Ước mơ đại học của nam sinh mất cha, nương tựa ông bà nội già nua, bệnh tật

GD&TĐ - Bố mất vì căn bệnh ung thư hiểm ác, mẹ bỏ đi nhiều năm, với Trần Văn Tuấn (học sinh lớp 12A3, Trường THPT Hậu Lộc 1) chỗ dựa duy nhất là ông, bà nội già yếu.

Nam sinh Trần Văn Tuấn.
Nam sinh Trần Văn Tuấn.

Vượt lên nghịch cảnh

Đứng trước hoàn cảnh khốn khó, nam sinh Trần Văn Tuấn vẫn nỗ lực từng ngày, với mong ước sớm hoàn thành chương trình đại học, sớm có việc làm ổn định để lo cho ông, bà.

Căn nhà cấp bốn cũ kỹ nằm sâu trong con hẻm ở thôn Tân Hải, xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) - là nơi Tuấn nương tựa ông, bà nội nhiều năm qua.

Theo lời kể của bà nội Tuấn, nhiều năm trước bố mẹ em vay vốn ngân hàng và người quen để đầu tư nuôi ngao nhưng thua lỗ. Kể từ đó, gia đình rơi vào chuỗi ngày túng quẫn.

Mẹ Tuấn bỏ nhà vào miền Nam. Trong khi bố Tuấn phải lặn lội ra các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng làm thuê để có tiền nuôi em ăn học.

Khi Tuấn học lớp 11, bố không may qua đời vì căn bệnh ung thư hiểm ác. Cái chết của người cha khiến Tuấn mất đi điểm tựa, cuộc sống đã khó khăn lại càng túng quẫn hơn.

Bà nội Tuấn bệnh tật nhiều năm, phải thuốc men thường xuyên.
Bà nội Tuấn bệnh tật nhiều năm, phải thuốc men thường xuyên.

“Lúc bố mất đó là thời điểm khó khăn nhất đối với em. Nhưng nhớ lời cha răn phải gắng học hành và giữ gìn sức khỏe, em lại dặn mình phải mạnh mẽ vượt qua nỗi đau”, Tuấn trải lòng.

Gia cảnh éo le phần nào khiến nam sinh lớp 12A3 trở nên khép mình. Thay vì cười nói vui vẻ, ở Tuấn toát lên sự trầm lặng, đôi mắt có chút gợn buồn như đang suy tư. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến mẹ, Tuấn luôn thể hiện sự cảm thông.

“Kể từ lúc mẹ bỏ đi, em ít khi được gặp. Lần gần nhất  được gặp mẹ lại đúng vào ngày bố mất. Nhiều lúc em  cảm thấy buồn, nhưng có lẽ mẹ ra đi vì có lý do riêng”, nam sinh bộc bạch.

Không còn bố, chỗ dựa duy nhất của Tuấn chỉ còn ông bà nội, thế nhưng cả hai cụ đều ốm đau, bệnh tật.

Bà Nguyễn Thị Hiển (67 tuổi, bà nội Tuấn) bị bệnh viêm đa rễ dây thần kinh, nên phải ngồi xe lăn nhiều năm. Dù đã đi chữa trị nhiều nơi, nhưng cũng chỉ chống gậy đi loanh quanh được trong nhà. Còn chồng bà – ông Trần Văn Đảm (71 tuổi, ông nội Tuấn) cũng bệnh tật phải thuốc men thường xuyên.

“Chúng tôi sống được ngày nào thì biết ngày đó thôi. Chỉ lo tương lai cháu Tuấn không biết sẽ ra sao. Tiền học hành ai sẽ lo cho cháu”, bà Hiển nghẹn ngào.

Gia cảnh khốn khó nhưng nam sinh Trần Văn Tuấn vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập.
Gia cảnh khốn khó nhưng nam sinh Trần Văn Tuấn vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập. 

Theo bà Hiển, hiện nay mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt hàng ngày và tiền thuốc thang đều phụ thuộc vào số tiền trợ cấp hơn 1,4 triệu đồng/tháng cho người tàn tật. Ngoài ra, bác và chú ruột Tuấn cũng gửi tiền về hỗ trợ thuốc men, nhưng do công việc bấp bênh nên không được thường xuyên.

Khát khao vào đại học

Bằng sự nỗ lực của bản thân cùng sự động viên của ông bà, thầy cô, đặc biệt là lời căn dặn của bố trước lúc nhắm mắt xuôi tay, Tuấn vẫn tiếp tục đến trường. Suốt hai năm lớp 11 và 12, em đều đạt thành tích học sinh giỏi toàn diện. Đặc biệt, Tuấn còn đoạt giải Ba môn Hóa học ở kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 12.

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Tuất đạt 26,5 điểm ở ba môn khối A. Trong đó, môn Toán được 9 điểm, Vật lý: 8,5 và 9 điểm môn Hóa học. Với số điểm này, Tuấn đăng ký xét tuyển vào ngành Kỹ thuật máy tính của Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bữa ăn đạm bạc của già đình Tuấn và ông bà nội giữa trưa hè nóng nực.
Bữa ăn đạm bạc của già đình Tuấn và ông bà nội giữa trưa hè nóng nực.

Được biết, trước khi xét tuyển vào ngành học này, Tuấn từng nộp hồ sơ vào Trường Sĩ quan Lục quân 1, với mong muốn phù hợp với hoàn cảnh gia đình. “Khi làm hồ sơ vào trường Sĩ quan Lục quân 1, em mới phát hiện bị viêm gan B. Không thể học ở trường này, em tiếc lắm”, Tuấn nói.

Chia sẻ về những mong ước của mình, Tuấn ngậm ngùi: “Em chỉ mong hoàn thành chương trình đại học, sớm có việc làm ổn định để lo cho ông, bà. Hôm vừa rồi, chú ruột em ở Thọ Xuân gọi điện động viên em gắng học. Chú sẽ đón ông bà về chăm sóc, nên em cũng yên tâm phần nào”.

Dù có người chăm sóc ông, bà nội song ánh mắt của Tuấn vẫn hiện lên vẻ lo toan cho cuộc sống của mình ở phía trước, nhất là khi em vào đại học, tiền học phí, sinh hoạt hàng tháng… rồi sẽ ra sao.

Trần Văn Tuấn và cô giáo chủ nhiệm Hoàng Ánh Vân.
Trần Văn Tuấn và cô giáo chủ nhiệm Hoàng Ánh Vân.

Nói về cậu học trò của mình, cô Hoàng Ánh Vân (giáo viên chủ nhiệm) không khỏi nghẹn lòng. “Là giáo viên chủ nhiệm em suốt ba năm, chưa bao giờ tôi nghe em than vãn câu nào về hoàn cảnh của mình. Tôi chỉ mong các nhà hảo tâm có thể hỗ trợ để em thực hiện được ước mơ đại học của mình”, 

Theo cô Vân, Tuấn là học sinh thông minh, vượt lên nghịch cảnh. Dù gia cảnh khốn khó, nhưng Tuấn luôn tự lập trong học tập và cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Chư – Trưởng thôn Tân Hải, xã Hải Lộc, cho biết: Gia đình cháu Tuấn thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn. Bố đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo, còn mẹ bỏ đi nhiều năm. Hiện cháu sống cùng ông bà nội già yếu, tàn tật.

Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, nhiều năm qua chính quyền địa phương cùng bà con chòm xóm thường xuyên thăm hỏi, động viên. Đồng thời, kêu gọi hỗ trợ giúp gia đình cháu phần nào vượt qua khó khăn.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ