Hướng đi mới của người dân vùng cao
Kỳ Sơn là huyện miền núi biên giới thuộc tỉnh Nghệ An, đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Trước đây, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, ngô và săn bắt thú rừng làm thực phẩm hoặc bán kiếm thu nhập phụ.
Tuy nhiên, việc săn bắt thú rừng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây hại cho nguồn lợi thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Nhận thức được điều này, một số hộ dân ở huyện Kỳ Sơn đã chuyển sang nuôi động vật rừng theo hướng thuần hóa, bảo tồn và phát triển. Trong đó có mô hình nuôi chồn hương và nuôi dúi thương phẩm.
Đây là một hướng đi mới, giúp người dân cải thiện sinh kế, có thể làm giàu với vốn đầu tư không lớn. Vừa góp phần bảo tồn nguồn gen sống, nhất là một số loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Chồn hương là loài động vật hoang dã được sử dụng như một loại dược liệu quý hiếm. Biết nhà nước có chính sách cho phép nuôi động vật hoang dã nên ông Lộc Văn Hùng (trú tại bản Bà, xã Hữu Kiệm) đã lặn lội ra tỉnh Thanh Hóa học tập kinh nghiệm và mua 3 cặp chồn hương giống về nuôi.
Ông Lộc Văn Hùng đang trộn cháo với chuối chín cho chồn ăn |
Với phương châm vừa học, vừa làm, tích lũy kinh nghiệm, để nắm được đặc tính của con chồn để áp dụng vào mô hình. Nhờ đó ông Hùng nhân giống thành công loài này lên 24 con.
Theo ông Hùng, chồn hương có tên khoa học là cầy vòi mốc, đây là giống vật nuôi dễ thuần và dễ chăm sóc. Thức ăn chủ yếu là cháo và quả chuối chín, loài vật này cũng ít bệnh dịch, dễ phát triển, hơn nữa lại dễ thuần phục.
“Cũng có nhiều người hỏi mua, nhưng tôi chưa ra giá bán, vì tôi đang phát triển mô hình, để vài năm tới tôi sẽ nhân rộng mô hình nhiều hơn thì mới bán”, ông Hùng chia sẻ.
Theo mức giá thị trường, chồn hương giống có giá từ 5 - 11 triệu đồng/con (tùy kích thước, con cái hay con đực). Còn chồn thương phẩm cũng có giá rất cao, từ 1,5 - 2,2 triệu đồng/kg.
Hỗ trợ người dân chuyển đổi mô hình
Một mô hình nuôi động vật rừng khác cũng đang phát triển ở huyện Kỳ Sơn là mô hình nuôi dúi của anh Lữ Văn Sáng (trú tại bản Sơn Thành, xã Tà Cạ).
Dúi là một loài động vật rừng có thịt ngon, giàu dinh dưỡng, được nhiều người ưa thích. Ban đầu anh Sáng mua dúi tự nhiên do người dân săn bắt về bán để nuôi thử.
Qua thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, đàn dúi sinh sản khỏe, không bị dịch bệnh, gia đình anh mạnh dạn mở rộng chuồng nuôi.
Thức ăn ưa thích của dúi là cây tre, cây nứa là những loài rất dễ tìm ở địa phương. Ngoài ra anh Sáng còn bổ sung thức ăn cho dúi bằng cây mía, ngô, cơm chính.
Mỗi năm dúi mẹ sinh sản từ 2 đến 3 lứa, mỗi lứa từ 2 đến 4 con, sau 6 tháng có thể xuất bán thịt. Đến nay, đàn dúi của gia đình anh Sáng duy trì từ 60 - 80 con.
Chia sẻ thêm về hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi dúi rừng mang lại, anh Sáng cho hay: “Tuy là động vật hoang dã, nhưng con dúi rất dễ nuôi, thức ăn cũng dễ tìm, lại không phải lo về đầu ra. Với mức giá giao động từ 350.000 - 400.000 đồng/1kg, một năm trừ đi chi phí mang lại nguồn thu từ 40 - 50 triệu đồng cho gia đình”.
Dúi thịt có giá từ 350.000 - 400.000 đồng/1kg, dúi giống mỗi cặp 1 triệu đồng. |
Ông Vi Văn Oanh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện nay, các mô hình chăn nuôi động vật hoang dã trên địa bàn phát triển tốt. Việc tiêu thụ cũng thuận lợi, mở ra nhiều triển vọng cho người dân.
Trong thời gian tới, huyện sẽ khuyến khích người dân mở rộng và có chính sách hỗ trợ phát triển mô hình nuôi dúi ở các xã vùng sâu, vùng xa. Hướng dẫn người dân tận dụng nguồn thức ăn có sẵn ngoài tự nhiên, giảm áp lực săn bắt các loài động vật hoang dã trong tự nhiên.
Bên cạnh đó, UBND huyện Kỳ Sơn cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các xã tăng cường các biện pháp quản lý để hạn chế vi phạm trong lĩnh vực hoạt động này.
Từ những thành công của mô hình nuôi động vật rừng, ông Oanh hy vọng sẽ có thêm nhiều người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, mở ra hướng đi mới góp phần tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế huyện miền núi khó khăn nhất tỉnh Nghệ An.