Đó là em Lò Thị Thảo (sinh năm 2005), học sinh lớp 8A, Trường THCS Quang Hiến, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh tham gia viết thư UPU lần thứ 48.
Qua giới thiệu của thầy giáo Lê Xuân Hùng – Hiệu trưởng trường THCS Quang Hiến, chúng tôi tìm đến thôn Ảng, xã Quang Hiến (Lang Chánh, Thanh Hóa). Trong ngôi nhà tuềnh toàng dưới chân núi, cố bé Lò Thị Thảo vừa đi học về buổi trưa và đang lúi húi ở trong bếp, sắc thuốc Nam giúp bà nội.
Nhìn cô nữ sinh lớp 8, mà chúng tôi cứ ngỡ mới Thảo mới chừng học lớp 6. Thân hình Thảo gầy gò, nhỏ bé hơn các bạn cùng trang lứa. Có lẽ, do hoàn cảnh gia đình quá vất vả, nên cô bé suốt ngày phải lam lũ cùng bà nội để kiếm cái ăn, mặc và lo học hành nên cơ thể không phát triển đều như những nữ sinh cùng tuổi.
Nữ sinh Lò Thị Thảo trên đường đến trường. |
Ngồi nghe cô bé gầy gò, da đen nhẻm nhưng miệng luôn tươi cười kể về tuổi thơ kém may mắn, nghèo về vật chất và thiếu thốn về tình cảm của mình mà chúng tôi, ai cũng thấy chạnh lòng, xót xa.
Thảo được sinh nhưng lại không biết mặt mẹ. Mẹ Thảo bỏ nhà đi biệt xứ cho đến bây giờ. Còn lại hai bố con, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên bố em cũng phải tha phương cầu thực, vài 2 năm mới về thăm nhà một lần. Từ đó, Thảo được bà nội chăm sóc và nuôi nấng. Khi lên 8 tuổi, bố cũng qua đời vì căn bệnh quái ác. Em lớn lên trong sự chở che, yêu thương của bà nội.
Bức thư của cô bé Lò Thị Thảo viết gửi bà nội mình |
Thảo cho chúng tối xem bức thư em viết về bà nội mình và gửi dự thi.
Trong bức thư của mình, Thảo mở đầu: “Bà nội ơi! Bà có khỏe không? Có lẽ là không vì bà đã gần 70 tuổi mà vẫn phải vất vả nuôi hai đứa cháu lớn khôn. Mùa đông lạnh lắm, bà phải mặc nhiều áo vào nha! Nhưng có lẽ, cho dù có lạnh bao nhiêu thì bấy nhiêu nay bà vẫn chưa có chiếc áo mới, vì bà luôn nghĩ cho 2 đứa cháu, luôn mong chúng được ăn no, mặc ấm, được học hành như các bạn khác.
Sinh ra, con đã không có mẹ bên cạnh, bố đi làm ăn xa hai, ba năm mới về một lần. Bà đã chăm sóc, yêu thương con để con cảm nhận được hơi ấm của gia đình. Lên 8 tuổi, con không còn bố, bà chính là người đã yêu thương và động viên con. Tuổi đã già, nhưng bà vẫn phải làm lụng vất vả để nuôi hai đứa cháu lớn khôn.13 năm bà vất vả nuôi nấng chúng con nhưng chưa bao giờ bà than vãn một câu. Đó là lý do, là động lực để con viết bức thư này. Con muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến bà, và con muốn nói cho tất cả mọi người biết sự cao cả, vĩ đại của bà. 13 năm bà đã nuôi 2 chị em con khôn lớn. Vì chúng con, bệnh bà nói: Bà không sao, các con đừng lo. Trời lạnh giá, bà nói: “Bà không lạnh, các con cứ để dành tiền mà mua quần áo mới…”.
Bà nội của Thảo là Lê Thị Tiền (65 tuổi), có hoàn cảnh cũng khá bi đát. Con dâu (mẹ Thảo) đẻ cháu ra rồi bỏ nhà đi biệt xứ. Con trai (bố cháu Thảo) thì qua đời khi tuổi đời đang trẻ. Con gái của bà cũng bỏ nhà đi làm ăn ở tận Trung Quốc, gửi lại cho bà một đứa cháu trai, năm nay học lớp 4. Suốt ngày bà phải lặn lội kiếm từng đồng rau cháo và lo cho hai đưa cháu học hành.
Bà bảo: “Ngày nhỏ, con bé Thảo nó hay đau ốm nên đã không ít lần lâm vào cảnh túng thiếu. Cháu nó sinh ra đã chịu quá nhiều thiệt thòi, mẹ cháu bỏ đi từ khi cháu mới lọt lòng mà không một dòng tin tức. Khi lên 8 tuổi, con bé lại cũng mất luôn bố, chẳng có chỗ nào mà nương tựa. Rồi vợ chồng con gái tôi sống với nhau không hợp, cũng ly hôn. Vậy là một mình tôi nuôi 2 đứa cháu nội - ngoại, cứ thế 3 bà cháu sống với nhau qua ngày. May mà trời thương, cho tôi còn sức khỏe để chăm nom chúng nó. Trước kia, khi còn chút sức khỏe ai thuê gì làm nấy, nhưng giờ tuổi cao, sức yếu nên cũng chẳng ai mướn nữa. Giờ chỉ biết trông chờ vào vài sào ruộng khoán, kiếm con tôm, con cá ngoài đồng. Nhiều lúc thấy các cháu thiệt thòi, cũng thương lắm nhưng đành bất lực. Rồi mai kia, tôi không biết lấy gì nuôi chúng nó ăn học nữa.”.
Bức thư dài 2 trang giấy, nhưng chứa đựng bao nhiêu nỗi niềm của cô học trò mồ côi. |
Có lẽ, chứng kiến những gì bà nội đã dành cho mình trong suốt 13 năm qua, nên cô bé Thảo thể hiện bằng những dòng trong bức thư rằng: “Người hùng của con không nhất thiết phải mạnh mẽ như Superman trong các bộ phim hoạt hình. Không cần cứng rắn như người sắt, chỉ cần bà có trái tim ấm áp. Con chỉ cần người luôn ở bên động viên, chăm sóc con. Con chỉ cần người bà mà sớm hôm tần tảo nuôi con ăn học. Con chỉ cần bà luôn yêu thương, chia sẻ với mọi người. Thế là quá đủ để trở thành người hùng trong mắt một đứa trẻ.
13 năm qua, cho dù vất vả bao nhiêu bà cũng chưa than vãn một câu nào. Bà luôn chăm sóc, yêu thương, dạy dỗ chúng con. Đối với con, bà là vật chất, là tinh thần, là cuộc sống, là tất cả của con. Công ơn của bà cao hơn núi Thái Sơn, nhiều hơn nước trong nguồn. Nhiều khi con nhận ra rằng, con là gánh nặng của bà vì con đã khiến bà phải vất vả. Con không buồn vì con là đứa trẻ mồ côi mà con hạnh phúc khi có một người bà cao cả như bà”.
Cuối thư, Thảo khép lại bằng sự nghẹn ngào.“Cuộc sống phải mất mới có, con mất cha, mẹ nhưng con còn có bà đó là niềm hạnh phúc. Công ơn của bà kiếp này con cũng không thể trả hết, con mong kiếp sau vẫn là cháu của bà để có thể được bà yêu thương lần nữa…”.
Cô bé Thảo bên góc học tập của mình. |
Cô Phạm Hồng Yến - Giáo viên chủ nhiệm lớp 8A, cho biết: Em Thảo là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha từ nhỏ, lại hay ốm. Hàng ngày, em phải đi bộ gần 2 km đến trường. Trời nắng còn đỡ, khổ nhất là những hôm mưa gió, đường lầy lội em đến lớp thì quần áo đã lấm lem bùn đất. Tuy còn nhỏ, nhưng đã biết vượt lên số phận, chưa bao giờ thấy em mặc cảm cả, mà ngược lại còn rất hòa đồng nữa.
“Thật sự em Thảo là tấm gương sáng cho các bạn noi theo. Khi đọc được bức thư của Thảo gửi bà nội, tôi và nhiều cố giáo trong trường đã không cầm được nước mắt. Chúng tôi đã quyết định lấy bài thi của Thảo để đọc trước lớp, trước trường cho học sinh nghe”- cô Yến nói..
Trước lúc chia tay với chúng tôi, cô bé Lò Thị Thảo, thổ lộ: “Con đi học được thầy cô quan tâm lắm! Vì nhà nghèo nên con nghĩ mình phải học thật giỏi thì sau này mới hết khổ. Điều con mong ước là trở thành nhà báo, để giúp đỡ được phần nào cho những phận đời có hoàn cảnh như mình”.