Kinh nghiệm từ lần đầu thất bại
Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Thủy Sản, anh Lê Minh Châu đã nhen nhóm ý tưởng nuôi tôm cá. Vũng Tàu có nhiều lợi thế về nguồn nước và nghề sản xuất thủy hải sản nên anh đã nghiên cứu nuôi tôm thẻ.
Nói là nhen nhóm nhưng thực ra, đối với anh Châu, từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường, anh đã mơ ước được làm gì đó có ích cho quê hương, nhất là giúp bà con nhân dân có công ăn việc làm.
Ban đầu, mới ra trường, không có vốn, anh Châu đã xoay xở để vay Ngân hàng chính sách xã hội để làm. Có được ít vốn ban đầu, anh Châu nghiên cứu, học hỏi thêm kinh nghiệm của những hộ gia đình làm lâu năm.
Tưởng dễ, ban đầu, anh Châu sử dụng diện tích của gia đình sẵn có để nuôi tôm. Gần đến ngày thu hoạch, tôm nổi trắng ao vì bệnh và thời tiết đột ngột thay đổi, không xử lý kịp thời nên ngạt mà chết.
Nhìn ao tôm sắp đến ngày thu hoạch nổi trắng đồng, anh Châu mới biết, những gì mình học được vẫn là chưa đủ. Sau đó, anh lên mạng rồi mua cả sách về đọc về kỹ thuật nuôi tôm the, cách xử lý khi gặp bệnh, cách làm ao nuôi và nguồn nước, thậm chí, cách “đối phó” với thời tiết xấu cũng được anh Châu tìm hiểu kỹ.
Nhiều đêm “ăn ngủ” với sách, kiến thức như “ngập” trong đầu, anh Châu thấy mình đã chọn con đường đúng.
Càng đọc và tìm tòi lại càng quyết tâm phải làm bằng được, anh Châu góp vốn với chị gái nuôi hơn 7ha tôm thẻ.
Chia sẻ về cách nuôi tôm, anh Châu cho rằng, chuẩn bị ao nuôi rất quan trọng để nuôi tôm: Ao nuôi tôm thông thường phải có độ sâu của nước 1,5m và bờ ao tối thiểu cao hơn mặt nước 0,5m. Ðộ dốc của bờ phụ thuộc vào chất đất khu vực xây dựng ao nuôi.
Hơn nữa, đất cát dễ xói lở bờ ao nên có độ dốc là 1/1,5, đất sét ít xói lở hơn, độ dốc của bờ ao có thể là 1/1. Cần lưu ý là bờ ao không cao, nước nông, sẽ tạo điều kiện cho rong, tảo dưới đáy ao phát triển làm suy giảm chất lượng nước ao nuôi. Một số bờ ao trong khu vực nuôi nên đắp rộng hơn các bờ khác để làm đường vận chuyển nguyên vật liệu cho khu vực nuôi.
Đồng thời, đê bao quanh khu vực nuôi thường là bờ của kênh mương cấp hoặc tiêu nước. Hệ số mái tương tự ao nuôi nhưng bề mặt lớn hơn và độ cao của đê phải cao hơn lúc thuỷ triều cao nhất hoặc nước lũ trong mùa mưa lớn nhất 0,5 – 1m. Hơn nữa, cung cấp các máy oxy "sục" cho tôm thở cũng là kinh nghiệm quan trọng trong việc nuôi tôm.
Ước mơ chuyển giao khoa học công nghệ
Bước đầu thành công với tôm the, anh Châu mạnh dạn góp vốn với chị gái nuôi thêm 3ha cá chẽm thịt. Anh đã ươm giống cá chẽm phục vụ cho việc nuôi trồng của gia đình để chủ động trong con giống và giảm giá thành của con giống.
Mỗi năm anh Châu đã ươm bình quân khoảng 100.000 con giống để nuôi thịt, cho ra từ 80 đến 100 tấn cá thịt.
Đối với tôm thẻ, anh nuôi khoảng 5 triệu con giống/7ha sản phẩm cho ra hàng năm trên 30 tấn.
Tổng số vốn mỗi năm của anh Châu đầu tư cho việc nuôi tôm, cá chẽm khoảng 2,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng.
Thấy được khả năng làm giầu, anh Châu đã bày cách cho nhiều hộ gia đình tại Đất Đỏ cùng làm, đặc biệt là hộ nghèo.Thời điểm ban đầu, anh đã tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên với mức lương 5,5 triệu đồng/ người; 2 lao động theo thời vụ với tiền công 200.000đ/người/ngày.
Hiện nay số nhân lực này đã tăng lên hàng chục người, thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.
Không dừng lại ở đó, anh Châu mong muốn được chuyển giao khoa học kỹ thuật về việc nuôi tôm thẻ và cá chẽm nên đã chủ động xây dựng chương trình. Đến nay, anh đã chuyển giao khoa học kỹ thuật cho khoảng 50 lượt hộ đang nuôi trồng tại xã Lộc An.
Hiện, mô hinh nuôi tôm thẻ của anh Châu đã trở thành điển hình trên toàn huyện Đất Đỏ. Mỗi ngày, anh tiếp đón rất nhiều đoàn đến tham qua, học tập kinh nghiệm.
Không giấu nghề, bởi thâm tâm, anh luôn mong muốn càng ngày càng có nhiều hộ gia đình khấm khá hơn, đời sống ổn định hơn để con cái được học hành, được thoát nghèo và dùng kiến thức ở ngoài xã hội về xây dựng quê hương.
Nhiều năm liền, anh Châu được khen thưởng về mô hình làm kinh tế giỏi. Năm 2016, anh được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của.
Giải thưởng Lương Định Của là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn trao tặng hằng năm cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Qua 10 năm tổ chức, giải thưởng Lương Định Của đã tôn vinh 1.650 thanh niên nông thôn tiêu biểu, luôn tâm huyết, tràn đầy ý chí, nghị lực, khát vọng vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp tại quê hương.