Đột phá từ hiệu trưởng

GD&TĐ - Thực tế đã chứng minh nếu như vai trò của người quản lý chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, thì trong nhà trường người hiệu trưởng được xem là “đầu tàu” để khởi động cả cỗ máy cùng vận hành về phía trước. 

Đột phá từ hiệu trưởng

Vì thế trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, “đầu tàu” ấy nhất thiết cần có những bước đột phá tự biết làm mới mình thì mới có thể dẫn dắt các đồng nghiệp cùng thực hiện tốt nhiệm vụ

Trong những năm qua cũng đã khẳng định hành trình dẫn dắt các hoạt động giáo dục, đào tạo, không ai khác chính người hiệu trưởng và những người làm công tác quản lý giáo dục phải là những người tạo ra “cú hích” đột phá vào sự vận hành đổi mới.

Cú hích đó là sự quan tâm nhiều chiều nhằm trúng mục đích, là sự đổi mới trong tư duy quản lý, điều hành, trong kiểm tra đánh giá cả về nội dung, hình thức, phương pháp để đo đạc sản phẩm đầu ra, nhằm tạo động lực định hướng cho hoạt động dạy và học, đồng thời tạo thành một khối đoàn kết vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, tạo kỷ cương, nề nếp, thống nhất, hình thành bầu không khí tốt nhất cho mọi người phát huy tính sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, góp phần vào thành công chung của sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Thế nhưng điều không thể phủ nhận là: công tác quản lý, mà cụ thể trực tiếp là người hiệu trưởng trong các trường học lâu nay ở các trường của chúng ta vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.

Chính vì thế việc triển khai cũng như dự báo, xây dựng chiến lược cho các hoạt động tầm nhìn của mỗi nhà trường thiếu sự đồng nhất và trọng tâm.

Hầu hết các kiến thức về pháp luật tổ chức bộ máy, quản lý nhân sự, tài chính của người hiệu trưởng đều trông cậy vào bộ phận tham mưu, nên quá trình thực thi thẩm quyền và trách nhiệm còn rất nhiều hạn chế và lúng túng. ..

Mặc dù trong nhiều năm qua việc bồi dưỡng, trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản về quản lý, quản lý hành chính nhà nước về giáo dục cho những người đang đảm nhiệu hiệu trưởng đương chức và cán bộ nguồn được tổ chức với nhiều loại hình khác nhau.

Tuy nhiên trước xu hướng chung của thế giới hiện nay có không ít vấn đề mới phát sinh đòi hỏi ở người hiệu trưởng phải nhanh chóng thích ứng với những điều kiện, khả năng và nhu cầu phát triển của xã hội mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Nhất là trước sức ép lớn trong triển khai nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo đang đặt ra cho hiệu trưởng những nhiệm vụ mới. Vì thế càng đòi hỏi ở người hiệu trưởng cần có khả năng thích ứng với môi trường thay đổi nhanh và chịu đựng với thực trạng áp lực công việc cao hằng ngày.

Bên cạnh năng lực chuyên môn tốt, hiệu trưởng còn phải có khả năng quản lý kinh tế, có trình độ tin học và ngoại ngữ nhất định. Nếu không, trong thời kỳ hội nhập khó mà nói đến chuyện ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin và tận dụng cơ hội để hiện đại hóa giáo dục thông qua sự hợp tác quốc tế.

Nói như vậy không có nghĩa là quá đề cao vai trò của người hiệu trưởng, trong khi chúng ta đang lấy người học làm chủ thể quá trình nhận thức. Mà nói như vậy để thấy vai trò, vị trí của những người làm công tác quản lý giáo dục, nhất là với vai trò của người hiệu trưởng được xem là “đầu tàu” để khởi động cả cỗ máy cùng vận hành về phía trước.

Vì thực tế không ít hiệu trưởng khi thấy chất lượng giáo dục thấp thì đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan như: cơ sở vật chất thiếu thốn, đầu vào thấp, kinh tế khó khăn, phụ huynh ít quan tâm đầu tư cho việc học của con em…tuyệt nhiên hiếm thấy ai thừa nhận mình quản lý yếu kém nên kết quả không tốt ...

Ai cũng biết lao động sư phạm là một lao động rất đặc thù, có những đòi hỏi đặc thù và tổng hợp, nên trong công tác quản lý lại càng đòi hỏi ở người hiệu trưởng cần biết thực hiện tốt các kỹ năng quản lý để phát triển khả năng hoạt động chuyên môn của mọi thành viên trong trường.

Nên chăng người hiệu trưởng cần đổi mới nhận thức trong lĩnh vực bằng việc thay đổi triết lý quản lý chuyên môn, không nặng về quản lý hành chính, bên cạnh đó cần thay đổi phương thức hoạt động chuyên môn, không quá chú trọng phương pháp của người dạy mà chú ý việc tiếp thu của người học, thay đổi quan niệm về đánh giá chất lượng giờ dạy.

Ngoài ra cần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện để có sự hợp tác trong tổ chức, quản lý toàn diện chất lượng trường học, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tập thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà trường.

Đồng thời cần thực hiện phân cấp đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng thành viên trong nhà trường, biểu hiện cụ thể là mối quan hệ giữa người học với người dạy và các cấp quản lý bên trong, bên trên và bên ngoài nhà trường...

Nói tóm lại để triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo đòi hỏi người hiệu trưởng cần phải có năng lực, trình độ, có quyết tâm, có bản lĩnh và sự năng động, sáng tạo… Hay nói cách khác là đòi hỏi ở người hiệu trưởng phải là người vừa có “tâm” vừa có “tầm”, vừa có “chí” và phải là người được đại đa số cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nể và phục.

Nể vì đức độ, vì sự gương mẫu, vì lối sống và cách đối nhân xử thế, vì cái “tâm” của hiệu trưởng; phục vì năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, cách điều hành, xử lý thông tin và dám là người đột phá trong việc xây dựng những mô hình giáo dục, đào tạo mới hòa nhập với xu hướng tiên tiến trên thế giới.n

Tuy nhiên trước xu hướng chung của thế giới hiện nay có không ít vấn đề mới phát sinh đòi hỏi ở người hiệu trưởng phải nhanh chóng thích ứng với những điều kiện, khả năng và nhu cầu phát triển của xã hội mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệu vụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ