Huyện rẻo cao Nghệ An giảm nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) xóa đói giảm nghèo.

Người dân bản Pà Ca, xã Nậm Cắn thu hoạch lạc. (Ảnh: Phạm Tâm)
Người dân bản Pà Ca, xã Nậm Cắn thu hoạch lạc. (Ảnh: Phạm Tâm)

Trồng lạc trên dãy Trường Sơn

Nậm Cắn là xã miền núi biên giới của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông, canh tác lúa, ngô trên nương, rẫy. Do điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác và kỹ thuật chăm sóc còn nhiều hạn chế làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Năm nay, vì cây lúa nương mất mùa, chính quyền xã Nậm Cắn đã vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi đất lúa sang trồng lạc. Điều bất ngờ là cây lạc trồng trên núi cao lại phát triển tốt, năng suất cao. Nhiều hộ dân nơi đây đang rất vui mừng vì cây lạc được mùa, được giá.

Cây lạc được trồng trên dãy Trường Sơn có độ cao hơn 800m so với mực nước biển. (Ảnh: Phạm Tâm)

Cây lạc được trồng trên dãy Trường Sơn có độ cao hơn 800m so với mực nước biển. (Ảnh: Phạm Tâm)

Đang cùng chồng thu hoạch lạc trên rẫy, chị Moong Thị Soi (trú tại bản Pà Ca, xã Nậm Cắn) cho biết, từ trước đến nay, gia đình chị thường trồng lúa nương, tuy nhiên năng suất kém, giá cả thấp nên cho thu nhập ít ỏi.

“Khi chuyển đổi sang trồng lạc, cùng diện tích đất cho năng suất cao hơn, giá cả cũng cao gấp đôi so với lúa. Nếu thu hoạch đạt năng suất thì năm nay gia đình tôi thu được khoảng hơn 50 triệu đồng”, chị Soi chia sẻ.

Có gần 1ha rẫy trồng lạc, anh Nhang Phò Trang (trú bản Pà Ca, xã Nậm Cắn) cho biết, vừa qua gia đình anh gieo 80kg lạc giống, đến nay thu hoạch được hơn 1,3 tấn lạc.

Với mức giá 15.000 đồng/kg củ lạc tươi, 22.000-25.000 đồng/kg củ lạc khô, anh Trang thu về khoảng 26 triệu đồng. Mức thu nhập này cao gấp đôi so với trồng lúa rẫy.

Người dân xã Nậm Cắn phấn khởi vì củ lạc được mùa, được giá. (Ảnh: Phạm Tâm)

Người dân xã Nậm Cắn phấn khởi vì củ lạc được mùa, được giá. (Ảnh: Phạm Tâm)

Người đàn ông này chia sẻ, sườn núi ở Nậm Cắn khá dốc, đất sét pha cát rất thích hợp với cây lạc. Lạc được trồng từ tháng 8, khoảng 3 tháng sau thì cho thu hoạch.

Trồng cây lạc chỉ cần gieo giống rồi làm cỏ, sau đó chờ đến ngày thu hoạch. Sản phẩm được thương lái tìm đến tận bản thể thu mua nên những người như anh Trang rất phấn khởi.

Ông Lầu Bá Chày - Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết, năm 2020, một số hộ dân bản Pà Ca mua giống lạc về trồng thử nghiệm trên dãy núi Trường Sơn có độ cao hơn 800m so với mực nước biển.

Sau 3 năm cho thấy cây lạc rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nên phát triển nhanh, xanh tốt. Nhờ đó diện tích trồng lạc cũng ngày càng mở rộng, ước tính khoảng 70ha.

“Chúng tôi đang tìm thêm một số giống mới phù hợp với đất đai, khí hậu của địa phương. Đặc biệt là tìm đầu ra ổn định để giúp người dân mở rộng diện tích, xóa đói giảm nghèo”, ông Chày nói.

Cây lạc cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa. (Ảnh: Phạm Tâm)

Cây lạc cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa. (Ảnh: Phạm Tâm)

Nuôi gà bản địa theo hướng tập trung

Bên cạnh chuyển đổi giống cây trồng, một số xã của huyện Kỳ Sơn như Na Ngoi, Mường Lống đang nhân rộng mô hình nuôi gà đen tập trung, bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Đang chăm sóc cho đàn gà của gia đình, ông Vi Văn Hùng (trú tại bản Nà Hướng, xã Na Ngoi) cho biết, trước đây ông nuôi gà nhưng dưới hình thức thả rông, quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế thấp.

Sau khi được chính quyền địa phương tập huấn về kỹ thuật, hỗ trợ cám, thuốc thang, gia đình ông đã chuyển sang nuôi tập trung với số lượng nhiều.

“Với giá xuất chuồng từ 170.000-180.000 đồng/con, lợi nhuận thu về sẽ hơn nuôi bò, mà vốn lại ít hơn. Đặc biệt, nuôi gà đen người dân không lo về đầu ra sản phẩm. Hiện trong bản có nhiều hộ đã áp dụng phương pháp nuôi này”, ông Hùng chia sẻ thêm.

Cũng theo người đàn ông này, gà đen là giống vật nuôi có đặc tính hoang dại, khỏe mạnh và thích hợp với môi trường khí hậu lạnh ở vùng cao, nên ít mắc bệnh vì vậy rất phù hợp điều kiện khí hậu địa phương.

Mô hình chăn nuôi gà đen thương phẩm theo hướng an toàn sinh học tại xã biên giới Na Loi. (Ảnh: Lữ Phú)

Mô hình chăn nuôi gà đen thương phẩm theo hướng an toàn sinh học tại xã biên giới Na Loi. (Ảnh: Lữ Phú)

Ông Vi Oanh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện nay các xã nuôi gà đen nhiều phải kể đến như Na Ngoi, Mường Lống, Nậm Cắn, Huồi Tụ, Na Loi… Gà đen đã trở thành một loại thực phẩm được tiêu thụ rộng rãi nhờ vào chất lượng thịt.

Trong thời gian tới, bên cạnh tăng cường tập huấn cho người dân đưa khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, UBND huyện Kỳ Sơn cũng ưu tiên phát triển những cây, con bản địa qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp người dân ổn định thu nhập.

Nhờ những nỗ lực trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của chính quyền và người dân đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống bà con nhờ đó được nâng cao, qua đó đảm bảo an ninh lương thực.

Tuy nhiên, theo ông Oanh do điều kiện tự nhiên địa phương khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn nên vẫn rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ