Ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông: Học Lịch sử sao cho vừa "nhàn" vừa nhớ

GD&TĐ - Cô Phạm Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THPT Ban Mai-Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ những lưu ý hữu ích, giúp học sinh học, ôn tập hiệu quả môn Lịch sử trước Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sắp tới.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Sai lầm hay gặp khi học, ôn Lịch sử

Chương trình Lịch sử phổ thông dù chỉ nằm trong chương trình lớp 12 và nửa phần lớp 11 nhưng vẫn rất dài. Muốn ghi nhớ bao quát, học sinh phải có kế hoạch học và ôn tập ngay từ đầu. Đừng để “nước đến chân mới nhảy” thì sẽ bị “chết chìm” trong biển kiến thức.

Tránh ôn thi một cách mông lung, không có kế hoạch, mục tiêu. Hãy lên một bản kế hoạch ôn tập chi tiết: có mục tiêu rõ ràng về điểm số, có thời gian cụ thể cho các chủ đề/các bài ôn luyện.

Tránh ghi nhớ kiến thức máy móc bằng cách: học thuộc lòng, học tủ, học vẹt sẽ dẫn đến tình trạng “học trước quên sau”, gây tốn thời gian mà lại không hiệu quả. Nên tóm tắt các kiến thức lịch sử thành dạng sơ đồ tư duy, infographic,… để ghi nhớ, học sự kiện và qua có xâu chuỗi vấn đề tốt hơn.

Tránh ôn “trọng điểm”, bởi nội dung kiến thức trong đề thi trắc nghiệm được trải dài trong toàn bộ chương trình Lịch sử 11, 12.

Tránh luyện đề khi chưa nắm chắc kiến thức cơ bản. Đây là sai lầm của nhiều học sinh trong quá trình ôn tập. Nên rà soát kiến thức cơ bản, phân loại chủ đề ôn tập, hiểu rõ bản chất các sự kiện, hiện tượng lịch sử, sau đó mới luyện đề. Việc luyện đề cũng nên phân chia thành các giai đoạn, luyện đề theo bài/theo chủ đề, sau đó luyện đề tổng hợp. Việc luyện đề nên đưa vào kế hoạch cụ thể, rõ ràng để có thể kiểm soát được quá trình ôn luyện.

Tránh học lịch sử “một mình”, hãy tìm cho mình một nhóm bạn từ 2-3 người có cùng chí hướng, cùng nhau lập kế hoạch ôn tập, thảo luận và nhắc nhở nhau cùng học tập để đạt kết quả tốt nhất.

Tránh “tra đáp án” đúng trên mạng, mà không kiểm chứng lại bởi giáo viên của mình. Một thuận lợi lớn cho học sinh là các đề thi, đáp án trên mạng rất nhiều, là nguồn tham khảo rất tốt trong quá trình ôn tập. Tuy nhiên, những đáp án đó cần được kiểm chứng và cần tìm minh chứng bằng cách tra sách vở, hỏi bạn bè, giáo viên để tìm được đáp án chính xác nhất.

Cô Phạm Thị Phương Thảo.
Cô Phạm Thị Phương Thảo.

Một số “bí kíp” giúp học “nhàn” hơn

Học sinh hãy học theo trình tự thời gian: học bài theo định dạng của sách giáo khoa, theo trình tự thời gian để nắm các sự kiện nhiều nhất có thể. Để học tốt, nên dùng trục thời gian hay sơ đồ tư duy.

Sau khi nắm vững các kiến thức cơ bản, nên ôn theo chiều ngang, có nghĩa là kết hợp nhiều kiến thức chung chủ đề. Ví dụ, quan hệ đối ngoại của tất cả các nước trong chương trình lịch sử thế giới, các chiến lược của Mỹ từ 1960 - 1973... Kiểu ôn theo chiều ngang này sẽ giúp chúng ta rèn luyện kỹ năng so sánh, đối chiếu và nắm sự kiện một cách khái quát nhất.

Thêm vào đó là “ôn theo kiểu Tây Tạng”. Các nhà sư Tây Tạng có một cách học để nhớ rất nhanh và lâu quên, đó là học theo kiểu tranh luận. Mỗi người đặt ra một câu hỏi để người khác trả lời. Người trả lời sẽ bị người khác phản bác. Hãy tìm một người bạn hoặc nhóm bạn cùng học lịch sử. Việc tranh luận ngắn về một nội dung lịch sử sẽ giúp các em nhớ lâu.

Hoặc học sinh có thể tự mình soạn câu hỏi trắc nghiệm để ôn tập. Từ việc soạn được câu hỏi theo những dạng câu hỏi trong các đề ôn luyện, bản thân học sinh sẽ tạo được những phản xạ tự nhiên khi làm bài, bởi đã biết hoặc thực hành nhiều lần kiểu câu hỏi tương tự.

Học cùng mạng: học sinh hãy làm thật nhiều bài tập trắc nghiệm, hiện nay có rất nhiều trên mạng internet. Đề thi do tập thể giáo viên biên soạn nên phong cách, cấu trúc biên soạn rất phong phú, đa dạng. Việc giải nhiều bài tập sẽ giúp học sinh có tư duy tốt trong việc giải tất cả các thể loại trắc nghiệm.

Hãy tự mình tổng kết các kiến thức môn học bằng các sơ đồ tư duy hoặc sơ đồ hóa. Học sinh nào vẽ đẹp có thể trang trí cho bắt mắt để lúc học cuốn hút hơn rồi dán chúng vào góc học tập hoặc nơi mình thường xuyên lui đến để có thể vô tình học một cách có chủ ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...