Ôn tập môn Lịch sử: Thế giới ra sao nếu không có cách mạng khoa học công nghệ

GD&TĐ - Cô Lê Thị Huyền - giáo viên Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) hướng dẫn học sinh ôn tập chuyên đề lịch sử: Cách mạng khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa nửa sau thế kỉ XX.

Học sinh Trường THPT Sơn Tây trong buổi sinh hoạt chuyên đề Lịch sử
Học sinh Trường THPT Sơn Tây trong buổi sinh hoạt chuyên đề Lịch sử

Nguồn gốc của Cách mạng khoa học công nghệ

Theo cô Huyền, để ôn tập hiệu quả chuyên đề này, học sinh cần xây dựng hệ thống kiến thức vững chắc nhất về chủ đề cách mạng khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa, đồng thời tiếp tục luyện tập các câu hỏi trắc nghiệm từ mức độ nhận biết thông hiểu và vận dụng liên quan.

Ở nội dung cách mạng khoa học công nghệ, các em  cần nắm vững những đơn vị kiến thức: Nguồn gốc; đặc điểm; hai giai đoạn phát triển của cách mạng khoa học công nghệ; tác động của cách mạng khoa học công nghệ.

Nguồn gốc của cách mạng khoa học công nghệ chính là từ nhu cầu của cuộc sống và sản xuất. Trong quá trình phát triển, con người có nhu cầu được cải thiện, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của mình. Trong sản xuất, con người luôn đặt ra cho mình mục tiêu phải tăng năng suất lao động và cải tiến chất lượng của các sản phẩm mà con người làm ra.

Nguồn gốc thứ hai là yêu cầu phải giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu: Đó là bùng nổ dân số, vơi cạn những nguồn tài nguyên thiên nhiên mà con người đã khai thác trong quá trình lịch sử lâu dài.

Cô Lê Thị Huyền hướng dẫn ôn tập môn Lịch sử.
Cô Lê Thị Huyền hướng dẫn ôn tập môn Lịch sử.

Nguồn gốc thứ ba là cuộc Cách mạng khoa học công nghệ diễn ra nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Các bên có cuộc chạy đua làm thế nào để quân đội ngày càng cơ động hơn, hoạt động hiệu quả hơn, có được những vũ khí lợi hại với tỉ lệ sát thương cao hơn.

Đặc điểm lớn nhất của Cách mạng khoa học công nghệ đó chính là khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Đây là đặc điểm nổi bật nhất của Cách mạng khoa học công nghệ bởi mọi phát minh về mặt kĩ thuật đều bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học. Khoa học gắn liền với kĩ thuật, khoa học đi trước mở đường cho kĩ thuật. Đến lượt mình, kĩ thuật đi trước mở đường cho sản xuất. Khoa học tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất là nguồn gốc chính dẫn đến sự tiến bộ, phát triển của kĩ thuật và công nghệ nửa sau thế kỉ XX.

Đơn vị kiến thức tiếp theo học sinh cần nắm vững là 2 giai đoạn phát triển của cuộc Cách mạng khoa học công nghệ. Giai đoạn đầu được gọi là cách mạng khoa học kĩ thuật diễn ra từ những năm 40 của thế kỉ 20 cho đến năm 1973 của thế kỉ XX.  Từ sau đến năm 1973 đến nay, cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật hiện đại được gọi là Cách mạng khoa học công nghệ.

Sở dĩ gọi là Cách mạng khoa học công nghệ  vì lúc này công nghệ trở thành nội dung chính, là yếu tố cốt lõi của cách mạng khoa học kĩ thuật. Thế giới chứng kiến sự ra đời của thế hệ máy tính mới, máy tính thế hệ thứ 3, sự phát triển của công nghệ sinh học, nguồn năng lượng mới với những thành tựu kì diệu, sâu rộng trên tất cả  lĩnh vực từ khoa học cơ bản đến công nghệ sinh học, các nguồn năng lượng mới hệ thống máy tính hệ thống máy tự động cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp. Bên cạnh đó là những tiến bộ kì diệu trong chinh phục vũ trụ, giao thông vận tải, thông tin liên lạc.

Ôn tập môn Lịch sử: Thế giới ra sao nếu không có cách mạng khoa học công nghệ  ảnh 2
Click vào ảnh để xem nội dung

Tác động của cuộc Cách mạng khoa học công nghệ

Cuộc cách mạng này tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Nhờ thành tựu của Cách mạng khoa học công nghệ chúng ta đã sản xuất được khối lượng vật chất khổng lồ đáp ứng được nhu cầu về mặt vật chất và tinh thần của toàn thể nhân loại. Không chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản mà còn góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Cuộc Cách mạng khoa học công nghệ đã làm thay đổi cơ cấu dân cư và chất lượng nguồn nhân lực. Chứng kiến sự thay đổi của cơ cấu dân cư ở tất cả các nước trên thế giới. Cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần này đặt ra những đòi hỏi vô cùng bức thiết cho nền GD của tất cả c quốc gia là phải đào tạo một lực lượng lao động có chất lượng để đáp ứng được sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ.

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã hình thành thị trường thế giới với xu thế toàn cầu hóa. Đưa nhân loại bước sang nền văn minh mới đó là văn minh thông tin, văn minh trí tuệ.

Tuy nhiên cuộc cách mạng khoa học công nghệ cũng có tác động tiêu cực mà  chủ yếu do con người tạo nên, đó chính là tai nạn lao động và tan nạn giao thông. Con người đã sản xuất ra các loại vũ khí hủy diệt, vũ khí sinh học đe dọa môi trường hòa bình, an ninh và sự phát triển bền vững ổn định của cả nhân loại.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và bệnh dịch mới như chúng ta chứng kiến hiện nay là dịch Covid-19. Với sự phát triển của giao thông liên lạc, đặc biệt hệ thống giao thông, mức độ lây lan của dịch bệnh bằng con đường hàng không trở nên nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Từ đầu những năm 80, đặc biệt là từ sau Chiến tranh lạnh xu thế toàn cầu hóa đã xuất hiện, mang lại sự tăng trưởng kinh tế cao. Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu không thể đảo ngược, vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Toàn cầu hóa đặt ra các yêu cầu phải cải cách sâu rộng để nâng cao cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Tuy nhiên, xu hướng toàn cầu hóa đã khoét sâu thêm sự bất công xã hội và hố ngăn cách giàu nghèo càng lớn, làm mọi hoạt động và đời sống con người kém an toàn hơn, nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc và độc lập chủ quyền quốc gia.

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã tác động lớn đến Việt Nam, tạo nên cả thời cơ lẫn thách thức đối với sự phát triển của đất nước. Cách mạng khoa học công nghệ đã tạo cho chúng ta cơ hội được tiếp thu những thành tựu KHCN áp dụng vào sản xuất, đời sống để phát triển kinh tế và rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới.

Tuy nhiên cuộc  Cách mạng khoa học công nghệ cũng đặt ra cho đất nước ta những thách thức. Do Việt Nam có điểm xuất phát thấp, nếu chúng ta không bắt kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ thì nguy cơ tụt hậu là luôn tiềm ẩn.

Nhấn mạnh đây là chuyên đề quan trọng của các bài thi lịch sử, đã xuất hiện trong câu 8 của đề thi tham khảo năm nay, cô Huyền khuyên  học sinh nên xâu chuỗi những sự kiện, chú tâm vào vấn đề nổi bật, quan trọng mà thầy cô thường nhắc tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ