Bí quyết đạt điểm cao môn Lịch sử: Chính sách đối ngoại của khối tư bản chủ nghĩa

GD&TĐ - Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, điểm khó nhớ là chính sách đối ngoại của khối tư bản chủ nghĩa thường thay đổi theo các mốc thời gian khác nhau.

Cô Lê Thị Mỹ Dung và học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).
Cô Lê Thị Mỹ Dung và học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).

Cô Lê Thị Mỹ Dung - giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm cho học sinh cách học về: “Các chính sách đối ngoại của Mỹ - Tây Âu - Nhật từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay”.

Chính sách đối ngoại của Mỹ

Nước Mỹ thời kì Chiến tranh lạnh (1945 - 1991) triển khai Chiến lược toàn cầu, được tuyên bố công khai trong diễn văn của Tổng thống Truman đọc trước Quốc hội (3/1947), coi chủ nghĩa cộng sản là một nguy cơ và Mỹ có “sứ mệnh lãnh đạo thế giới tự do” chống lại nguy cơ đó.

Các đời tổng thống Mỹ đều có học thuyết cụ thể với những tên gọi khác nhau, nhưng đều nhằm 3 mục tiêu: Ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, phong trào chống chiến tranh, vì hòa bình, dân chủ trên thế giới. Khống chế và chi phối các nước tư bản đồng minh phụ thuộc vào Mỹ.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Mỹ sử dụng nhiều biện pháp khác nhau: Thiết lập liên minh quân sự, chạy đua vũ trang, khởi xướng cuộc Chiến tranh lạnh, gây tình trạng đối đầu căng thẳng với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Trực tiếp gây ra hoặc tiếp tay cho nhiều cuộc bạo loạn, đảo chính lật đổ ở nhiều nơi, tiêu biểu là cuộc Chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954 -1975) và dính líu vào cuộc chiến tranh ở Trung Đông.

Bí quyết đạt điểm cao môn Lịch sử: Chính sách đối ngoại của khối tư bản chủ nghĩa ảnh 1
Click vào ảnh để xem nội dung.

Năm 1972, Mỹ điều chỉnh chiến lược toàn cầu, thực hiện sách lược hoà hoãn với hai nước lớn (Liên Xô và Trung Quốc) để chống lại phong trào đấu tranh cách mạng của các dân tộc. Từ giữa những năm 80 (thế kỉ XX), trong xu thế đối thoại và hoà hoãn, Mỹ và Liên Xô chính thức tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh (12/1989).

Sau khi tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh (1989) và trật tự thế giới hai cực Ianta tan rã (1991), chính quyền Mỹ đề ra Chiến lược cam kết và mở rộng với 3 mục tiêu: Bảo đảm an ninh của Mỹ với lực lượng quân sự mạnh; khôi phục sức mạnh của nền kinh tế Mỹ; đề cao dân chủ và nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ các nước khác.

Mục tiêu bao trùm là thiết lập trật tự thế giới “đơn cực”, trong đó Mỹ là siêu cường duy nhất, đóng vai trò lãnh đạo thế giới. Nhưng trong tương quan lực lượng giữa các cường quốc, Mỹ không dễ gì thực hiện được tham vọng đó.

Học sinh cần nắm chắc kiến thức trong chương trình sách giáo khoa. Ảnh:TG
Học sinh cần nắm chắc kiến thức trong chương trình sách giáo khoa. Ảnh:TG

Chính sách đối ngoại của các nước Tây Âu

Những năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với mưu đồ khôi phục chế độ thuộc địa, các nước Tây Âu như Anh, Pháp, Hà Lan...  tiến hành chiến tranh tái chiếm thuộc địa, nhưng cuối cùng đều thất bại. Nhiều nước Tây Âu đã tham gia khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu.

Trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, đối đầu giữa hai phe, nhiều nước Tây Âu một mặt vẫn tiếp tục liên minh chặt chẽ với Mỹ, mặt khác nỗ lực mở rộng hơn nữa quan hệ đối ngoại.

Các nước Tây Âu đã tham gia “Kế hoạch Mácsan”, gia nhập khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO, tháng 4/1949) nhằm chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, ủng hộ  Israel trong cuộc Chiến tranh Trung Đông…

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Từ năm 1973 trở đi, quan hệ giữa Mỹ và các nước Tây Âu xuất hiện “trục trặc”, nhất là quan hệ Mỹ - Pháp... Tháng 8/1975, các nước Tây Âu cùng Liên Xô, nước xã hội chủ nghĩa châu Âu và hai nước Mỹ, Canada kí định ước Henxinki về an ninh và hợp tác châu Âu. Tình hình căng thẳng ở châu Âu dịu đi rõ rệt.

Vào cuối năm 1989, ở châu Âu diễn ra những sự kiện to lớn mang tính đảo lộn: Bức tường Béclin bị phá bỏ (tháng 11/1989), hai siêu cường Xô – Mỹ tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh (tháng 12/1989), nước Đức tái thống nhất (tháng 10/1990).

Trong bối cảnh chiến tranh lạnh kết thúc, quá trình liên kết của các thành viên Liên minh châu Âu (EU) trở nên chặt chẽ hơn. Các nước Tây Âu đều chú ý mở rộng quan hệ quốc tế với nước tư bản khác, nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ Latinh…

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với xu thế toàn cầu hoá, khuynh hướng liên kết khu vực diễn ra mạnh mẽ. Sáu nước Tây Âu (Pháp, CHLB Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) cùng thành lập Cộng đồng Than - Thép châu Âu (1951), sau là Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu và Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) (1957). Năm 1967, 3 tổ chức trên hợp nhất thành Cộng đồng châu Âu (EC) và từ tháng 1/1993 đổi tên là EU.

Từ 6 nước ban đầu, đến năm 1995, EU phát triển thành 15 nước. Năm 2004, kết nạp thêm 10 nước Đông Âu, đến năm 2007 thêm 2 nước, nâng tổng số thành viên lên 27 nước. EU ra đời không chỉ nhằm hợp tác giữa các nước thành viên trong lĩnh vực kinh tế, tiền tệ mà còn liên minh trong lĩnh vực chính trị. Liên minh châu Âu là tổ chức liên kết chính trị - kinh tế lớn nhất hành tinh, chiếm hơn 1/4 GDP của thế giới.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ  họa: An Nhiên

Chính sách đối ngoại của Nhật Bản

Thời kì Chiến tranh lạnh, nền tảng chính sách đối ngoại của Nhật Bản là liên minh chặt chẽ với Mỹ, thể hiện ở việc kí Hiệp ước hòa bình San Francisco và Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật (tháng 9/1951), về sau được gia hạn nhiều lần. Theo đó, Nhật Bản chấp nhận đứng dưới “chiếc ô” bảo hộ hạt nhân của Mỹ, cho Mỹ đóng quân và xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản.

Năm 1956, Nhật Bản bình thường hoá quan hệ với Liên Xô và tham gia Liên Hợp Quốc. Năm 1973, Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Năm 1978, Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Nhật- Trung được kí kết.

Tháng 8/1977 học thuyết Phucưđa đánh dấu sự “trở về châu Á” của Nhật Bản. Năm 1991, Nhật Bản đưa ra “Học thuyết Kaiphu” là tiếp tục phát triển “Học thuyết Phucưđa” trong hoàn cảnh lịch sử mới nhằm củng cố mối quan hệ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội với các nước Đông Nam Á.

Sau thời kì Chiến tranh lạnh, Nhật tiếp tục liên minh chặt chẽ với Mỹ. Tháng 4/1996, Hiệp ước An ninh Nhật -  Mỹ được tái khẳng định kéo dài vĩnh viễn. Mặt khác, Nhật vẫn coi trọng quan hệ với Tây Âu và mở rộng đối ngoại với các nước trên phạm vi toàn cầu. Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản với các nước NICs và ASEAN phát triển với tốc độ mạnh mẽ.

Theo cô Lê Thị Mỹ Dung, đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có 2 câu hỏi nằm trong bài học này là câu 5 và câu 6. Cụ thể: Câu 5. Chính sách đối ngoại của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai biểu hiện trong chiến lược nào sau đây? Câu trả lời là (D) Chiến lược toàn cầu. Câu 6. Trong học thuyết Phucưđa (1977), Nhật tăng cường quan hệ đối ngoại với các nước ở khu vực nào sau đây? Câu trả lời là (B) Đông Nam Á.

Học sinh phải nắm chắc kiến thức căn bản trong chương trình sách giáo khoa. Các em nên ôn luyện theo dòng thời gian, từ đó phát triển các nội dung có liên quan. Thi trắc nghiệm, việc đầu tiên học sinh cần làm là hệ thống hóa lại toàn bộ kiến thức trong sách giáo khoa theo khoanh vùng ôn tập của Bộ GD&ĐT. - Cô Lê Thị Mỹ Dung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ