Ba giải pháp nâng cao năng lực nghề nghiệp của giảng viên

GD&TĐ - PGS.TS Trương Văn Châu - Học viện Quản lý Giáo dục đề xuất 3 giải pháp nhằm góp phần nâng cao năng lực nghề nghiệp của giảng viên.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Một là: Tạo môi trường tự do học thuật cho giảng viên

Theo PGS.TS Trương Văn Châu, tự do học thuật là một thành tố không thể thiếu của trường đại học. Trường đại học là nơi các giá trị khoa học, các tri thức khoa học mới được thường xuyên trình bày và tranh luận tự do và không bị ràng buộc.

Trong môi trường tự do học thuật, các giảng viên được tự do nghiên cứu, theo đuổi các vấn đề về học thuật mà họ quan tâm. Nhờ nghiên cứu khoa học trong môi trường tự do học thuật, họ được thỏa sức tìm tòi, sáng tạo.

Từ môi trường tự do học thuật, giảng viên dễ dàng tiếp cận với nhiều trào lưu, trường phái khoa học trong nước và thế giới, giúp họ thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo.

Hai là, ưu tiên giao đề tài khoa học công nghệ cho các giảng viên trẻ

Hiện nay, cơ cấu đội ngũ giảng viên của Học viện Quản lý Giáo dục, giảng viên trẻ chiếm tỷ lệ cao. Hầu hết các giảng viên trẻ có trình độ thạc sỹ, một số ít có trình độ tiến sĩ. Đội ngũ giảng viên trẻ có sứ mệnh rất quan trọng trong quá trình phát triển của Học viện đến năm 2030.

Do đó, cần có kế hoạch, lộ trình bồi dưỡng họ trở thành những giảng viên đủ tầm để thực hiện nhiệm vụ nếu chúng ta không muốn xảy ra tình trạng khủng hoảng thế hệ, đứt đoạn thế hệ. Một trong những cách làm hiệu quả nâng cao năng lực của giảng viên đủ tầm để thực hiện tốt nhiệm vụ là họ được thường xuyên thực hiện nghiên cứu khoa học.

"Muốn vậy, các trường cần tạo ra điều kiện để họ thường xuyên tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, thường xuyên được huy động tham gia nghiên cứu trong hệ thống đề tài khoa học và công nghệ các cấp, đặc biệt được tạo mọi điều kiện thường xuyên làm chủ nhiệm đề tài khoa học cấp cơ sở.

Đây là một việc làm khó vì kinh phí nghiên cứu khoa học hạn chế, số lượng đề tài ít nên hiện nay chỉ có một số ít giảng viên trẻ được nhận đề tài để thực hiện. Tuy vậy, nếu thực sự quan tâm đến đội ngũ giảng viên trẻ, giải pháp này cần được quan tâm sâu sắc trong công tác quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học tại Học viện"- PGS.TS Trương Văn Châu nhấn mạnh.

Ba là, thành lập các nhóm nghiên cứu - giảng dạy

Cũng theo PGS.TS Trương Văn Châu, việc thành lập các nhóm nghiên cứu - giảng dạy bao gồm các giảng viên trẻ cùng chuyên môn hoặc liên môn là một giải pháp tích cực nhằm bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng viên.

Mỗi nhóm có một giảng viên có học vị, chức danh khoa học cao làm nhóm trưởng. Để hoạt động có hiệu quả, các nhóm cần xây dựng đề án hoạt động với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể. Các bộ môn, các khoa của Học viện có đủ điều kiện để thành lập các nhóm nghiên cứu - giảng dạy.

"Với hoạt động chuyên môn của từng nhóm dưới dạng seminar (hội thảo), trao đổi, tọa đàm khoa học thường xuyên, chắc chắn tạo ra hiệu ứng tốt cho từng giảng viên. Nhiều kỹ năng nghề nghiệp của giảng viên được hoàn thiện từ hoạt động thường xuyên của nhóm nghiên cứu - giảng dạy" - PGS.TS Trương Văn Châu trao đổi.

Bài viết được lược ghi, biên tập từ tham luận " Tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học theo hướng nâng cao năng lực nghề nghiệp của giảng viên ở Học viện Quản lý Giáo dục" của PGS.TS Trương Văn Châu tại Hội thảo Phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục: Xu hướng Việt Nam và thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ