Trong thời gian gần đây, rất nhiều học sinh, sinh viên có xu hướng thờ ơ, không thích học môn Lịch sử. Một trong những nguyên nhân lớn khiến các em quay lưng lại với môn khoa học xã hội này là phương pháp giảng dạy bị cho là nhàm chán. Trong quá trình truyền tải kiến thức cho học sinh, các thầy, cô chủ yếu là thuyết trình, giảng, học sinh ngồi ghi rồi giáo viên lại giảng.
Là nhà thiết kế thời trang nổi tiếng và cũng là giảng viên có nhiều năm gắn bó với các trường đại học, Thạc sỹ Nghệ thuật Lê Sĩ Hoàng rất hiểu tâm lý của học sinh, sinh viên. Chính anh là người đã sáng tạo, đổi mới trong quá trình giảng dạy môn Lịch sử, đưa tri thức mới cho học trò thông qua sân khấu kịch, giúp những giờ học của các em trở thành các trải nghiệm thú vị về cả tri thức lẫn kỹ năng.
Từ chuyện học lịch sử qua ánh đèn sân khấu
Tối ngày 25/2 vừa qua, rất đông khán giả đã đến Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (136 Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM) để thưởng thức vở kịch nói "Khóc giữa trời xanh".
Tác phẩm được nhà viết kịch Lê Chí Trung cảm tác dựa trên cuộc đời của Thái sư Lê Văn Thịnh. NTK Lê Sĩ Hoàng quyết định đầu tư cho kịch bản này trong vai trò sản xuất, thiết kế phục trang và cả… diễn viên chính: Thái sư Lê Văn Thịnh.
Trong số các khán giả tới theo dõi vở kịch có rất nhiều học sinh, sinh viên tại các trường phổ thông, đại học, cao đẳng ở TPHCM và cả những địa phương lân cận như lớp dạy vẽ mỹ thuật Red Art (Bà Rịa - Vũng Tàu) do thầy giáo Phạm Ngọc Viễn Thành phụ trách.
Thầy Thành chia sẻ: "Đây là cơ hội tốt để các em trong lớp tiếp cận với các khía cạnh của bộ môn nghệ thuật này, chẳng hạn như thiết kế sân khấu, bố cục, đạo cụ, phục trang, từ đó các em có thêm nhiều kiến thức thực tế để chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới. Đặc biệt, tôi hoàn toàn đồng ý với hướng đi của anh Sĩ Hoàng khi mong muốn đưa lịch sử đến gần với lớp trẻ theo một cách dễ hình dung và hấp dẫn hơn".
Trong thời gian vở kịch được trình diễn, gần 100 học sinh của lớp Red Art chăm chú theo dõi, biến chuyển tâm trạng theo từng nhân vật. Chính sự hấp dẫn đó đã thu hút, giúp các em ghi nhớ sâu sắc nội dung lịch sử hơn hẳn những bài giảng có phần cứng nhắc ở trên lớp.
Theo tiết lộ của thầy Thành, ngay cả khi đã rời nhà hát ở TPHCM, lên xe ô tô để quay lại Bà Rịa - Vũng Tàu, các em vẫn bàn tán rôm rả về cuộc đời của Thái sư Lê Văn Thịnh. Các em rất xúc động và dành những lời khen ngợi đối với nhân vật lịch sử sống ở thế kỷ 11 này.
Đó là thành công rất đáng trân trọng của NTK Lê Sĩ Hoàng cũng như toàn bộ ê kíp của anh trong quá trình truyền tải môn lịch sử theo cách rất sáng tạo này. Chỉ tính riêng trong tháng 2 vừa qua, 5 suất công diễn của vở kịch nói "Khóc giữa trời xanh" tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã được thực hiện, thu hút rất đông khán giả đến xem, trong đó đa phần là học sinh, sinh viên.
Cho đến nay, đã có khá nhiều trường THPT ở TPHCM đã liên hệ với NTK Lê Sĩ Hoàng để tổ chức cho các em được xem vở kịch này như là một buổi học ngoại khóa trước kỳ thi học kỳ II.
NTK Lê Sĩ Hoàng hy vọng vở diễn này được lan tỏa, để các em yêu môn sử sẽ thấy được cái hay, cái đẹp của lịch sử nước nhà, của nền văn học Việt Nam thông qua những lời thoại được viết một cách rất nghiêm túc, chỉn chu.
Theo tiết lộ của NTK Lê Sĩ Hoàng, sắp tới, anh và các cộng sự có thể sẽ diễn thêm các tác phẩm ngoài chính sử, nhưng mang giá trị giáo dục cao, để học sinh có thêm hiểu biết, mở mang tầm nhìn và nuôi dưỡng cảm xúc với lịch sử nước nhà.
Đến quá trình đưa kịch nói tới học đường
Quá trình đưa kịch nói đến với học đường của NTK Lê Sĩ Hoàng bắt đầu từ năm 2018. Khi ấy, anh và các giảng viên của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM tham gia diễn xuất trong vở “Yêu là thoát tội”. Vở kịch lấy cảm hứng từ vụ án lịch sử Lệ Chi Viên, đoạt giải Huy chương Bạc tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018.
Sau liên hoan, vở kịch đã tiếp tục được trình diễn để phục vụ khán giả. Đến thời điểm năm 2021, vở “Yêu là thoát tội” đã được trình diễn tổng cộng được 100 suất - một kỷ lục hiếm hoi trong bối cảnh tình hình sân khấu vẫn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Vở diễn đa phần được phục vụ cho học sinh và thầy cô môn Văn - Sử ở các trường THCS, THPT và Đại học tại TPHCM. Những phản hồi tích cực từ Ban Giám hiệu cũng như học sinh, sinh viên của các trường chính là động lực để NTK Lê Sĩ Hoàng và ê kíp tiếp tục đầu tư cho các tác phẩm tiếp theo.
Dù cho hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, NTK Lê Sĩ Hoàng vẫn quyết định đầu tư vào các vở diễn một cách nghiêm túc bài bản, với ban dàn dựng uy tín về tác giả, đạo diễn, âm nhạc, thiết kế sân khấu, phục trang.
Để thực hiện mục tiêu đưa kịch nói đến với học đường, NTK Lê Sĩ Hoàng mong muốn xây dựng một thế hệ trẻ có nhu cầu biết thưởng thức giá trị các loại hình nghệ thuật sân khấu, ngoài giải trí trên các thiết bị thông minh còn phải biết yêu kịch, hiểu sân khấu cũng như các kiến thức của môn học Lịch sử.
Bên cạnh đó, phần lớn diễn viên tham gia vở diễn đều hoạt động trong lĩnh vực sư phạm nên rất thấu hiểu, chia sẻ với mục tiêu chung mà dự án của NKT Lê Sĩ Hoàng, hướng đến và kéo dài trong hai năm 2022-2023.
Các thế hệ học sinh nối tiếp của từng niên khoá học hàng năm, cũng sẽ được thưởng thức kịch lịch sử vào giờ học các buổi sáng và chiều từ thứ Hai đến thứ Sáu trong tuần.
Vài nét về NTK, Giảng viên Lê Sĩ Hoàng:
Thạc sỹ Nghệ thuật, họa sĩ, giảng viên, nhà thiết kế, Diễn viên
Nhà sáng lập Bảo tàng Áo dài
Chủ tịch Viện Trang phục Việt
Giảng viên Mỹ thuật và Thời trang từ 1989 đến nay, tại các trường Đại học Kiến trúc TPHCM, Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học Hoa Sen, Đại học Yersin Đà Lạt, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Đại học Công nghệ Kỹ thuật. Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
Hoạt động trong lãnh vực giảng dạy, sáng tác mỹ thuật, doanh nghiệp, nhà thiết kế với thương hiệu Áo dài đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế với triết lý tạo mẫu đưa hội họa vào trang phục Áo dài truyền thống.