Nữ sinh và... chuyện tô son môi

GD&TĐ - Sau giờ học, đứng trước cổng nhiều trường THCS, THPT, phụ huynh có thể bắt gặp không ít nữ sinh tô son môi. Thực tế lâu nay trong phụ huynh và ngay cả với nhà trường đã có các luồng ý kiến đồng tình và ngược lại về chuyện HS tô son (trang điểm) đến trường.   

Nên hay không nên cấm nữ sinh trang điểm, tô son đến trường, vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều.
Nên hay không nên cấm nữ sinh trang điểm, tô son đến trường, vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều.

Định hướng, nhắc nhở nhẹ nhàng, có quy định phù hợp tâm lý lứa tuổi, hay phải cấm triệt để mọi hình thức tô son và trang điểm vẫn luôn gây những ý kiến trái chiều nhau khi vấn đề được đưa ra diễn đàn của các phụ huynh.

Nghi nữ sinh tô son, "giám thị" xử lý tình huống khiến phụ huynh bức xúc

Trong “group” phụ huynh (diễn đàn giao lưu của các phụ huynh, trên mạng xã hội facebook) ở một trường tư tại Hà Nội, hàng trăm phụ huynh đã bàn luận sôi nổi, thậm chí căng thẳng về câu chuyện mà một phụ huynh có con học lớp 7 chia sẻ.

Vị phụ huynh này viết lại câu chuyện mà chị được nghe con gái kể khi chị đi làm về, theo chị, cô con gái học lớp 7 tâm sự với mẹ: “... Buổi sáng khi con đi qua cổng trường, ánh nắng ban mai chiếu vào mặt con, cô Hoa lúc đó đang đứng kiểm tra trang phục của học sinh liền gọi con lại: “Có phải con đánh son không?”. Con khẳng định là không, và rằng môi con đỏ là do nẻ, nhưng cô không tin mà bảo ‘Nếu lấy giấy lau mà ra màu đỏ thì con phải chịu thêm một tội nữa là tội nói dối đấy nhé” rồi cô bắt con vào phòng bảo vệ ngồi đợi. Con ngồi một lúc, mắt rơm rớm sắp khóc, chỉ sợ nhỡ đâu con lau môi ra màu đỏ thật thì con chết.

May quá có chú bảo vệ tới hỏi han sự tình và bảo con cứ lên lớp. Lúc ấy cô Hoa không còn đứng ở cổng trường nữa nên con cũng cứ thế lên lớp, nhưng vẫn rất lo vì cô đã ghi tên và lớp của con nên có thể cô sẽ tìm lên tận nơi. Vào lớp con kể lại sự việc cho bạn ngồi cùng bàn và nhờ bạn làm chứng là con không hề phi tang môi son, nếu cô Hoa lên truy”.

Cũng theo vị phụ huynh, may là bạn của con đã giúp con nói với cô chủ nhiệm (vì lúc ấy con rất mất tinh thần nên chắc cũng không nghĩ được là cần làm gì nữa), cô đã gọi cho cô “giám thị” và mọi việc sau đó êm xuôi.

Tuy nhiên, nghe con kể lại câu chuyện, người mẹ “cảm thấy phẫn nộ thay cho con” (có lẽ vì vậy mà chị bức xúc đưa lên diễn đàn các phụ huynh của trường con chị học để mong muốn được chia sẻ bức xúc, thắc mắc với các phụ huynh khác). Người mẹ có con gái (ở tuổi bắt đầu biết thích “làm dáng”, “thích điệu”, tuổi rất nhạy cảm với những lời khen - chê cũng như cách ứng xử của người lớn) đã phản ứng về cách “nhận biết và giải quyết vấn đề” của một cán bộ giám thị (cô Hoa) ở trường con chị theo học.

Theo người mẹ, “màu môi đỏ tự nhiên, cho dù đỏ đến mức nào đi nữa thì nhìn bề ngoài cũng không thể là một màu “phản cảm” đến mức có thể bị quy chiếu một cách cảm tính ra thành màu son nhân tạo được! Và tôi không hiểu, xét cho cùng thì nhà trường thực hiện kiểm duyệt trang phục, diện mạo của học sinh là nhằm mục đích gì, khi có những xử lý “phản giáo dục” như thế”.

Tranh luận chuyện nên cấm hay không cấm nữ sinh tô son đến trường

Ngay sau câu chuyện được vị phụ huynh trên chia sẻ, hàng trăm phụ huynh với các luồng ý kiến khác nhau đã bình luận về sự việc.

Có phụ huynh cho rằng: Việc cấm HS tô son khi đến trường là ý tốt, không muốn các con tới trường mà phấn son lòe loẹt, ảnh hưởng tới học hành. Có điều biện pháp xử lý tình huống (của cán bộ giám sát HS trong nhà trường) chưa đúng, hoặc người thực hiện không hiểu được tinh thần đó.

Phụ huynh chia sẻ nỗi niềm của người mẹ có con nẻ môi nhưng bị giám thị nghi ngờ tô son: “Khổ thân, lại vào đúng bạn da trắng môi đỏ mà lại ngoan ơi là ngoan”.

Mặc dù có những quan điểm khá thoáng về chuyện nữ sinh tuổi THCS tô son đến trường, song có phụ huynh cũng bày tỏ rõ quan điểm là không nên cho nữ sinh dùng son môi, vì theo một phụ huynh thì các phụ huynh “chưa chứng kiến cảnh học sinh ngồi trong lớp xõa tóc phủ trước mặt và tay mở hộp bút vải kéo khóa để đánh son mà ko chú ý học bài, gây ảnh hưởng bạn bên cạnh”.

Thậm chí, có phụ huynh còn lo xa: “Học sinh cấp 2 mà đã biết dùng son để làm đẹp thì chỉ nhanh chóng biết thu hút người khác phái và yêu sớm, như vậy không tốt, ảnh hưởng tới học tập và tạo cho tập thể những trào lưu không tốt. Son không có tội nhưng hành vi đánh son có thể tốt có thể xấu, vì vậy nhà trường phòng ngừa và cấm là đúng”.

Trước các luồng ý kiến đồng tình cho HS dùng dưỡng môi hay tô son (trang điểm nhẹ) đến trường theo nhu cầu cá nhân, song cũng có phụ huynh cho rằng phải cấm triệt để mọi hình thức tô son và trang điểm để phòng tránh trước những trào lưu gây ảnh hưởng đến việc học tập hay hay sự hồn nhiên, trong sáng của lứa tuổi.

Một phụ huynh bày tỏ: “Nghe cứ như thưở những năm của thập kỷ 60, 70... tôi thấy câu chuyện cứ ấu trĩ thế nào ấy. Cái khái niệm: các bạn xinh đẹp, hay đánh son mà học dốt chỉ nên để nó tồn tại ở thời 8X (những người sinh ra ở thập niên 80) trở về trước thôi. Ở thời đại nào ta nên thích nghi với thời đại đó.

Học dốt hay học giỏi, ngoan hay hư, phần lớn đều do sự giáo dục của gia đình, sau nữa mới đến nhà trường. Nếu gia đình không dành thời gian gần gũi, giáo dục con thì cấm chỗ này, các con làm chỗ khác thôi. Cái cần là giáo dục con biết sử dụng (son) sao cho phù hợp với tuổi”.

Phụ huynh phân tích rằng: “Các con đang ở tuổi teen, tâm sinh lý thay đổi. Chúng ta cần tôn trọng các con ngay trong việc đặt câu hỏi, cách giao tiếp với các con ạ. Nếu em ở địa vị của con, em ko đánh son mà bị cô hỏi thế em cảm thấy như em mắc tội, cảm thấy bị xúc phạm nữa”. Cũng theo phụ huynh, mỗi đứa trẻ có cung bậc cảm xúc khác nhau, có thể với đứa trẻ này cách hỏi như thế là bình thường, với đứa trẻ khác không cảm thấy ổn. “Các thầy cô cũng cần lưu ý việc này. Dù là cấm, là quy định nhưng cũng cần thực hiện sao cho văn minh”- Phụ huynh bày tỏ.

Bạn N.M.Anh (cựu nữ sinh một trường chuyên ở Hà Nội) chia sẻ với PV Báo GD&TĐ quan điểm cá nhân và thực tế đã trải qua khi còn học phổ thông: "Em thấy các bạn nữ tô son dưỡng môi hay son có màu khi đi học rất phổ biến. Chuyện này không chỉ diễn ra ở một trường, mà ở nhiều trường, HS THCS, THPT vẫn sử dụng son môi bằng cách này hay cách khác ở trường. Có những bạn không tô son trước khi vào trường, mà khi đã lọt qua sự kiểm tra của giám thị ở cổng trường đầu giờ học rồi mới vào phòng vệ sinh lấy son ra tô môi. Không ít bạn còn thoa phấn, chuốt masscara khi đi học...”

Theo M.Anh, em không sử dụng mỹ phẩm đến hết lớp 12, nhưng em không thấy việc các bạn trong lớp, trong trường, hay ở trường khác lớp khác sử dụng mỹ phẩm khi tới trường là xấu, là không tốt. “Có thể một chút mỹ phẩm dùng đúng cách giúp các bạn ấy tự tin trong giao tiếp và học tập hơn chăng? Nhưng em chưa thấy việc tô son hay sử dụng mỹ phẩm với nữ sinh là tiêu cực. Ở lớp em, trường em có những bạn tô son môi thường xuyên mà vẫn học giỏi, vẫn ngoan. Quan trọng là nhà trường và gia đình cần quan tâm, định hướng để các bạn ấy có chừng mực và an toàn khi sử dụng mỹ phẩm, để khi tới trường việc dùng mỹ phẩm không gây lố hay gây khó chịu cho các HS khác, nếu đến trường mà trang điểm quá đậm như đi dự tiệc"- M.Anh chia sẻ quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.