Ăn, ngủ cùng Covid
Tháng 3/2020, 11 thành viên trong nhóm tác giả bài báo “Xác định danh mục cụm truyền SARS-CoV-2: Phân tích cơ sở dữ liệu của Chính phủ” bắt đầu tiến hành khảo sát dữ liệu của các nước có số người nhiễm Covid-19 trên 1.000 ca. Nhóm của Phạm Hà Bích Trâm trao đổi với nhau hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Thời điểm đó, số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam chưa đủ lớn để đưa vào phân tích. Trâm đảm nhận thu thập dữ liệu số bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 của một số quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia.
“Trước hết phải tìm ra được trang chính thức của chính phủ các nước đăng những thông tin liên quan đến các ca nhiễm Covid-19. Dữ liệu của Hàn Quốc được cập nhật từng ngày nhưng không có bảng chung. Muốn lấy thông tin của Malaysia thì buộc phải dùng Google dịch sang tiếng Việt. Sau đó em tự dịch sang tiếng Anh. Khó nhất là tìm kiếm các thông tin liên quan đến một địa danh, một tên gọi. Mình phải biết chính xác đó là một công ty, một khu dân cư hay chỉ là một tên phố. Nếu phân tích sai thì sẽ ảnh hưởng đến số liệu chung” – Trâm chia sẻ về việc khảo sát của mình.
Trong 70 ngày thu nhập dữ liệu, Trâm kể gần như mình phải làm việc vào đêm khuya để lập bảng riêng của từng quốc gia. “Có những thông tin buộc mình phải tính toán. Ví dụ như Hàn Quốc công bố hôm nay có bao nhiêu ca nhiễm mới, trong đó liên quan đến ca nhiễm trước đó là bao nhiêu thì mình phải cộng trừ lại, xây dựng các thông tin liên quan đến từng ổ dịch để không bị trùng số liệu. Những ngày cuối tháng 2 cho đến cuối tháng 5, chỉ riêng Hàn Quốc đã có hơn 70.000 ca nhiễm. Em cứ nhìn các con số thay đổi từng ngày, thậm chí là từng giờ mà ám ảnh”.
Có những dữ kiện mà nhóm phải tranh cãi cả tuần mới có được sự thống nhất. Như Viện Dưỡng lão thì nên đưa vào tiêu chí phân loại là nơi cư trú hay là bệnh viện.
“Vừa lệch múi giờ, mỗi người trong nhóm nghiên cứu lại có những công việc riêng nên đôi khi có những tin nhắn mình gửi lên mà vài tiếng đồng hồ sau mới nhận được câu trả lời. Lập bảng là một chuyện, nhưng diễn đạt dữ liệu sao cho người đọc chấp nhận được là một chuyện khác” – Trâm chia sẻ về công việc nghiên cứu theo nhóm bằng hình thức làm việc online.
Nhóm của Trâm mất 2 tuần để viết và hoàn chỉnh bài báo. Sau đó, nó được đăng trên tạp chí Khoa học quốc tế Journal of Infectinon and Public Hearth thuộc hệ thống xuất bản uy tín của thế giới: ELSEVIER.
Bài báo hướng đến giải pháp ứng dụng có thể hỗ trợ các Chính phủ ưu tiên các biện pháp kiểm soát khi giải quyết đợt đại dịch thứ 2 có thể xảy. Những khuyến cáo từ bài báo về các điểm có thể phát sinh ổ dịch rất đúng với những diễn biến dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng và Hải Dương vừa qua.
Từ chối suất tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Dược
Bài báo này giúp Hà Phạm Bích Trâm định hình được con đường nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng phía trước của mình. Đây cũng là chút “vốn liếng” để cô SV khoa Y sinh khẳng định với gia đình về sự lựa chọn của bản thân khi từ chối suất tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Dược TPHCM để đi theo hướng nghiên cứu.
Trâm vốn là cựu HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng). Cô có thành tích học tập đáng nể gồm Huy chương Vàng Olympic môn Sinh học (2013), Giải Ba Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học (2014), giải Nhất môn Sinh học cấp thành phố nhiều năm liền.
Trâm kể: “Ba em là thợ xây, mẹ mất sớm từ khi em mới 3 tuổi. Nuôi em ăn học cho đến khi tốt nghiệp THPT là sự cố gắng lớn của ba em. Nên gia đình em chỉ mong ước em đỗ ĐH rồi sớm có công ăn việc làm ổn định là vui rồi. Khi em không học lên ĐH, cả nhà em sốc ghê lắm” – Trâm tâm sự.
Tốt nghiệp THPT, Trâm phân vân về định hướng nghề nghiệp. “Nếu học lên ĐH vào thời điểm đấy thì tài chính là cả một vấn đề, dù em vẫn được xét học bổng. Nhưng quan trọng hơn cả là em không biết học xong để làm gì. Kỹ năng giao tiếp của em không có, kỹ năng giải quyết cảm xúc cũng không. Cho đến lúc đó, em chỉ biết học để thi thôi”. Những giằng xé đó, Trâm tự giải quyết một mình. Lúc đầu là bằng những phản ứng tiêu cực như không tiếp xúc, trò chuyện với ai, xóa hết trang Facebook cá nhân…
Trâm dành 2 năm để định hướng lại bản thân. Trong hai năm đó, Trâm vào TP Hồ Chí Minh, tham gia nhiều dự án cộng đồng, làm thêm các công việc liên quan đến quản lý nhân sự để tự nuôi sống và học thêm tiếng Anh. Trong thời gian này, Trâm xác định sẽ chọn đi theo hướng nghiên cứu khoa học. Nhưng nếu học ngành công nghệ sinh học thì đầu ra của chương trình đào tạo sẽ trở thành kỹ sư. Ngành Khoa học y sinh lúc đó chỉ có Trường ĐH Quốc tế của ĐHQG TP Hồ Chí Minh có đào tạo nhưng em chỉ được cấp học bổng trong 2 năm, học phí lại cao.
Xuất sắc giành học bổng Tate&Lyle trị giá 12.000 USD để theo học ngành Khoa học Y Sinh (Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng), Bích Trâm luôn là gương mặt tiêu biểu của khóa 18BMS với rất nhiều thành tích nổi bật trong học tập và nghiên cứu khoa học. Như giải Nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật SV Innofesr (2019), giải thưởng SV tiêu biểu thành phố Đà Nẵng, điểm tích lũy đại học GPA: 9,3/10.0, SAT: 1390/1600, TOEFL: 89/120…
Với Hà Phạm Bích Trâm, Khoa học Y Sinh không chỉ thú vị và sáng tạo mà còn giàu ý nghĩa bởi tính ứng dụng cao. Các dự án mà Trâm đã và đang tham gia đều có ý nghĩa thiết thực như Nghiên cứu trình tự và đặc tính SARS-CoV-2 (Covid-19), Nghiên cứu tổng hợp hạt nano kháng khuẩn. Một hướng nghiên cứu mà Trâm xác định sẽ theo đuổi, đó là trị bệnh theo hướng cá nhân hóa.
“Ví dụ, cùng bệnh ung thư vú nhưng mỗi cá nhân sẽ có phác đồ điều trị với các loại thuốc khác nhau do xuất phát của các đột biến là không như nhau. Hiện nay, với bệnh này, bệnh nhân chỉ có thể điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị mà không phải ai cũng đáp ứng tốt” – Trâm chia sẻ.