Một tối đi làm về mình mang theo mấy bó hoa tặng đại biểu còn thừa. Dù đã muộn lắm rồi nhưng mình vẫn cố gắng dỡ bó hoa ra, cắm lại vào lọ kẻo để đến hôm sau sẽ héo mất thì tiếc lắm.
Và khi gỡ bó hoa ra, bên trong lớp giấy trang kim, giấy bìa, ruy băng đẹp đẽ là những thân hoa bị cuốn băng dính, cuốn từ gốc tới sát hoa, mỗi lớp hoa là một lớp băng dính như vậy. Cá biệt có hoa đồng tiền trắng, thân mềm, không thẳng nên một mình bị quấn thêm que tre và cũng bị dính băng dính từ gốc tới sát bông.
Mỗi mũi kéo lách vào cắt những vòng băng dính là cảm giác bông hoa nở bung trên tay, hoa được thở, lá, thân và cánh hoa được rung rinh uyển chuyển. Hai bó mà cắm ra được ba lọ bự và một lọ con con cho phòng Daisy.
Chẳng biết có bao nhiêu bó kia tối qua được cắm tử tế ra lọ để được còn được thở, được nở thêm cho trọn kiếp hoa. Thương cho những bó hoa thì lại càng thấy xót xa cho những "bông hoa nhỏ" mình từng chứng kiến bị "nở ép", bị "buộc băng dính".
Những bông "chưa thể đứng thẳng" thì bị "quấn thêm que", rồi được bao gói đẹp đẽ cầu kỳ, được trao tay ở những sân khấu lộng lẫy, được trang trí bởi những tung hô, rồi lại "sớm nở chóng tàn" khi ánh đèn sân khấu vụt tắt...
Đó là những em bé tuổi mẫu giáo, cấp 1, có khi ăn cơm vẫn còn để bố mẹ đút nhưng lại vô cùng tự tin tạo dáng sexy trước ống kính, hay uốn éo những động tác khiêu gợi, phô trương thân thể, ăn vận những bộ cánh thời trang, những bộ đồ biểu diễn óng ánh hở bụng, hở vai, mặt trang điểm thật dày, thật đậm...
Những em bé còn chưa phân biệt được tờ 100 nghìn với 500 nghìn khác nhau ra sao, bước ra từ những cuộc thi, những CLB nghệ thuật/ năng khiếu "nhí", trở thành những "ngôi sao", những phiên bản mini của những cô người mẫu sexy, vũ công nóng bỏng, ca sĩ bốc lửa, hát/ múa/ nhảy những bài hát mà ca từ và hình ảnh của nó đến bản thân mình là người lớn nói ra từ miệng mình còn cảm thấy ngượng ngùng. Cát xê của các em không hề ít. nhất là so với nhu cầu tiêu dùng của bản thân các em. Hình như đó cũng có thể là một phần lí do vì sao các em bị “chín ép” như thế thì phải?
Đã có bao nhiêu bài học đau thương về dậy thì sớm, về lạm dụng tình dục trẻ em , về những lệch lạc trong tư tưởng và hành động của các em nhỏ chưa thành niên về giới tính, về quan hệ tình dục,... Một phần lý do là ở việc các em chú ý quá sớm đến hình thức, sự hấp dẫn cơ thể và quan sát, học tập ở môi trường xung quanh.
Không ở đâu xa đâu, đó có thể là con bạn, hoặc rất có thể là con mình, nếu chúng ta không can thiệp và hành động kịp thời.
Trẻ dậy thì sớm và có nguy cơ bị lạm dụng tình dục cao một phần là vì các em chú ý quá sớm đến hình thức và học tập, quan sát từ môi trường xung quanh.
Khi viết những dòng này, mình lại nhớ đến buổi khai giảng ở trường của Daisy. Con háo hức dặn đi dặn lại từ cả tuần nay là mẹ phải đến dự để xem con biểu diễn. Mẹ cúm ngây ngất nhưng cũng cố lết ra đến trường, xem con (3 bạn gái và 3 bạn trai) nhảy bài "No face, No name, No number" mà vừa buồn vừa giận.
Con gái mới 4 tuổi, nhưng mặc áo hai dây không khác nào áo bikini, hở một khoảng bụng to, váy ngắn đính một búi lông vũ đằng sau mông, tóc búi cao, mắt và môi được tô rất đậm, bộ váy áo màu đỏ đính sequin óng ánh. Nhìn mặt các bạn đang mặc (trong đó có cả Daisy) thấy thích thú sung sướng lắm.
Rõ là vậy, trẻ con mà, những thứ bồng xòe óng ánh lúc nào cũng thật lung linh trong mắt chúng! Cô giáo giới thiệu đây là tiết mục "vận động" trên nền "nhạc latin" rồi mời các bạn ra sân khấu. Mẹ vừa nhìn chăm chăm vào các động tác của con, vừa nhẩm theo lời bài hát này, thì hỡi ôi, toàn là những:
"Love is like the ocean, burning in devotion
When you go, go, go, oh no
Feel my heart is burning, when the night is turning
I will go, go, go, oh no
Baby I will love you
Every night and day
Baby I will kiss you
But I have to say
No face, no name, no number
Your love is like a thunder
I"m dancing on a fire, burning in my heart
No face, no name, no number
Oh girl I"m not a hunter
Your love is like desire, burning in my soul"…
Trời ơi, ai dịch hộ tớ những câu hát này ra tiếng Việt và thử cho con mình nhảy múa uốn éo trên nền những câu hát này với. Mình đoán chắc cô giáo khi chọn bài này và cả khi tập cũng không hiểu nghĩa của những câu hát trong đó!!! Điều này có thể bỏ qua vì cô là cô giáo dạy chính, không phải giáo viên tiếng Anh.
Thế nhưng những động tác cũng không có chút gì trẻ thơ cả. Toàn là những lắc mông, đánh hông, lắc ngực, tay vuốt dọc cơ thể,... Các bé trai cũng được tô son môi đỏ choét, cũng tập y chang những động tác khêu gợi, bao gồm cả lắc ngực như các bé gái.
Bài dài gần 5 phút, động tác thay đổi nhiều mà các con vẫn nhớ được gần như hoàn toàn. Không biết các con đã phải đánh đổi bao nhiêu giờ vận động thể chất, ra vườn hoa, hít thở khí trời để phải ở trong phòng tập cho thành thục những động tác này trong suốt những ngày qua.
Chia sẻ của mẹ Daisy nhận được nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng.
Con mình mới 4 tuổi, các bạn khác trong lớp cũng vậy. Có bao nhiêu bài hát thiếu nhi tuyệt hay của Việt Nam và thế giới có giai điệu vui tươi trong sáng; bao nhiêu động tác múa ngộ nghĩnh, đáng yêu, khỏe khoắn, tạo hình phù hợp với lứa tuổi mà tại sao các cô không chọn? Tại sao các cô không mất 5 phút tìm hiểu xem bài hát nhạc nền mà các con nhảy múa nội dung ra sao?
Tại sao các lớp học múa thiếu nhi chỉ dạy nửa tiết là múa (ballet/ dân gian,...) còn lại nửa tiết là cái thứ mà các cô gọi là "giải phóng hình thể" nhưng thực chất là đi kiểu người mẫu uốn uốn éo éo lắc mông qua lại?
Tại sao con mới học cấp 1, cấp 2, cơ thể con chưa phát triển hết, lại cứ bắt/ định hướng để con học "dancesport", nhảy những điệu salsa đông tác khêu gợi, ăn mặc hở hang?
Tại sao cứ làm ngơ khi con hát/bắt chước những bài hát tình yêu, quằn quại của người lớn?
Tại sao cứ phải tô son đánh mắt cho các bé gái, cả các bé trai nữa, khi biểu diễn ở trường? Tại sao lại cho các con mặc những bộ đồ sexy hở hang đến vậy?
Tại sao lại bắt con "chín ép", hướng con đến những thứ "nghệ thuật" không phù hợp với lứa tuổi, cho con tham gia những cuộc thi không liên quan, những đồng tiền cát xê mà bố mẹ nhận về, có nên gọi là "kiếm tiền trên cơ thể và tuổi thơ của con" không?
Tại sao và tại sao... Các bố mẹ, các cô giáo, nhà trường, CLB nghệ thuật cho trẻ em, hãy trả lời giúp mình với!!!
Vài nét về tác giả: Mẹ Daisy tên thật là Nguyễn Minh Trang - Biên tập viên xinh đẹp của VTV.
Chị Minh Trang là mẹ của hai công chúa Daisy và Bánh Mì. Chị được đánh giá là một bà mẹ rất khéo dạy con với những quan điểm và cách nuôi dạy con được rất nhiều mẹ quan tâm và chia sẻ trên mạng xã hội.