Nữ sinh quét chợ nuôi ước mơ đại học

GD&TĐ - Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nữ sinh trường làng Huỳnh Thị Di Phụng làm công việc quét chợ từ năm lớp 10. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, em đã đạt được ước mơ bước vào giảng đường đại học.

Huỳnh Thị Di Phụng (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với các bạn khi nhận giấy khen danh hiệu học sinh giỏi tại Trường THPT Vĩnh Hải.
Huỳnh Thị Di Phụng (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với các bạn khi nhận giấy khen danh hiệu học sinh giỏi tại Trường THPT Vĩnh Hải.

3 năm quét chợ nuôi ước mơ

Người dân ở xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã không còn xa lạ với hình ảnh nữ sinh Huỳnh Thị Di Phụng, học sinh Trường THPT Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu. Mỗi ngày vào khoảng 17 giờ, Di Phụng bắt đầu công việc của mình là quét dọn chợ Lạc Hòa. Nghề quét chợ đã gắn bó với em trong suốt 3 năm qua, đây cũng là thời gian 3 năm em học THPT.

Di Phụng chia sẻ, năm em học lớp 10 được một người quen giới thiệu cho công việc quét chợ. Lúc đó, em đồng ý ‎ngay mà không chút chần chừ vì công việc này không trùng với thời gian học tập. “Em có thể sắp xếp được công việc cho hợp lý, sáng em đi học, chiều đi quét chợ. Công việc tuy có chút vất vả nhưng bù lại em có một ít thu nhập giúp đỡ gia đình và tự lo cho việc học của bản thân”, Phụng cho biết.

Không mặc cảm với công việc mưu sinh, Di Phụng tập trung lo cho việc học và làm tốt công việc quét dọn sau mỗi buổi họp chợ. Suốt 3 năm qua, mỗi buổi chiều em quét chợ từ 17 giờ đến 18 giờ là xong. Em cho biết, thời gian đầu có chút vất vả vì chưa quen, nhưng dần cũng thấy nhẹ nhàng và vui vì góp phần giúp ích cho địa phương. Mỗi tháng em được trả công 1,2 triệu đồng cho công việc này.

Đặt câu hỏi với Di Phụng, khi nhận làm công việc quét chợ em có mặc cảm? Di Phụng tươi cười cho biết: “Em thấy công việc này cũng bình thường vì việc làm của mình là chân chính, ý nghĩa và kiếm tiền từ công sức, mồ hôi. Nghề nào cũng đều cao quý, trong đó nghề quét chợ cũng không có gì là xấu. Ngoài ra, bản thân cảm thấy rất vui vì góp phần giúp cho môi trường của ngôi chợ luôn được sạch đẹp”.

Cùng với sự cố gắng nỗ lực học tập, tinh thần chịu khó, cô học trò trường làng Huỳnh Thị Di Phụng đã hiện thực hóa ước mơ của mình khi đỗ vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TPHCM) - ngôi trường mà em thầm ao ước.

Nữ sinh Huỳnh Thị Di Phụng.
Nữ sinh Huỳnh Thị Di Phụng. 

Hành trang vững chắc vào đại học

Bước chân vào giảng đường đại học, đối với Di Phụng là bước đầu của quá trình cố gắng tiếp theo. Em chia sẻ rằng, phía trước còn nhiều khó khăn, em cần phải cố gắng vượt qua để nuôi tiếp ước mơ học tập của mình.

Là học sinh khá, giỏi trong suốt 12 năm học, bản thân học tốt các môn tự nhiên nhưng Di Phụng chọn ngành học thuộc lĩnh vực xã hội - chuyên ngành Công tác xã hội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TPHCM). Di Phụng cho biết, em chọn ngành này vì em rất thích quan tâm, giúp đỡ người nghèo, những người khó khăn, bất hạnh trong xã hội… Biến ước mơ thành hành động, em chọn ngành này để có dịp tìm hiểu hoàn cảnh của họ, giúp đỡ họ nhiều hơn. “Có những lần ngồi nghỉ mệt trong lúc quét chợ, em luôn mong ước mình sẽ thi đỗ đại học để cho cha mẹ và thầy cô được vui mừng và bản thân có thể giúp ích cho xã hội. Tuy nhiên, suy nghĩ là thế nhưng em rất lo vì hoàn cảnh gia đình còn lắm khó khăn”, Di Phung chia sẻ.

Không nản chí, Di Phụng vừa quét chợ, vừa tập trung ôn luyện kiến thức để vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Với số điểm khá cao các môn tổ hợp Khoa học Xã hội (29,75 điểm - môn Văn nhân hệ số 2), em đã đỗ đại học. Nhận kết quả trúng tuyển vào đại học, Di Phụng như vỡ òa niềm vui. Em mở điện thoại ra báo tin ngay cho cha mẹ, thầy cô và bạn bè biết để chia vui cùng em. “Đây là động lực lớn để em tiếp tục phấn đấu cho tương lai. Em sẽ cố gắng thu xếp việc học để có thể làm thêm trang trải chi phí trong thời gian học đại học”, Di Phụng cho biết.

Chia sẻ về nữ sinh Huỳnh Thị Di Phụng, ông Mai Vũ Trường, Phó Bí thư Xã đoàn Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cho biết: “Chúng tôi rất tự hào khi địa phương có thêm một đoàn viên đam mê với ngành Công tác xã hội. Việc học của em Di Phụng sau này ra trường sẽ hỗ trợ nhiều cho địa phương trong công tác từ thiện, giúp đỡ người nghèo, những người khó khăn, bất hạnh… Chúng tôi chúc cho em Di Phụng được nhiều sức khỏe, đạt nhiều thành tích cao ở ngôi trường đại học để sau này quay về hỗ trợ lại địa phương nơi em sinh ra”…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tìm hiểu về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Vân Anh

Bồi đắp niềm tự hào dân tộc

GD&TĐ - Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các trường học đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm GD thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng của dân tộc.