Hiến “đất vàng” mở đường giữa Sài thành

GD&TĐ - Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều con hẻm nhỏ, mật độ dân cư đông, không gian sống bị hạn chế. Để có những con hẻm rộng rãi, khang trang hơn, nhiều người dân đã đồng thuận hiến đất với giá trị từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Hẻm 62 Lý Chính Thắng (Quận 3, TPHCM) được mở rộng khang trang giúp người dân thoải mái hơn. Ảnh: TG
Hẻm 62 Lý Chính Thắng (Quận 3, TPHCM) được mở rộng khang trang giúp người dân thoải mái hơn. Ảnh: TG

Thành công điển hình

Con hẻm 162 Phan Đăng Lưu (P.3, quận Phú Nhuận, TPHCM) giờ trở nên rộng rãi, thông thoáng nhờ người dân ở đây quyết định lùi một phần đất nhà để mở rộng đường. Theo ông Huỳnh Văn Lộc (56 tuổi), Tổ trưởng khu phố 3, khu phố này có gần 90 hộ dân. Khi chưa làm đường, con hẻm này có đoạn rộng nhất gần 3m, đoạn cuối chỉ hơn 1m lại ngoằn ngoèo khó đi. Nếu 2 chiếc xe gắn máy chạy ngược chiều là coi như thua. Người dân lo ngại nếu chẳng may có cháy nổ, việc cứu chữa sẽ rất khó khăn.

Từ năm 2005, UBND phường 3 đã có kế hoạch đầu tư mở rộng con hẻm này nhưng vì nhiều lý do nên đến nay mới hoàn thành. Qua nhiều lần vận động, bằng quyết tâm cao, các ban ngành trên địa bàn quận Phú Nhuận đã đề ra giải pháp hoán đổi đất cho người dân sang vị trí khác và giải tỏa trắng 4 căn nhà để “nắn” con hẻm. Hiện con hẻm đã được mở rộng 5m có đoạn rộng gần 6m.

Đa số bà con ở đây vui và thoải mái, người già khi đau ốm thì xe cứu thương vào tận nhà rất thuận tiện. “Mới đây có mấy trường hợp bị tai biến, bệnh nặng phải đi cấp cứu thì xe cứu thương vào đến tận nhà đưa đi kịp thời. Đây là điều bà con thấy thiết thực nhất”, ông Lộc cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Thành Phương, hẻm 162 Phan Đăng Lưu là một trong những công trình mở rộng thành công điển hình trong cuộc vận động người dân trên địa bàn quận. Mô hình và cách làm này được UBND TPHCM và các sở, ngành đánh giá cao, mở ra một hướng mới trong công tác mở rộng đường, hẻm, chỉnh trang đô thị trong thời gian tới.

Ông Huỳnh Đăng Linh - Phó Bí thư Quận ủy Phú Nhuận cho biết thêm, ở quận có hơn 1.900 hẻm và nhánh hẻm, phần lớn là nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo. Với quyết tâm huy động mọi nguồn lực để thực hiện tốt công tác chỉnh trang, phát triển đô thị, Đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội quận cùng 15 phường đã đề ra chủ trương, nỗ lực, kiên trì vận động nhân dân hiến đất, chung tay với Nhà nước mở rộng đường, hẻm.

Hơn 10 năm nay, quận Phú Nhuận đã thực hiện 54 dự án mở rộng đường, hẻm. Đến nay đã hoàn tất đưa vào sử dụng 43 công trình, gồm 5 đường và 38 hẻm. Trong đó, hơn 2.110 hộ dân đã hiến đất với tổng diện tích hơn 10.500m2, trị giá trên 900 tỷ đồng. Điều đáng quý là có hộ dân đã hiến hơn 40m2 đất, bằng diện tích một căn nhà trung bình để quận thực hiện mở rộng đường, hẻm.

Hẻm 162 Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, TPHCM) mở rộng và trải nhựa thông thoáng. Ảnh: TG
Hẻm 162 Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, TPHCM) mở rộng và trải nhựa thông thoáng. Ảnh: TG

Cải thiện cuộc sống

Nhiều bà con sinh sống trong hẻm 62 Lý Chính Thắng, Quận 3 vui mừng khi con hẻm được mở rộng, xe hơi đến được tận nhà. Giờ bà con không phải sợ bị ngập nữa. Chủ căn nhà 62/9 chia sẻ, từ khi hẻm được trải nhựa thông thoáng bản thân thấy rất vui mừng. Việc đi lại được thuận lợi. Khi có khách, trước nhà cũng có thể để được vài ba chiếc xe. Còn trước đây kiếm chỗ dựng xe còn khó và hễ mưa là ngập.

Bà Nguyễn Thị Lan, nhà số 62/69 Lý Chính Thắng chia sẻ: “Từ khi nâng cấp con hẻm đến nay điều kiện đi lại rất thuận lợi, mưa đã bớt ngập. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình còn mở cửa hàng tạp hóa, buôn bán nhỏ kiếm thêm thu nhập”.

Theo ông Trần Văn Đức, Bí thư Chi bộ khu 4, kiêm Trưởng ban Vận động hiến đất P.8, Q.3, chủ trương mở rộng hẻm đã có từ năm 2004 nhưng mất nhiều thời gian do công tác vận động không hiểu rõ tâm nguyện của người dân. Đầu năm 2019, ông Đức quyết tâm đứng ra kêu gọi người dân hiến đất làm đường. Ở hẻm 62 Lý Chính Thắng, ông đã gửi giấy thăm dò để hỏi ý kiến của từng gia đình.

Ông Đức chia sẻ: “Nếu nhà nào đồng ý mà có điều kiện thì mình giải thích rằng phần đất này là đất của Nhà nước, trong lộ giới giải tỏa hẻm. Nhà nước cho nhân dân tạm sử dụng trong thời gian chưa sử dụng. Cái này không phải bồi thường gì hết mà giải tỏa phần đất đó phục vụ công cộng, làm đường chống ngập chứ không phải Nhà nước đi bán mà bồi thường. Và tùy từng gia đình kết cấu nhà ra sao phường sẽ có hỗ trợ chi phí để dân sửa sang nhà cửa”.

UBND phường và quận đã thống nhất phương án kêu gọi hỗ trợ từ những gia đình khá giả để bù lại cho hộ dân khó khăn hơn. Và một số hộ cũng đã đồng ý nhường lại số tiền này để những hộ khó khăn có điều kiện sửa sang nhà cửa sau khi hiến đất. “Từ khi con hẻm này mở rộng thì giá nhà đất tại đây cũng tăng theo. Nhiều hộ gia đình có điều kiện đã sắm xe hơi để đi lại thuận tiện hơn”, ông Đức cho biết.

Theo UBND Quận 3, từ năm 2015 đến nay, đã có 34 tuyến hẻm được mở rộng, tổng diện tích đất được mở rộng là 9.389,62m2, tương ứng số tiền 444,7 tỷ đồng với 1.172 hộ dân cùng tham gia hiến đất… Từ những con hẻm chỉ đủ hai xe máy chạy ngược chiều lưu thông, mùa mưa triều cường nước ngập triền miên, việc đi lại cũng như xử lý sự cố về cấp cứu, PCCC hết sức khó khăn thì nay nhiều tuyến hẻm trên địa bàn đã được mở rộng khang trang, đời sống người dân và bộ mặt đô thị được cải thiện.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, tính đến nay, hàng chục nghìn người dân đã hiến hơn 2,2 triệu m2 đất, tương đương trên 2.200 tỷ đồng (tính giá trị đất theo đơn giá Nhà nước). Điển hình như Quận 2, người dân hiến 21.100 m2  (giá trị gần 122 tỷ đồng); Quận 7 trên 5.500m2 (74 tỷ đồng); Quận 12 trên 11.000m2 (33 tỷ đồng); Hóc Môn 510.000m2 (hơn 33 tỷ đồng); Củ Chi gần 750.000m2 (355 tỷ đồng); Bình Chánh 790.000m2 (trên 540 tỷ đồng); Quận 9 gần 20.000m2 (350 tỷ đồng).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.