Đã từ lâu, người Nga luôn cố gắng tìm cách để chuyển những loại xe tới các hành tinh khác – chiếc xe "Lunokhod-1" (Xe tự hành trên mặt trăng) đã hạ cánh trên bề mặt Mặt trăng vào tháng 11 năm 1970. Chiếc xe này có trọng lượng 900 kg, được điều khiển từ trái đất bởi một ê-kíp năm người: chỉ huy, lái xe, kỹ thuật viên ăng-ten, hoa tiêu và kỹ sư phụ trách máy móc trên xe.
Tuy nhiên, bước đột phá trong việc "cơ giới hóa mặt trăng" chỉ thực sự diễn ra vào tháng Bảy năm 1971 khi tàu thám hiểm "Apollo-15" cùng phương tiện di chuyển Lunar Roving Vehicle (Kẻ lang thang trên mặt trăng) của người Mỹ đặt chân lên vệ tinh của trái đất này.
Nhờ chiếc xe này mà các phi hành gia đã có thể phóng trên mặt trăng với quãng đường dài. Trong chuyến thám hiểm cuối cùng của tàu "Apollo 17", các phi hành gia đã đi được tổng cộng 35,9 km với tốc độ tối đa 18 km/h.
Sau "Apollo 17" (1972) con người không bay lên Mặt trăng nữa. Trong những năm gần đây tất cả đều tập trung vào mục tiêu tham vọng hơn: chinh phục hành tinh thứ 4 từ Mặt trời – sao Hỏa.
Kế hoạch chinh phục sao Hỏa được nhen nhóm từ những năm 70 của thế kỷ trước. Và một lần nữa, lại là Liên Xô dẫn đầu. Tháng 11 năm 1971, các nhà khoa học Xô Viết đã cố gắng gửi một thiết bị có tên gọi là PrOP-M ("Thiết bị đánh giá khả năng vượt địa hình - sao Hỏa"), thế nhưng nó đã bị hư hại trong khi hạ cánh. Trong tháng 12 cùng năm, việc hạ cánh đã thành công, nhưng chiếc xe tự hành chỉ làm việc được trong 20 giây rồi bị bão bụi vùi dập đến hỏng.
Thiết bị đánh giá khả năng vượt địa hình yểu mệnh của Liên Xô
Chỉ đến tháng 7 năm 1997 thì xe tự hành mới có một cuộc hạ cánh thực sự thuận lợi lên sao Hỏa. Lần này là chiếc Sojourner của Mỹ. Nếu chiếc PrOP-M của Liên Xô prop-M có "chân" với các tấm ván trượt dùng để bước đi, thì người Mỹ lại sử dụng bánh xe. Sojourner đã có quãng thời gian hoạt động kéo dài khoảng 2 tháng rưỡi và gửi về trái đất cỡ 550 ảnh.
Sojourner
Tiếp đó, chỉ riêng năm 2004, người Mỹ đã gửi tới sao Hỏa 2 chiếc xe là Spirit và Opportunity. Chính chúng đã khoan được những mũi khoan đầu tiên vào bề mặt sao Hỏa, và cho đến nay Opportunity vẫn đang làm việc. Kém may mắn hơn là chiếc Spirit, nó bị rơi vào hố cát, mắc kẹt và không thể thoát ra.
Spirit và Opportunity là hai chiếc xe giống hệt nhau, nhưng lại có số phận khác nhau
Ngày 6 tháng 8 năm 2012, Mỹ lại tiếp tục gửi lên sao Hỏa một cỗ máy mang tên Curiosity. Tại thời điểm này, đây là chiếc xe tự hành lớn nhất, hiện đại nhất và thông minh nhất từng “đặt bánh” lên hành tinh Đỏ. Nó có thể khoan, cắt, đốt laser, thực hiện nhiều phép phân tích, chụp ảnh màu và quay video. Thế nhưng mục đích chính của Curiosity không phải chỉ có chụp ảnh và quay phim mà nó mang trọng trách lớn lao hơn nhiều - thu thập thông tin để phân tích các khả năng cho con người lên sao Hỏa.
Tất nhiên, việc chinh phục sao Hỏa sẽ vô cùng khó khăn. Hiện tại người ta đang có kế hoạch cho giai đoạn đầu tiên sẽ là: gửi các thiết bị, máy móc lên trước, sau đó là các khối nhà ở, pin và ắc-quy các loại,…. Và sau cùng khi mọi thứ thiết yếu đã có thì con người mới chính thức đặt chân lên hành tinh Đỏ.
Nếu bạn cho rằng điều này là viễn tưởng và viên vông quá, thì đừng quên rằng Curiosity đã được trang bị một số công nghệ mới rất lý tưởng để xây dựng một căn cứ trên sao Hỏa. Ví dụ, các nhà khoa học đã phát triển một phương pháp hạ cánh mới gọi là "cần cẩu trời". Khi module phản lực còn đang treo lơ lửng trên không, nó sẽ thả xe tự hành xuống bằng dây cáp và bay tránh sang một bên. Bằng cách này người ta có thể gửi tới sao Hỏa những thiết bị lớn nhiều lần chiếc Curiosity (nặng khoảng 900 kg).
Ngoài ra, thay vì sử dụng các pin năng lượng mặt trời, Curiosity có một bộ nguồn mới: plutonium-238. Các nhà khoa học cho biết, 4,5 kg chất này đủ cho Curiosity làm việc trong mười bốn năm rưỡi (174 tháng)!
Cho tới thời điểm này, "Người trở về từ sao Hỏa" vẫn chỉ là một bộ phim. Tuy nhiên, loài người rồi sẽ sớm đặt chân lên sao Hỏa. Năng lực trí óc con người có khả năng đẩy những giới hạn hiện tại còn xa hơn nữa. Chúng ta hãy cùng chờ xem!