Người quản lý quán bar ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, đã đưa nhân viên của mình vào nhóm làm việc trên WeChat vào tuần trước để yêu cầu cô gửi một số tài liệu cuộc họp và phản hồi, theo Btime.
Sau khi nhận lệnh, cô nhân viên đã trả lời bằng biểu tượng OK.
Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, người quản lý đã liên lạc với bộ phận nhân sự để đuổi việc cô.
"Cô phải trả lời tin nhắn bằng văn bản (chữ viết). Cô có hiểu quy tắc không?", người quản lý phản hồi.
South China Morning Post dẫn lời nữ nhân viên về sự việc trên cho biết: "Sự việc đúng là như vậy. Công ty đang xử lý đơn đuổi việc tôi. Tôi đã làm việc nhiều năm và đây là lần đầu tiên tôi gặp tình huống ngu ngốc như vậy. Tôi là người dễ tính nên đã không trả thù".
Cô gái cho biết, các đồng nghiệp của cô đều đồng tình rằng cách hành xử của người quản lý đã đi quá xa. Cô nói thêm rằng sau vụ việc, anh ta còn gửi thông báo chính thức đến nhóm làm việc để yêu cầu mọi người tuân thủ quy tắc này.
Bức ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện giữa nhân viên và người quản lý trên đã lan truyền "chóng mặt" trên trang mạng xã hội phổ biến nhất tại Trung Quốc - Weibo.
Có tới 280 triệu lượt xem các bài đăng về chủ đề này. Hầu hết người dùng đứng về phía cô nhân viên.
"Mọi lý do đều hợp lệ nếu sếp muốn đuổi việc bạn", một bình luận bày tỏ ý kiến.
"Thành thật mà nói, tôi sẽ không trả lời tin nhắn của anh ấy", người dùng khác viết.
"Tôi nghĩ rằng một nhà lãnh đạo giỏi nên chấp nhận cách giao tiếp khác nhau của mọi người cũng như tính cách của họ".
Wang Li-ping, giáo sư về quản lý và nhân sự của trường kinh doanh Renmin đánh giá đây là một lý do tùy tiện để sa thải nhân viên.
"Tuy nhiên, đây là những gì có thể xảy ra ở các công ty vừa và nhỏ vì họ có thể không có quy định toàn diện để bao quát những tình huống như vậy", ông Wang nói.
Đầu tháng 6, một nhân viên Trung Quốc đã bị mắng vì thiếu cách hành xử cơ bản trên mạng xã hội WeChat. Người này đã trả lời "Um" bằng tiếng Trung, nghĩa là "đã hiểu", theo Chongqing Chen Bao.