu trưởng các trường phổ thông – trường chuyên nghiệp có tuổi đời tương đối lớn (đồng nghĩa với việc sức ỳ lớn, ngại đổi mới). Đã vậy, quy mô trường lớp phát triển nhanh, đội ngũ CBQLGD nghỉ hưu nhiều, dẫn đến việc quy hoạch, đào tạo CBQLGD trẻ để kế cận cho lãnh đạo các trường thường bị động, lúng túng, không theo kịp đòi hỏi của nhà trường thời đổi mới toàn diện, triệt để, trong xu thế hội nhập quốc tế...”.

“Oai” nhưng “thiệt thòi”

Được đề bạt, bổ nhiệm làm lãnh đạo Sở, Phòng hoặc đứng đầu các trường, các trung tâm GD thường xuyên..., nghe “oai ” – nhưng thực tế bị “thiệt thòi” không ít. Đây là nỗi niềm của hầu hết CBQLGD, nhất là đội ngũ chuyên viên (không giữ chức vụ chính quyền) tại các Sở, Phòng và kể cả tổ trưởng chuyên môn – khối trưởng ở các trường phổ thông và mầm non…

Nỗi khổ đầu tiên là hội họp quá nhiều, không còn đâu thời gian, sức lực, trí tuệ để đầu tư nghiên cứu về khoa học QLGD, nghiên cứu về đổi mới nội dung – chương trình SGK và phương pháp giảng dạy. Nhiều vị lãnh đạo các Sở, Phòng phải thay nhau “hành nghề đi họp”.

Căng thẳng thứ hai là sự “hụt hẫng” đáng lo trong nội dung – chương trình – phương thức đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ QL cho đội ngũ CBQLGD.

Đòi hỏi nóng bỏng là lực lượng CBQLGD phải đi trước, nghĩ trước, làm trước. Điểm yếu nhất của đội ngũ này là thiếu tầm nhìn tổng thể. Các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển GD chưa được thiết kế theo hướng tổng thể, khoa học và đồng bộ. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch GD ở cơ sở cũng chưa sát với thực tế. Công tác QL chuyên môn còn nặng về tính hành chính, ít chiều sâu chuyên môn.

ThS Phan Minh Phụng – Phó hiệu trưởng Trường CBQLGD TPHCM

NGƯT.ThS Nguyễn Xuân Ngọc – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng cảnh báo: “Trong bối cảnh xã hội và nhà trường đang diễn ra những đổi mới mạnh mẽ về cơ chế QLGD, từng bước hình thành thị trường GD mà trường học là cơ sở dịch vụ, thì sự “hụt hẫng” này ngày càng gia tăng khoảng cách.

Nhìn ở Lâm Đồng, lực lượng CBQLGD nói chung còn thiếu chuyên nghiệp, trình độ năng lực QL chưa theo kịp đòi hỏi ngày càng cao của thời đổi mới. Đặc biệt với chức năng kiểm tra, đánh giá, hầu hết CBQLGD chưa thật nhuần nhuyễn trong việc phối hợp các lực lượng tham gia, nhất là nghiệp vụ xử lý các sai phạm của GV, NV.

Sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của CBQLGD còn yếu... Từ đó, vấn đề đặt ra là cần phải thực sự xem CBQLGD là một nghề, người CBQLGD phải thực sự sống được bằng nghề QL của mình”.

Thách thức – căng thẳng thứ ba đối với hầu hết CBQLGD hiện nay là thiếu động lực để đổi mới. Như nhận định của ThS Phan Tấn Chí – Phó trưởng khoa QLGD – Trường CBQLGD TPHCM (Bộ GD&ĐT): “Thói quen trong nếp nghĩ, cách làm là cản trở lớn nhất đối với CBQLGD.

Họ đã quen với nếp suy nghĩ: vì yếu kém nên phải đổi mới, mà không nhận thấy rằng: đổi mới còn vì những thách thức, những yêu cầu mới đặt ra có tính khách quan, do đó, một khi không có tồn tại yếu kém thì không cần phải đổi mới.

Thiếu động lực nên không ít CBQLGD ngại đổi mới, nảy sinh tâm lý chờ thời là chuyện bình thường. Đổi mới sẽ không đạt kết quả, khi những người thực thi – nhất là các CBQLGD chủ chốt - chưa hiểu những điều cần làm, sẽ làm và quan trọng hơn là làm như thế nào”.

Cần nâng chất đội ngũ

Cách nay chưa lâu, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến về việc thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT về đánh giá học sinh tiểu học. Chủ tọa đề nghị các đại biểu nói thẳng, nói thật. Hơn 70 vị hiệu trưởng có mặt, không ai phát biểu.

Chủ tọa ngán ngẩm: Chẳng lẽ mọi việc ở tất cả các trường đều trơn tru, trong khi dư luận GV và phụ huynh học sinh (kể cả các phương tiện thông tin đại chúng) tranh luận khá sôi nổi về Thông tư 30 này? Và dư luận càng nóng lòng hơn trước “sự im lặng đáng sợ” của hơn 70 vị hiệu trưởng nói trên.

Câu hỏi dành cho các vị có nhiều, nhưng nóng nhất là câu: “Hiệu trưởng là đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của cả tập thể nhà trường và các bậc cha mẹ học sinh. Các ông không dám nói, hay ngại đụng chạm, hay sợ nói thật? Vậy thì GV “thấp cổ bé họng” làm sao dám mở miệng? Không có tranh luận, không có dũng khí nói thẳng, nói thật, thì làm sao có đổi mới?”

Có một thực trạng đáng lo là: Không ít vị đứng đầu các cơ sở GD “bình chân như vại”, ngại đụng chạm, đặc biệt trong vấn đề đánh giá, tuyển dụng, sàng lọc, sắp xếp – nhất là kỷ luật CB, GV dưới quyền.

Tìm hiểu kỹ, nguyên nhân của vấn đề có nhiều, trong đó nổi bật là chuyện nhiều vị mất bao nhiêu thứ... mới có được “cái ghế” này. Đổi mới là sẽ đụng độ quyết liệt với cả trên và dưới, sẽ phải chấp nhận rủi ro (có thể thất bại). Do vậy, tâm lý ngại đổi mới là khó tránh khỏi. Ngán nhất là giải bài toán nhân sự: tuyển vô thì dễ; cho họ chuyển công tác khác hoặc tạm đình chỉ công tác hoặc cho thôi việc là cực khó, rất dễ bị kiện cáo.

TS Trần Thị Tuyết Mai – Trường ĐH Thủ Dầu Một nhận định: “...Trước những yêu cầu khắt khe của sự nghiệp đổi mới, người thủ trưởng cơ sở GD không thể hô hào chung chung, “nói hay – làm dở”, mà phải dấn thân thực sự. Mọi người chỉ sẵn sàng trao một phần số phận mình vào tay nhà QL khi nào nhà QL cũng trao một phần số phận mình vào tay mọi người...”.

Để có được đội ngũ CBQLGD hết lòng vì nghề nghiệp và giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, theo TS Phạm Văn Cường – Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần coi trọng công tác thi tuyển dụng công chức, viên chức.

Có cơ chế sàng lọc, miễn nhiệm, bố trí công việc khác, kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ chuẩn nghề nghiệp, yếu kém về phẩm chất, năng lực. Khuyến khích đội ngũ CBQLGD nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tôn vinh đãi ngộ xứng đáng họ...”.

CBQLGD bên cạnh những phẩm chất nghề QL cần có, cần phải có khả năng hoạt động, QL và thiết lập các quan hệ hợp tác, am hiểu công việc, trình độ văn hóa cao, có năng lực sáng tạo độc lập. Đặc biệt quan trọng là biết sống và làm việc trong thế giới thông tin mới, trong mạng thông tin toàn cầu, để có thể tự tin và giữ vững được khả năng cạnh tranh.

                       Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - ĐH Quốc gia TPHCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.