Bí quyết đạt điểm cao môn Lịch sử: Chắt lọc, xâu chuỗi kiến thức giai đoạn 1939 - 1945

GD&TĐ - Cô Hồ Thị Minh Sang, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu, Thừa Thiên - Huế đưa ra những lưu ý quan trọng, giúp thí sinh học, ôn tập và làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử.

Giờ học Lịch sử Trường THPT Phan Đăng Lưu (Thừa Thiên - Huế).
Giờ học Lịch sử Trường THPT Phan Đăng Lưu (Thừa Thiên - Huế).

Lưu ý từ đề thi tham khảo

Cô Hồ Thị Minh Sang cho biết: Trong đề thi tham khảo Lịch sử thi tốt nghiệp THPT năm nay, nội dung về phong trào giải phóng dân tộc giai đoạn 1939 - 1945 trong chương trình Lịch sử lớp 12 có 2 câu hỏi; gồm câu hỏi số 12 và câu hỏi số 34. So với đề thi chính thức của năm 2020, số câu hỏi thuộc nội dung này giảm 2 câu.

Cụ thể, câu hỏi số 12 về Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5/1941) quyết định thành lập là câu hỏi dễ, ở mức độ nhận biết. Yêu cầu của câu hỏi chỉ để kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức đã học của học sinh, không yêu cầu các em phải tiến hành các thao tác tư duy khác.

Ở câu hỏi này, học sinh nếu học bài đầy đủ sẽ nhớ được từ ngày 10 - 19/5/1941, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại Pác Bó (Hà Quảng - Cao Bằng).

Bí quyết đạt điểm cao môn Lịch sử: Chắt lọc, xâu chuỗi kiến thức giai đoạn 1939 - 1945 ảnh 1
Click vào ảnh để xem nội dung.

Hội nghị đã khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc, tiếp tục tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất. Hội nghị chỉ rõ sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật sẽ thành lập Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh thay cho Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương... (SGK Lịch sử lớp 12, trang 108 -109).

Như vậy, với việc nhớ được nội dung trên, học sinh dễ dàng chọn được đáp án đúng là “Mặt trận Việt Minh”. Ba phương án còn lại đều là những kiến thức của giai đoạn 1930 - 1931 và 1936 - 1939, hoàn toàn không được đề cập trong nội dung của Hội nghị Trung ương 8 (5/1941). Do vậy, đây là các phương án nhiễu quá rõ ràng để học sinh loại trừ.

Câu hỏi số 34: Vấn đề nào sau đây được đặt lên hàng đầu trong các hội nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương giai đoạn 1939 - 1945: Giải phóng dân tộc; Cải cách ruộng đất; Giải phóng giai cấp; Thành lập Mặt trận. Theo cô Sang, đây là câu hỏi khó, ở mức độ vận dụng. Dạng câu hỏi này yêu cầu học sinh phải trải qua 3 lần thao tác tư duy gồm biết - hiểu - vận dụng.

Cụ thể, các em phải biết được nội dung các hội nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn 1939 - 1945 (trọng tâm là Hội nghị Trung ương 6 và Hội nghị Trung ương 8). Từ việc biết nội dung các hội nghị, học sinh phải hiểu được nội dung trọng tâm hàng đầu được các hội nghị nhấn mạnh là gì.

Cuối cùng, phải xâu chuỗi liên hệ kiến thức của các hội nghị để rút ra điểm chung quan trọng nhất về nội dung mà các hội nghị đó đã đề cập. Khi đã nắm chắc và tiến hành suy luận đầy đủ theo các thao tác tư duy đó, các em sẽ biết được phương án “Giải phóng dân tộc” là đáp án đúng duy nhất của câu hỏi này.

Cô Hồ Thị Minh Sang trong giờ dạy môn Lịch sử. Ảnh: TG
Cô Hồ Thị Minh Sang trong giờ dạy môn Lịch sử. Ảnh: TG

Kiến thức cần ghi nhớ

Theo cô Hồ Thị Minh Sang, để tránh việc học tủ, học lệch của học sinh, những năm gần đây, Bộ GD&ĐT chủ trương kiểm tra toàn diện kiến thức đã học. Các trường phải bảo đảm dạy hết chương trình mới tiến hành kiểm tra đánh giá học sinh. Từ năm học 2020 - 2021, việc kiểm tra định kì phải được tiến hành theo ma trận thống nhất chung trên cả nước theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Khẳng định đối với môn Lịch sử lớp 12, nội dung về phong trào giải phóng dân tộc giai đoạn 1939 - 1945 rất quan trọng, cô Sang cho rằng, với nội dung này học sinh phải ghi nhớ đầy đủ kiến thức lịch sử của giai đoạn, trong đó đặc biệt chú ý các nội dung sau:

Những thay đổi của tình hình thế giới có tác động đến Việt Nam; Những biến chuyển về chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam giai đoạn này; Các hội nghị Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương (Hội nghị Trung ương 6, 7, 8, chú trọng Hội nghị 6 và 8); Vai trò của Mặt trận Việt Minh; Công cuộc chuẩn bị lực lượng (chính trị, vũ trang, căn cứ địa cách mạng) và những biện pháp gấp rút chuẩn bị để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền từ năm 1941 - 1944.

Cùng với đó là các nội dung: Khởi nghĩa từng phần (từ giữa tháng 3 - tháng 8/1945), tác dụng ý nghĩa của phong trào đối với Cách mạng tháng Tám năm 1945; Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945: Vấn đề thời cơ và nắm bắt thời cơ, sự chuẩn bị cuối cùng cho Tổng khởi nghĩa trong năm 1945; Tổng khởi nghĩa thắng lợi và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945); Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Học sinh khối 12 Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình).
Học sinh khối 12 Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình).

Ôn tập, làm bài thi hiệu quả

Để học và ôn tập có hiệu quả bộ môn Lịch sử nói chung và nội dung về phong trào giải phóng dân tộc giai đoạn 1939 - 1945, cô Hồ Thị Minh Sang cho rằng: Học sinh trước hết tạo cho mình tâm thế học bình tĩnh, không nóng vội đối phó theo kiểu học cho xong, học vẹt. Các em phải bình tĩnh tư duy, học có liên hệ, so sánh đối chiếu phân tích với đề các năm đã ra để chắt lọc kiến thức cô đọng nhất cần học.

Đồng thời, đọc và ghi nhớ kiến thức cơ bản. Sau đó vẽ sơ đồ liên kết xâu chuỗi kiến thức để ôn tập sẽ giúp nhớ lâu và tránh nhầm lẫn giữa các sự kiện, giai đoạn. Kẻ bảng so sánh nội dung các kiến thức cần học (ví dụ Hội nghị Trung ương 6, 8) để thấy được điểm giống, điểm khác. Thí sinh cũng nên viết lại những gì đã học và đối chiếu, kiểm tra lại kiến thức sẽ giúp nhớ lâu, nhớ chắc hơn bài học. Tăng cường luyện đề thường xuyên vừa để ôn tập kiến thức một cách hiệu quả, vừa làm quen để chuẩn bị sẵn sàng tâm thế khi bước vào phòng thi.

Bí quyết đạt điểm cao môn Lịch sử: Chắt lọc, xâu chuỗi kiến thức giai đoạn 1939 - 1945 ảnh 4
Click vào ảnh để xem nội dung.

“Khi làm bài thi, các em cần giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái. Đọc đề nhanh, đọc lướt đủ 40 câu trong 5 phút đầu tiên để kiểm tra đề. Khi làm bài, cần phân bố thời gian hợp lí, tránh bị sa đà. Đọc kĩ đề, xác định cụm từ khóa của câu hỏi. Câu dễ làm trước, khó làm sau, câu nào chưa giải được nên ghi chú lại và chuyển qua câu tiếp theo, cuối giờ sẽ quay lại làm tiếp. Chú ý những câu hỏi phủ định, tránh bị hiểu nhầm.

Với những câu đã làm lại vẫn phân vân giữa các phương án, học sinh cần tư duy theo hướng loại trừ để chọn đáp án đúng. Các em cũng cần nhớ, không ra khỏi phòng thi (trừ khi có tình huống khẩn cấp). Tận dụng đủ 50 phút để làm và kiểm tra lại bài thật kĩ trước khi nộp, tuyệt đối không để sót câu nào” – cô Hồ Thị Minh Sang lưu ý.

Để việc học dễ dàng hơn, học sinh cần đi theo trình tự các vấn đề như: Vì sao có các sự kiện đó? Nội dung sự kiện là gì? Kết quả và ý nghĩa của sự kiện. Trên cơ sở đó tiến hành so sánh, phân tích, tổng hợp, đánh giá, liên hệ để hiểu sâu và ghi nhớ kĩ kiến thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ