Trao đổi về quan niệm người phụ nữ xưa và nay, Diệu Linh chia sẻ:
Trung hậu là đồng cảm với khổ đau của mọi người
Những năm bom đạn khốc liệt, người phụ nữ Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho tám chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Tám chữ như một lời động viên, một sự thừa nhận và ngợi ca những nét đẹp của họ qua những cống hiến lớn lao vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Hòa bình lập lại, bước vào thời kì Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước, những phẩm chất sáng ngời ấy tiếp tục được kế thừa và phát huy mạnh mẽ.
Tuy vậy, để ăn nhịp với hoàn cảnh lịch sử, tám chữ vàng xưa đã được đổi mới, trở thành “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Đây là tiêu chí mà Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đưa ra để vận động, tuyên truyền người phụ nữ học tập và rèn luyện.
Sự thay đổi này rất hợp lý bởi nó hoàn toàn phù hợp với sự nghiệp chung của toàn đất nước: hướng tới một nền kinh tế công nghiệp hiện đại.
Trong nội dung tuyên truyền giáo dục của HLHPN, “trung hậu, đảm đang” vẫn là hai phẩm chất được nhắc tới như trong lời của Bác. Về ý nghĩa, hầu như không có sự thay đổi.
“Trung hậu” là trung thành, trung thực và nhân hậu. “Trung hậu” trước hết là trong các mối quan hệ gia đình, xã hội. Đó là sự thủy chung son sắt, không bội tín; Là giàu lòng yêu thương, biết đồng cảm với sự vất vả, nỗi khổ đau của người khác, biết đồng tình và dám đứng lên bảo vệ chính kiến, ủng hộ những khát vọng chính đáng, và đặc biệt là dám đứng lên để lên án những cái xấu, cái ác.
Còn nói rộng hơn, “trung hậu” chính là sự trung thành với đất nước, nhân dân, coi trọng những thành quả Cách mạng mà cha ông ta đã để lại và tiếp tục phát huy. Để có được lòng trung thành đó, chắc chắn trước hết người phụ nữ phải biết “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”.
“Đảm đang” trong khái niệm cũ là sự khéo léo, tháo vát, biết quán xuyến công việc gia đình một cách hài hòa, và cho tới giờ, tiêu chí này vẫn luôn được đánh giá cao.
Ngày nay, phụ nữ đã có quyền bình đẳng với nam giới;“trọng nam, khinh nữ” từ lâu đã bị bác bỏ. Song, nhiều người lại hiểu chưa đúng về sự “bình đẳng” này, nên trong xã hội hiện nay, đã có không ít phụ nữ bo bê việc nhà, hay lấy hai chữ “bình đẳng” ra để phân chia một cách máy móc việc gia đình với nam giới.
Sự thực, “bình đẳng” phải được hiểu là sự tôn trọng lẫn nhau, không ai có quyền xúc phạm đến ai. Còn dù ở bất cứ thời đại nào, quán xuyến việc gia đìnhvẫn luôn là thiên chức của người phụ nữ, và nó đã trở thành một vai trò thiết yếu.
Do vậy, “đảm đang” là một phẩm chất bắt buộc. Hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã hội, “đảm đang” bây giờ đã được nâng lên, trở thành “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đòi hỏi phụ nữ phải giỏi giang và năng động hơn rất nhiều.
Ăn mặc đứng đắn cũng là tự trọng
Truyền thống là thế, vậy điều mới mẻ ở đây là gì? Trước kia, Bác của chúng ta đã dành hai từ đầy trân trọng: “anh hùng” và “bất khuất” đặt lên đầu tiên để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Còn bây giờ, HLHPN đã đổi thành “tự tin, tự trọng”, vừa phù hợp với thời đại, vừa cụ thể hơn rất nhiều.
“Tự trọng” được hiểu là biết yêu thương, coi trọng bản thân mình, đặc biệt là phẩm giá và danh dự - những điều quan trọng làm nên giá trị con người; Điều mà giá trị hơn cả tiền bạc, địa vị, quyền lực, thậm chí cả sinh mệnh”.
Tự trọng là phẩm chất mà không chỉ ở phụ nữ, mà con người nói chung, ở bất cứ thời đại nào, hoàn cảnh lịch sử nào cũng cần phải có. Người có lòng tự trọng trước hết là biết chăm lo giữ gìn nhân cách cho bản thân, gia đình, cộng đồng và dân tộc; Sau đó, là không ngừng phấn đấu, nghiêm khắc với bản thân, tự nhận khuyết điểm….
Ăn mặc đứng đắn, phù hợp với hoàn cảnh là tự trọng; Ăn nói từ tốn, có văn hóa, hành động phù hợp với đạo đức là tự trọng; giữ được tiếng thơm cho gia đình, không làm tổn hại tới quốc gia, làm tròn nghĩa vụ của một công dân là tự trọng,...
Và dĩ nhiên, khi ta biết tôn trọng bản thân mình thì mọi người cũng sẽ tôn trọng chính chúng ta, mọi thứ chúng ta làm mới có ý nghĩa.
Còn “tự tin”, đó là một nhân phẩm mà ai cũng cần tôi luyện, vậy tại sao ở thời điểm này, nó lại được đề cao với người phụ nữ tới vậy? Ở thời đại mà nam giới và nữ giới đều có vai trò quan trọng ngang nhau thì nó càng được đòi hỏi lớn hơn.
Tự tin là tin tưởng vào bản thân mình, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Điều này không phải phụ nữ nào cũng có, bởi họ đã quen bị bó hẹp trong những định kiến về giới. Tuy nhiên phẩm chất này có thể được cải thiện nhờ sự rèn luyện, bắt đầu từ sự hiểu mình, có hiểu mình mới biết khả năng mình tới đâu.
Tự tin sẽ giúp phụ nữ chủ động trong mọi công việc, có nghị lực để vượt qua những khó khăn.Những người phụ nữ thành đạt đều là những người đầy bản lĩnh và quyết đoán. Và tự tin hoàn toàn khác với tự kiêu – kiêu ngạo, coi thường người khác – và bảo thủ - tự tin quá mức trong khi tầm hiểu biết hạn hẹp.
“Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” – tám chữ vàng không chỉ tôn vinh người phụ nữ Việt Nam thế kỉ 21, mà quan trọng hơn là giáo dục tuyên truyền để họ không ngừng phấn đấu nâng cao giá trị bản thân, làm tốt vai trò của người vợ đảm, người mẹ hiền, và góp phần vào sự phát triển chung của toàn xã hội.