Đó chính là thông điệp trong một chia sẻ mới nhất của nữ nhà văn Phan Ý Yên . Cô là nhà văn được giới trẻ yêu thích, cây bút giàu nội lực khi đem đến cho độc giả những dư vị đầy ngọt ngào và sự thấu hiểu cuộc sống.
Cô cũng thường có quan điểm tiến bộ về cuộc sống hôn nhân , gia đình, những phẩm chất của phụ nữ Việt … nhận được sự quan tâm của mọi người.
Mới nhất, cô tiếp tục chia sẻ câu chuyện chỉ xoay quanh việc…rửa bát , kể về bữa cỗ đầu tiên mà cô được một người bạn trai cũ mời về nhà tham dự và "công tác" dọn dẹp sau đó.
Thế nhưng, phía sau công chuyện là thông điệp về sự Bình đẳng giữa hai giới, xuất phát từ những việc nhỏ nhặt nhất hằng ngày.
Nữ nhà văn xinh đẹp kể lại: "Hồi xưa mình có một anh bạn trai Người Hà Nội. Có lần ảnh dắt mình về nhà ăn cỗ. Tầm mười mấy người gì đó.
Bữa ăn xong, mình chủ động đứng lên dọn bàn rồi rửa bát. Anh bạn trai cứ ngồi xem điện thoại. Mình nói nhỏ: "Anh ơi giúp em!". Mẹ anh í nghe được nói rõ to: "Ngồi đấy đi!"
Thế là chuyện tình cảm của mình cũng dừng ở cái bữa cỗ đấy luôn. Bữa trước, mình có tới nhà một cô bạn ăn cơm. Con trai nó năm nay đã mười bốn tuổi. Nhưng thằng bé nó chả làm cái gì trong nhà. Tới bữa cơm, mẹ nó gọi xuống thì nó xuống ăn.
Ăn xong thì đứng lên, thằng bé hỏi: "Con dọn bàn nhé?". Bạn mình gạt phắt đi. Thế là thằng bé lại đi cắm mặt vào điện thoại.
Mình bảo nó: "Ô hay, đứa nào ngày xưa bảo chỉ thích đàn ông biết đỡ đần phụ nữ nhỉ?". Nó ngẩn ra chưa hiểu. Mình chỉ cười hề hề bảo con zai mày, sao mày không để nó giúp?"
"Ôi đàn ông con trai, làm mấy cái việc này làm gì. Tao làm cho nhanh!".
Nhà văn Phan Ý Yên cho hay, cô rất hiếm khi chia sẻ về chuyện tình cảm riêng tư của mình. Và lần này cô cũng không muốn đào sâu về chuyện với anh bạn trai cũ mà chỉ muốn nhấn mạnh thông điệp phía sau:
"Thực ra mình và anh bạn đó cũng chỉ mới tìm hiểu nhau chứ chưa đến mức tình cảm sâu đậm. Do vậy hồi ấy mình quyết đoán lắm, kết thúc mối quan hệ với anh sau bữa cỗ đó luôn, mình không muốn bó buộc cả đời với một người đàn ông không được hình thành khái niệm chia sẻ, giúp đỡ việc nhà.
Mình kể hai câu chuyện trên để thấy các chị phụ nữ, chị nào cũng thích được quan tâm, được đàn ông thấu hiểu và đỡ đần.
Nhưng muốn như vậy, các chị đẻ ra đàn ông mà, các chị phải dạy đàn ông chứ! Làm gì có cái gọi là việc vĩ đại hay việc lặt vặt dưới một mái nhà?
Bởi nếu các chị tự phân ra như thế, các chị đã tự hình thành nên ranh giới rồi còn gì. Đàn ông không ý thức được vai trò của "chuyện lặt vặt" thì còn lâu mới làm được "chuyện vĩ đại"
Thế nên, anh hãy rửa bát đi!".
Bài viết phủ nhân quan niệm đàn ông là người lo toan việc đại sự, còn bếp núc là của phụ nữ được dân mạng đồng tình.
Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, thời điểm mà người ta tung hô, ngợi khen phụ nữ và dành cho họ sự ưu tiên, thì nữ nhà văn với những quan điểm thẳng thắn đã quả quyết: "Phụ nữ đừng cứ trông chờ vào mấy cái ngày như 8/3 hay 20/10 để được đối xử như một người phụ nữ. Thử hỏi có khổ không!?".
Là một nữ nhà văn trẻ thành công, năng động và tràn đầy năng lượng tự tin, hiện đại, Phan Ý Yên thường có những quan điểm tiến bộ về cuộc sống hôn nhân, gia đình, những phẩm chất của phụ nữ Việt…nhận được sự quan tâm của mọi người.
Và một lần nữa, câu chuyện "rửa bát" của cô thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ. Bởi không chỉ dừng ở việc "rửa bát", bài viết của Phan Ý Yên là thông điệp về sự bình đẳng, sẻ chia mọi việc, từ việc "lặt vặt" trong nhà đến chuyện đại sự.
Nhiều chị em và thậm chí cả các chàng trai cũng để lại bình luận thể hiện sự đồng tình sau câu chuyện. Facebook Kim Ngân nói: "Em thấy còn một cách cứu vãn nhẹ nhàng hơn là con gái đến nhà bạn trai ăn cơm có thể phụ dọn dẹp rửa bát, nhưng bạn nam nhất định phải đứng cạnh phụ úp chén, bê chén…
San sẻ nhỏ xíu vậy thôi cũng làm con gái thấy đỡ "tủi", chứ kiểu cứ thấy bạn gái đi rủa chén thì cũng để bạn gái rửa chén luôn, còn anh ngồi xem tivi cắn hột dưa thì thôi rửa xong đống chén đó mình tạm biệt luôn nhé!"
Anh Zou Nguyễn cũng tán thành: "Cái này là hoàn toàn lỗi của các mẹ, các bà đào tạo ra đàn ông gia trưởng, lười nhác.
Hồi xưa mình ở nước ngoài mới về, ăn cơm xong mình dọn dẹp, rửa bát thì bà chị dâu thảng thốt: "Ôi chú làm gì đấy?" - Mình cũng giật mình: "Ờ em rửa bát"...
"Ơ không không, chú lên nhà đi chị rửa".
Mình mới nói mẹ nấu rồi, chị cũng đi làm mới về, để em rửa cho, giành mãi mới được rửa. Sau đó chị dâu xúc động lắm, tâm sự là anh chú chả bao giờ động tay vào đâu.
Nhưng về sau mọi người vẫn không chịu cho mình rửa nên đành thôi. Thế nên nói chuyện đấu tranh bình quyền này nọ, các bạn hãy đấu tranh từ gia đình mình trước đã".
Nữ nhà văn Phan Ý Yên: "Phụ nữ đừng cứ trông chờ vào mấy cái ngày như 8-3 hay 20-10 để được đối xử như một người phụ nữ!"
Cũng theo nữ nhà văn Phan Ý Yên, phụ nữ chính là người quyết định cách đàn ông đối xử với mình, bắt đầu từ việc tạo thói quen cùng nhau san sẻ mọi việc trong nhà cho chính con trai, hay với chồng họ.
Bởi phụ nữ không chỉ bận rộn với chuyện nhà cửa, con cái, chuyện công việc... mà tất tần tật mọi thứ đều làm cho phụ nữ khổ sở quá.
Nếu không biết tự giải phóng – thay vì trông chờ những ngày lễ để được "ưu tiên", phụ nữ sẽ không còn thời giờ chăm lo cho bản thân, và đôi khi phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân và thời gian, cơ hội của mình cho những thành viên khác trong nhà.