Mô hình tổ đổi công cùng nhau vươn lên thoát nghèo

GD&TĐ - Để phát triển kinh tế, người dân miền núi ở Nghệ An thành lập các "tổ đổi công" hỗ trợ nhau sản xuất nông nghiệp, làm du lịch cộng đồng.

Tổ đổi công thu hái chè ở huyện Thanh Chương, Nghệ An. (Ảnh: Xuân Dương)
Tổ đổi công thu hái chè ở huyện Thanh Chương, Nghệ An. (Ảnh: Xuân Dương)

Tổ đổi công sản xuất nông nghiệp

Để tiết kiệm chi phí thuê nhân công, giải quyết bài toán thiếu lao động làm nông, nhiều địa phương ở miền núi tỉnh Nghệ An đang nhân rộng mô hình tổ đổi công trong sản xuất nông nghiệp.

Các gia đình hỗ trợ lẫn nhau, sản xuất xoay vòng cho đến khi hết mùa vụ. Vừa thắt chặt tình đoàn kết, vừa tạo động lực thúc đẩy sản xuất giúp nhau thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Xã Bình Sơn là vùng trồng mía nguyên liệu rộng lớn ở huyện Anh Sơn (Nghệ An). Trong khi các khâu làm đất, phun thuốc bảo vệ thực vật yêu cầu phải có máy móc thì việc tuốt dọn lá mía và thu hoạch lại hoàn toàn thủ công.

Vụ thu hoạch mía trúng mùa mưa (tháng 9, 10 âm lịch) nên đất bãi sình không thể đưa máy vào.

Anh Nguyễn Nam Anh (trú xóm Long Tiến, xã Bình Sơn) cho biết, ở địa phương hầu hết gia đình nào cũng trồng mía, gia đình ít thì vài sào, nhà nhiều lên đến hàng ha.

Đến vụ thu hoạch, để kịp tiến độ sản xuất của nhà máy, người dân phải huy động rất nhiều nhân công. Trong khi đó, việc thuê khoán nhân công ở huyện miền núi rất khó khăn.

Để khắc phục vấn đề này, người dân xã Bình Sơn nghĩ ra cách thành lập các tổ đổi công. Mỗi tổ có từ 10-15 gia đình, là những hộ liền canh, liền cư.

Khi nhà máy thu hoạch mía, gia đình nào có lịch trước thì các hộ còn lại cùng chung tay, góp sức để thu hoạch. Cứ thế quay vòng từ nhà này sang nhà khác đến khi hết vụ.

“Thành viên trong tổ không sợ thiệt, nhà nhiều hay nhà ít thì số ngày công cũng không đổi. Có thể, nhà tôi làm đến 3ha mía, nhà hàng xóm chỉ có 1-2 sào nhưng vẫn theo hết mùa. Số ngày công đổi ra sẽ công bằng, hoặc quy đổi ra tiền công theo giá thị trường”, một thành viên tổ đổi công cho biết.

Không chỉ trong sản xuất, các thành viên trong tổ đổi công ở xã Bình Sơn còn giúp đỡ nhau trong cuộc sống, làm việc nhà như: trông nom nhà cửa, chăm sóc con cái, thăm hỏi lúc ốm đau...

Tổ đổi công trồng mía ở xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn. (Ảnh: Xuân Dương)
Tổ đổi công trồng mía ở xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn. (Ảnh: Xuân Dương)

Xây dựng tình làng nghĩa xóm, cùng nhau thoát nghèo

Trồng hơn 1,5 ha cây chè đồi, cứ đến mùa thu hoạch gia đình chị Vi Thị Xưa (trú tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An) lại phải thuê nhân công. Chi phí tăng cũng đồng nghĩa với thu nhập của gia đình giảm sút.

Cách đây 2 năm, khi mô hình tổ đổi công hình thành ở xã Ngọc Lâm, gia đình chị Xưa liền đăng ký tham gia.

Theo đó, mỗi tổ gồm 5-7 lao động tập hợp lại với nguyên tắc hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Vào vụ thu hái chè, cứ luân phiên, hộ nào đến lứa cắt chè thì các thành viên trong tổ tập trung đến giúp, vận chuyển chè xuống chân đồi.

“Trước đây, các gia đình tự thu hoạch chè, để kịp thời vụ thì phải thuê nhân công. Hai năm nay, khi giá nhân công tăng cao, giá chè lại bấp bênh nên để đảm bảo có lãi, các tổ đổi công hình thành, mỗi gia đình 1-2 người tham gia”, chị Xưa chia sẻ.

Nhờ làm việc tập thể mà chè thu hái đúng lứa, đúng vụ, đảm bảo chất lượng. Tạo thuận lợi cho các xưởng đến gom chè búp cùng lúc, tiết kiệm thời gian vận chuyển. Mặt khác, hạn chế được việc tư thương ép giá.

Trong khi đó, tại xã biên giới Hạnh Dịch của huyện Quế Phong, các tổ đổi công không chỉ phát huy tác dụng trong sản xuất nông nghiệp mà còn hỗ trợ chị em phụ nữ làm dịch vụ du lịch cộng đồng.

Chị Lô Thị Tiền trú tại bản Long Thắng cho biết, chị tham gia tổ đổi công của Chi hội phụ nữ bản nhiều năm nay. Vào mùa cao điểm du lịch cộng đồng (từ tháng 4 đến tháng 7) chị em giúp nhau phục vụ du khách tại các homestay.

Toàn bộ các dịch vụ ở homestay như trồng rau, nuôi gà, lợn đến nấu nướng các món ăn, biểu diễn văn nghệ truyền thống đều do chị em trong bản đảm nhận thông qua các tổ đổi công. Đến mùa vụ, chị em lại giúp nhau làm ruộng.

Mấy năm nay các Chi hội phụ nữ triển khai thêm các mô hình trồng trọt mới như trồng lạc sen trên đất bãi ven suối, trồng rau và ngô vụ Đông… Nhờ đó, các tổ phát huy tác dụng tích cực, giúp các hộ theo kịp tiến độ của lịch thời vụ.

Ở nhiều địa phương tại Nghệ An, mô hình tổ đổi công ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Thông qua mô hình này, người dân cùng nhau từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu, đồng thời xây dựng tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.