Bí quyết đạt điểm cao môn Lịch sử: Dấu mốc quan trọng giai đoạn 1975 - 2000

GD&TĐ - Môn Lịch sử Việt Nam giai đoạn từ 1975 - 2000, học sinh cần nắm được 2 vấn đề cơ bản là quá trình thống nhất đất nước về mặt Nhà nước và Đại hội VI của Đảng gắn liền với công cuộc đổi mới.

Học sinh tại các trường THPT ở Hà Tĩnh đang chạy nước rút ôn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh:TG
Học sinh tại các trường THPT ở Hà Tĩnh đang chạy nước rút ôn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh:TG

Đó là hướng dẫn của thầy Cù Huy Hậu - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh).

Nắm rõ vấn đề trọng tâm của từng giai đoạn

Trong giai đoạn lịch sử sau chiến thắng năm 1975, thầy Cù Huy Hậu nhấn mạnh học sinh cần nắm được vai trò, ý nghĩa của dấu mốc trọng đại này: Đó là đất nước thống nhất về mặt lãnh thổ, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng ở mỗi miền lại có hình thức tổ chức Nhà nước khác nhau, có nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn.

Mặt thuận lợi: Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 – 1975) đạt những thành tựu to lớn và toàn diện, xây dựng được cơ sở vật chất – kĩ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội; miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.

Mặt khó khăn: Ở miền Bắc, hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mĩ đã tàn phá nặng nề, sản xuất nhỏ còn phổ biến, nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Tại miền Nam, hậu quả của 30 năm chiến tranh (1945 – 1975) hết sức nặng nề. Nhiệm vụ cấp thiết đặt ra là khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội ở hai miền Nam, Bắc.

Giai đoạn hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước (1975 – 1976), theo thầy Hậu, học sinh phải nắm rõ 3 vấn đề. Trước hết là chủ trương của Đảng: Nguyện vọng của nhân dân cả nước là sớm có một Nhà nước chung, cơ quan quyền lực chung. Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 9/1975) đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.

Tiếp đó, quá trình thống nhất (từ ngày 15 - 21/11/1975), Hội nghị Hiệp thương chính trị giữa đoàn đại biểu hai miền Nam, Bắc họp tại Sài Gòn, nhất trí về chủ trương, biện pháp thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung (Quốc hội Khóa VI) được tiến hành trong cả nước với hơn 23 triệu cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra 492 đại biểu.

Từ ngày 24/6 - 3/7/1976, Quốc hội Khóa VI, Kỳ họp thứ nhất đã thông qua chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước Việt Nam thống nhất; Đặt tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc huy mang dòng chữ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng năm cánh. Quốc ca là bài Tiến quân ca; Thủ đô Hà Nội. Thành phố Sài Gòn – Gia Định được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh. Kỳ họp đồng thời bầu các cơ quan, chức vụ lãnh đạo cao nhất của đất nước, bầu Ban dự thảo Hiến pháp.

Ngày 31/7/1977, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam đã thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngày 18/12/1980, Hiến pháp mới được Quốc hội Khóa VI thông qua. Đây là bản Hiến pháp thứ ba của nước Việt Nam mới, bản Hiến pháp đầu tiên của thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Những sự kiện trên thể hiện ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc là xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, độc lập và tiến lên xã hội chủ nghĩa; tạo cơ sở để hoàn thành thống nhất đất nước trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo điều kiện phát huy sức mạnh toàn diện của đất nước để xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, tăng cường khả năng quốc phòng – an ninh và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.

Trước kỳ thi, học sinh lớp 12 được tổ chức thi thử các môn.
Trước kỳ thi, học sinh lớp 12 được tổ chức thi thử các môn.

Các dạng câu hỏi thường gặp

Về mặt bối cảnh lịch sử thời điểm diễn ra Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986), đất nước trải qua 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chúng ta đạt được những thành tựu và ưu điểm đáng kể, song cũng gặp không ít khó khăn, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng, nhất là về kinh tế, xã hội. Tác động của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật, những thay đổi của tình hình thế giới và trong quan hệ giữa các nước, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải đổi mới.

Đường lối đổi mới của Đảng đề ra đầu tiên tại Đại hội VI (12/1986), đã được điều chỉnh, bổ sung và phát triển tại Đại hội VII (6/1991), Đại hội VIII (6/1996), Đại hội IX (4/2001). Trong đó nhấn mạnh: Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp. Đổi mới phải toàn diện và đồng bộ, đổi mới về kinh tế phải gắn liền với đổi mới về chính trị, trọng tâm là đổi mới kinh tế.

Học sinh cần nắm rõ những thành tựu của đất nước về mọi lĩnh vực: Kinh tế, xã hội, giáo dục... của giai đoạn 1986 – 2000. Những thành tựu đạt được trong 15 năm này đã tăng cường sức mạnh tổng hợp, làm thay đổi bộ mặt của đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, củng cố vững chắc độc lập chủ quyền đất nước, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

Bên cạnh thành tựu và tiến bộ, đất nước vẫn gặp không ít khó khăn, yếu kém: Nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, xảy ra tình trạng tham nhũng, lạm phát... Mục tiêu lớn nhất mà Đảng và Chính phủ là đưa dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo thầy Cù Huy Hậu, các giai đoạn lịch sử luôn có sự kế tiếp, liên quan không thể tách rời. Đối với lịch sử Việt Nam, học sinh cần nắm được các giai đoạn chính và đặc điểm tiến trình lịch sử từ sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất đến năm 2000. Bao gồm giai đoạn 1919 - 1930; 1930 – 1945; 1945 – 1954; 1954 – 1975 và giai đoạn 1975 đến nay. Từ đó, có sự so sánh, đánh giá, phân tích giữa các giai đoạn lịch sử, nói rõ được nguyên nhân thắng lợi, bài học kinh nghiệm và phương hướng trong thời kỳ tiếp theo. Như vậy, các em sẽ trả lời chính xác câu hỏi trắc nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ