Chọn khởi nghiệp với tăm tre
Nói về niềm đam mê bất tận với tăm tre, anh Nguyễn Vũ Linh ( (ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, An Giang) cho biết, năm 2013 trong khoảng thời gian tham gia lực lượng dân quân tự vệ xã, anh quen thân với một người bạn làm chung đơn vị.
Trong khoảng thời gian rảnh, người bạn này thường có sở thích làm các mô hình nhà cửa bằng tăm tre. Thấy thích nên Linh cũng bắt đầu tập tành làm theo. Sản phẩm đầu tay là những căn nhà nhỏ xinh, đơn giản, không có những chi tiết cầu kỳ.
Trong một lần tìm hiểu để nâng cao tay nghề làm mô hình bằng tăm tre trên mạng, anh quyết định thử sức làm mô hình tháp Eiffel, nhưng sản phẩm trong quá trình làm liên tục bị lỗi.
Không nản chí, anh lại tiếp tục làm lại tháp khác, xuyên suốt quá trình hơn 5 tháng cặm cụi tạo hình sản phẩm thành công và được nhiều bạn bè khen ngợi, đặt mua sản phẩm. Từ đó, anh càng có thêm động lực để tiếp tục làm ra những sản phẩm mới từ tăm tre.
Từ sản phẩm đầu tiên khá đơn giản, các chi tiết chưa trau chuốt, càng về sau, các sản phẩm tăm tre của anh càng tinh tế, sắc sảo. Từ những chi tiết trong ngôi nhà như cánh cửa sổ, cầu thang có tay vịn, ban công, hay cả những chi tiết nội thất bên trong như bàn, ghế, đèn ngủ, quạt trần… đều mô phỏng đúng tỷ lệ so với nguyên bản.
Đến khi rời đơn vị để học thêm nghề sửa điện thoại, nhưng niềm đam mê với tăm tre vẫn sục sôi trong suy nghĩ. Đến năm 2018, nhận thấy công việc sửa điện thoại áp lực lại không phù hợp với niềm đam mê của bản thân nên anh quyết định nghỉ việc và quyết định khởi nghiệp bằng tăm tre.
Anh thuê 3 phòng trọ để chứa nguyên liệu, làm nơi sản xuất và trưng bày sản phẩm.
Thu nhập ổn định
Để tạo ra một sản phẩm đúng từng chi tiết với nguyên bản, trước tiên sử dụng một miếng gạch hoặc kiếng để tạo mặt phẳng dựng mô hình, tiến hành lựa những cây tăm có độ trắng và đồng đều đẹp mắt. Sau đó bắt đầu lên ý tưởng, phác họa hình ảnh ra giấy và đo đạc để lấy số liệu và dựng sản phẩm.
“Đối với các sản phẩm nhà bằng tăm tre, tôi đo đạc và phân chia kích thước sao cho thu nhỏ lại giống như nguyên bản nhất có thể. Bên trong làm tivi, đèn, bàn, ghế, cầu thang, cỏ... đầy đủ. Có thể sử dụng các nguyên liệu khác để tạo hình các chi tiết trong nhà, không bắt buộc phải sử dụng tăm”, anh Linh cho biết.
Đặc biệt, anh có thể lắp đường điện, gắn đèn từng phòng trong nhà, hoặc đưa nước vào nhà. Tùy sản phẩm có mức độ mô phỏng càng chi tiết, đẹp và kích thước càng lớn, thời gian làm càng lâu. Các sản phẩm có kích thước nhỏ, anh có thể làm trong 1 ngày, còn đối với những sản phẩm cần độ tỉ mỉ, đầy đủ chi tiết và có kích thước to phải mất thời gian hơn 1 tuần.
Ngoài nguyên liệu chính là tăm tre, que kem…, còn có các dụng cụ: máy khắc chữ, cưa, keo 502, keo sữa, keo silicone, bìa cứng, sơn chống mốc… Một số nguyên liệu làm phụ kiện trang trí như: sỏi, bột cỏ, vải nỉ màu, giấy lụa… Tùy ý tưởng thiết kế Linh sẽ sử dụng các loại nguyên liệu, phụ liệu khác nhau.
Những sản phẩm được anh sưu tầm hình ảnh từ trên các trang mạng hoặc đi trên đường vô tình gặp đều được anh chụp lại để dành tạo hình. Sau đó, bắt đầu hình dung và phỏng đoán để thu nhỏ lại trên giấy để tạo ra các sản phẩm. Để đặt hàng, khách có thể gợi ý hình dáng căn nhà hoặc một mẫu vật bất kỳ muốn mô phỏng bằng tăm tre. Hoặc kỹ hơn, khách chụp 4 phía mẫu vật, Linh đều có thể mô phỏng chính xác nhất.
Để tạo ra các sản phẩm làm từ tăm tre đòi hỏi tính tỉ mỉ, kiên trì rèn luyện các thao tác, tư duy để tạo hình sản phẩm vì thế, nhìn có vẻ đơn giản nhưng ít người đam mê và gắn bó.
“Cũng có nhiều bạn trẻ đến đây xin học nghề, nhưng do công việc suốt ngày ngồi một chỗ, cặm cụi dán ghép tỉ mỉ đến từng chi tiết, bụi bặm nhiều nên những ai không có niềm đam mê với tăm tre sẽ khó theo nghề được.
Các sản phẩm làm ra tùy theo mẫu mã, kích thước giá bán dao động từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng. Hiện, anh đã cho ra đời đa dạng các mẫu mã sản phẩm, mô hình như: các loại nhà, đền thờ Bác Tôn, Văn Miếu, tháp Eiffel, cầu, móc khóa, bảng hiệu quảng cáo, đèn ngủ… Các sản phẩm được Linh giới thiệu thông qua các trang mạng xã hội và được nhiều người đặt hàng, tìm mua.
Được Tỉnh đoàn An Giang hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, dự các hội chợ, hội thảo, như: Phiên chợ xanh, hội thảo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… nên sản phẩm do anh Linh làm ra đã có mặt khắp thị trường các tỉnh, thành phố ở miền Tây, TP Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Thái Bình, Lào Cai và tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Sắp tới, anh Linh muốn phát triển cơ sở để nhiều người biết tới và tạo dựng thương hiệu để có đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, dạy nghề cho thanh niên tại địa phương có việc làm lành mạnh và không cần phải tìm việc ở những nơi xa…
“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.