Bằng những vần thơ lục bát, thầy giáo khiến học sinh yêu thích môn Lịch sử

GD&TĐ - Dùng thơ lục bát giới thiệu về lịch sử thế giới, thầy giáo Lê Văn Cường – giáo viên Lịch sử Trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã khiến học sinh hết sức thích thú và yêu thích môn học này.

Thầy giáo Lê Văn Cường với những xác nhận kỷ lục chuyển thể các lịch sử qua các vần thơ
Thầy giáo Lê Văn Cường với những xác nhận kỷ lục chuyển thể các lịch sử qua các vần thơ

Thầy giáo của những sáng kiến

Thầy Cường cho biết từ năm học 2015 – 2016 đã viết tác phẩm thơ lục bát “Đại cương thế giới sử thi”, NXB Hội nhà văn, Quý I/2016, viết lịch sử thế giới từ nguyên thủy đến 2015 bằng 3.456 câu thơ lục bát, đồng thời vận dụng hình thức sử dụng thơ ca trong đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử hiệu quả và sáng tạo và đã được Tổ chức Kỉ lục Việt Nam (Vietkings) trao bằng xác lập kỉ lục Việt Nam “Người viết tác phẩm Đại cương Thế giới Sử thi bằng thơ Lục bát dài nhất vào năm 2016.

"Tháng 4/2018, tôi tiếp tục xuất bản “Việt Nam theo dấu sử ca” NXB Hội nhà văn, viết lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến năm 2016 bằng 36.888 câu thơ lục bát. Năm học 2018 – 2019, tôi tiếp tục viết sáng kiến kinh nghiệm “Sử dụng ca khúc cách mạng trong dạy học lịch sử Việt Nam (1954 – 1975) lớp 12 – THPT để tạo hứng thú học tập cho học sinh”. Năm học 2020-2021 là sáng kiến kinh nghiệm “Xây dựng và sử dụng hồ sơ tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dạy học lịch sử Việt Nam (1945 - 1954) ở trường THPT tỉnh Yên Bái”. - thầy Cường chia sẻ.

Thầy Cường luôn truyền cảm hứng yêu thích lịch sử đến với đồng nghiệp và học sinh
Thầy Cường luôn truyền cảm hứng yêu thích lịch sử đến với đồng nghiệp và học sinh
"Thông thường lịch sử địa phương không nằm trong nội dung thi nên các em ít quan tâm. Tuy kiến thức lịch sử địa phương chiếm thời lượng ít nhưng lại là hành trang cho mỗi người sau khi rời ghế nhà trường, góp sức xây dựng quê hương của các em sau này nên tôi muốn truyền cảm hứng lịch sử địa phương cho các em. Ngoài 3 cuốn phục vụ công tác giảng dạy là "Đại cương thế giới sử thi”, "Việt Nam theo dấu sử ca” và "Yên Bái ghi dấu thiên sử” - tôi đang chuyển thể một số cuốn sách, tiểu thuyết về lịch sử sang thơ lục bát giúp người đọc dễ đọc, dễ nhớ hơn. - Thầy Cường chia sẻ

Năm học 2021 – 2022, 2 tác phẩm thơ lục bát về lịch sử Yên Bái là“Yên Bái ghi dấu sử thiên” viết lịch sử tỉnh Yên Bái từ thời tiền sử đến năm 2020 bằng thơ lục bát và “Ngang trời mây đỏ thiên thơ” chuyển thể tiểu thuyết “Ngang trời mây đỏ” của nhà văn Ngọc Bái thành truyện thơ viết về Khởi nghĩa Yên Bái 1930 góp phần đổi mới phương pháp dạy – học lịch sử và giáo dục địa phương tỉnh Yên Bái. Ngoài ra, tác phẩm chuyển thể “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài sang thơ lục bát với tên gọi Dế Mèn lục bát phiêu lưu ký của thầy Cường cũng đã thay đổi cách tiếp cận dạy học Văn trong nhà trường.

Đổi mới để lịch sử hấp dẫn  

Thầy giáo Lê Văn Cường luôn trăn trở tìm ra phương pháp mới trong giảng dạy môn Lịch sử. Hơn 10 năm dạy môn Lịch sử, thầy giáo Lê Văn Cường luôn suy tư để tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả môn Lịch sử, làm thế nào để lịch sử trở nên hấp dẫn với học sinh và cho rằng chỉ có cách tốt nhất để đưa những kiến thức lịch sử đến gần hơn với học sinh và người đọc là làm cho các nội dung lịch sử không khô cứng và cần phải đổi mới để lịch sử hấp dẫn như lồng ghép thi ca với lịch sử. 

Những vần thơ lục bát của thầy Cường đã khiến chúng em và các bạn không còn sợ vì khó nhớ những con số và sự kiện trong sách giáo khoa. Giờ đây lịch sử không chỉ xuất hiện trong giờ học, trong các sinh hoạt hàng ngày chúng em cũng luôn nhắc tới những vẫn thơ - sử của thầy. - Hà Linh, HS lớp 12A3.

Chia sẻ về viêc làm này của mình, thầy Cường cho rằng: Là GV dạy lịch sử, rất buồn khi thấy môn học ít được học sinh quan tâm, nhiều em còn cho rằng đây là môn học phụ, chỉ học đối phó. Nguyên nhân thì có cả khách quan và chủ quan, nhưng theo thầy cái chính là do phương pháp dạy và học, nặng với sự kiện và các con số dẫn đến khô khan, thiếu sức hấp dẫn. Để khắc phục thầy đưa thơ vào dạy sử cũng là để làm mềm dẻo, thêm gia vị ngọt ngào cho môn học, học sinh thích thú hơn. 

Thầy giáo Lê Văn Cường đã khiến các HS yêu thích và ham mê môn học tưởng như khô cằn này
Thầy giáo Lê Văn Cường đã khiến các HS yêu thích và ham mê môn học tưởng như khô cằn này

Kết hợp của nhưng câu thơ lục bát về lịch sử với ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, thầy giáo Lê Văn Cường đã thi hóa lịch sử, giúp các em ấn tượng hơn với sự kiện bài học, mục đích cho giờ học phong phú hấp dẫn hơn, để các em tiếp cận và yêu thích hơn với môn Lịch sử. Thật vui là những năm gần đây, số lượng và chất lượng học sinh dự thi học sinh giỏi môn Lịch sử các cấp tăng dần. Đặc biệt, những cuốn thơ lục bát về lịch sử giúp các em học sinh có hành trang tư liệu, góp phần truyền cảm hứng cho các em học sinh như thầy Cường tâm niệm "khi thầy đam mê thì trò cũng đam mê”.

Các sáng kiến của thầy Cường đã góp phần tạo ra một sự thay đổi mới về nhận thức trong việc dạy học Lịch sử ở trường THPT. Đối với đội ngũ giáo viên dạy Lịch sử đó là việc có thêm công cụ hữu hiệu sáng tạo trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh. Đối với các em học sinh thì những sáng kiến này giúp các em khái quát được các sự kiện một cách dễ dàng, khoa học. Đặc biệt đối với người dân, sáng tạo này là một cách tiếp cận mới mẻ với lịch sử, góp phần nâng cao nhận thức tạo ra sự chuyển biến tích cực trong việc hiểu biết và có thêm kiến thức lịch sử trong cộng đồng. – Nhà giáo Lưu Khánh Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Cảm Ân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ