Nuôi dưỡng tình tương thân tương ái cho thế hệ măng non

GD&TĐ - Tinh thần "tương thân tương ái" là một trong những nội dung thuộc về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được các trường phổ thông chú trọng.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Minh Thu và học sinh, giáo viên nhà trường trao quà ủng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NTCC.
Cô Hiệu trưởng Nguyễn Minh Thu và học sinh, giáo viên nhà trường trao quà ủng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NTCC.

Dạy trò "lá lành đùm lá rách"

Là ngôi trường nằm ở địa bàn vùng cao tại Lạng Sơn, Trường THPT Cao Lộc hiện có hầu hết học sinh là người dân tộc thiểu số. Vì điều kiện còn có nhiều khó khăn, khi học sinh mới nhập học, tính cách của các em có phần nhút nhát, rụt rè, thiếu tự tin, dẫn đến kỹ năng mềm còn hạn chế. Khó khăn cũng khiến tỷ lệ học sinh ở vùng cao bỏ học tăng cao.

Do đó, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và tạo điều kiện cho học sinh khó khăn vươn lên từ nghịch cảnh là điều được Trường THPT Cao Lộc đặc biệt quan tâm.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Minh Thu cho biết một trong những thách thức mà các trường học vùng cao gặp phải là tình trạng tảo hôn, kết hôn sớm, góp phần làm tăng tỷ lệ bỏ học.

Nằm trong mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống, trong những năm qua, nhà trường đã triển khai công tác tuyên truyền, tổ chức hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt tập thể với nội dung giáo dục về giới tính, sức khoẻ sinh sản vị thành niên, luật hôn nhân và gia đình. Nội dung này cũng được lồng ghép trong các môn học có tính liên hệ cao như Ngữ văn, Giáo dục công dân, Thể dục…

Học sinh, giáo viên Trường THPT Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, quyên góp chăn ấm cho các mảnh đời khó khăn. Ảnh: NTCC.

Học sinh, giáo viên Trường THPT Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, quyên góp chăn ấm cho các mảnh đời khó khăn. Ảnh: NTCC.

Bên cạnh đó, nhằm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nhà trường cũng tổ chức các chương trình ủng hộ, quyên góp, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nguy cơ bỏ học cao. Trong các hoạt động này, nhà trường luôn khuyến khích học sinh toàn trường lẫn phụ huynh tham dự.

Những năm qua, Trường THPT Cao Lộc đã xây dựng nhiều quỹ khuyến học, tổ chức các chương trình tiếp bước học sinh đến trường, hỗ trợ học sinh và gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn như "Vòng tay nhân ái", "Tết ấm yêu thương", "Chăn ấm mùa đông", "Tiếp sức mùa thi"...

Đông đảo học sinh nhà trường đã ủng hộ và tham gia tích cực, góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc là “lá lành đùm lá rách”. Trong cộng đồng học sinh nhà trường đã và đang ươm mầm, vun đắp và phát huy tinh thần yêu thương, giúp đỡ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Biết yêu thương từ những hành động nhỏ

Yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau cũng là bài học giáo dục đạo đức dành cho học sinh được nhiều trường phổ thông chú trọng. Tại Trường THPT Trần Quang Khải, tỉnh Hưng Yên, những năm qua, nhà trường đã phát động phong trào "Tiết kiệm 1 nghìn đồng" để gây quỹ cho học sinh nghèo hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn.

Ý tưởng của phong trào xuất phát từ việc nhà trường nhận thấy nhiều học sinh chưa có ý thức tiết kiệm, nhất là những tờ tiền có mệnh giá nhỏ như một hay hai nghìn đồng. Theo phong trào, mỗi lớp có một hộp tiết kiệm. Học sinh, dựa trên tinh thần tự nguyện, sẽ bỏ vào đó những tờ tiền có mệnh giá nhỏ 1.000 - 2.000 đồng.

Sau một thời gian, nhà trường sẽ mở hộp tiết kiệm, tổng số tiền ủng hộ và góp vào quỹ chung của Đoàn trường. Khoản tiền sau đó sẽ được sử dụng để nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo sửa chữa nhà ở... Không chỉ giúp người, giúp xã hội, phong trào giúp học sinh hình thành ý thức tiết kiệm từ những điều nhỏ nhất.

Thầy An Xuân Mười, Trường Tiểu học Đại Hưng, trao quà cho người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC.

Thầy An Xuân Mười, Trường Tiểu học Đại Hưng, trao quà cho người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC.

Còn tại Trường Tiểu học Đại Hưng, tỉnh Hưng Yên, trước mỗi khó khăn của địa phương hay dân tộc, học sinh, giáo viên lẫn phụ huynh nhà trường đều chung tay góp một phần sức lực và vật lực.

Năm 2020, khi "khúc ruột" miền Trung hứng chịu trận lũ lụt lịch sử, ban giám hiệu nhà trường đã vận động giáo viên, học sinh, phụ huynh ủng hộ nhu yếu phẩm lẫn đồ dùng học tập. Khi địa phương có học sinh là F0, F1 trong đợt dịch Covid-19, nhà trường cũng vận động, kêu gọi ủng hộ cho những em này vừa khích lệ tinh thần chống dịch vừa là bài học về tinh thần tương thân tương ái.

Theo thầy An Xuân Mười, đối với học sinh tiểu học, giáo dục khởi nguồn từ những hành động nhỏ bé, chân thực mà gần gũi, tránh xa những nội dung giáo điều, xa rời thực tế.

Từ hành động thiện nguyện, trẻ hiểu được những khó khăn, vất vả của mọi người xung quanh và cũng học được cách góp một phần, dù nhỏ bé, vào nỗ lực chung của tập thể, xã hội và đất nước. Những bài học này sẽ "ươm mầm" cho trẻ tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách từ sớm và trở thành hành trang mà các em mang theo trong cuộc đời.

Theo cô Nguyễn Minh Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Lộc, nhà trường đã tổ chức đa dạng các hoạt động, phong trào từ giáo dục nhận thức, hoạt động ngoại khóa đến lồng ghép dạy và học. Những hoạt động trên không chỉ góp phần tiếp sức đến trường cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà còn góp phần giáo dục tinh thần tương thân tương ái, hiếu học cùng nhiều phẩm chất tốt đẹp cho học sinh toàn trường. Điều này cũng góp phần hiện thực hóa phương châm của nhà trường rằng “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.