Nữ nhà báo cháy hết mình với phim truyền thống

GD&TĐ - Nhà báo, đạo diễn trẻ Nguyễn Thu Trang đã tạo được dấu ấn qua các tác phẩm truyền hình như: Ký sự Tân Đảo, Ký sự Hành trình theo chân Bác, GS.NGND.AHLĐ Trần Văn Giàu, Quốc hội Việt Nam - 75 mùa hoa tươi thắm...

Nhà báo- đạo diễn trẻ Nguyễn Thu Trang trong chuyến thực hiện phim tài liệu "Thành phố hướng đến tầm cao". Ảnh Kiều Anh Dũng.
Nhà báo- đạo diễn trẻ Nguyễn Thu Trang trong chuyến thực hiện phim tài liệu "Thành phố hướng đến tầm cao". Ảnh Kiều Anh Dũng.

Đặc biệt là loạt phim tài liệu về Huyền thoại mẹ Việt Nam anh hùng, Huyền thoại căn cứ Bời Lời được khán giả xem đài đón nhận nồng nhiệt… Đồng thời, chị cũng là biên tập viên, đạo diễn chủ lực của chương trình Tạp chí Văn nghệ, phát sóng sáng Chủ nhật hằng tuần trên HTV7, chương trình Hoà bình gọi phát sóng chiều Chủ Nhật hàng tuần cũng trên HTV7.

Nhà báo Nguyễn Thu Trang (thứ 2 từ phải qua) cùng đoàn làm phim "Ký sự Tân Đảo" tại Vanuatu

Nhà báo Nguyễn Thu Trang (thứ 2 từ phải qua) cùng đoàn làm phim "Ký sự Tân Đảo" tại Vanuatu

Sớm khẳng định mình ở mảng Ký sự

Nhà báo- đạo diễn Nguyễn Thu Trang (Hãng phim TFS – Đài Truyền hình TPHCM - HTV) được đồng nghiệp quý mến bởi chị có thể làm việc với cường độ cao, đa năng trong công tác, có thể hiện dẫn phỏng vấn, giao lưu, biên tập, đạo diễn, thậm chí là tự học, nghiên cứu thêm về quay phim, đồ họa để chủ động hơn trong công việc và truyền cảm hứng cho ê kíp khi bắt tay vào 1 chương trình hay 1 phim tài liệu mới.

Nhà báo- đạo diễn Nguyễn Thu Trang
Nhà báo- đạo diễn Nguyễn Thu Trang

Làm báo hình vất vả hơn báo viết, báo nói… ở chỗ ngoài nội dung, thì các biên tập viên, đạo diễn còn quán xuyến hình ảnh, âm thanh, khâu tiền kỳ, hậu kỳ, tổ chức sản xuất… Điều này đòi hỏi  các biên tập viên, đạo diễn trẻ phải bản lĩnh, chuyên môn và luôn trau dồi kỹ năng, kiến thức.

Năm 2007, Thu Trang là biên tập viên trẻ đầu tiên được tham gia làm phim ký sự, đó là Ký sự Tân Đảo của HTV. Hơn một tháng trời ròng rã ghi hình, phỏng vấn, thu thập thông tin, viết bài…  tại New Caledonia (thuộc Cộng hoà Pháp) và Cộng hòa Vanuatu (Tân Đào) ở tại Nam Thái Bình Dương đã để lại cho chị nhiều kỉ niệm.

Chị chia sẻ: “Tôi được đến thăm đỉnh núi lửa duy nhất trên thế giới còn hoạt động, được thưởng thức rượu kava (quốc hồn quốc túy của Vanuatu), được khám phá sắc màu văn hóa bản địa, đặc biệt là được lắng nghe tâm tư, tình cảm của cộng đồng người Việt có lịch sử gần 1 thế kỉ tại New Caledonia và Vanuatu luôn hướng về đất mẹ. Bởi, trước khi có loạt phim này thì mọi người chỉ biết đến các đảo quốc này là vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi gắn liền với động đất, sóng thần. Lịch sử gần 1 thế kỉ của người Việt sinh sống tại đây gần như bị  lãng quên”.

Ký sự Tân Đảo – khắc họa về hành trình người Chân Đăng hay phu mỏ, phu đồn điền Việt Nam sống và làm việc ở các đảo quốc xa xôi New Caledonia và Cộng hòa Vanuatu (Tân Đảo), thuộc Châu Đại Dương từ những năm 1920 – 1930. Sau khi chương trình phát sóng, nhiều gia đình tại Việt Nam đã tìm được người thân của mình tại New Caledonia và Vanuatu do Thu Trang kết nối sau hàng thập kỉ mất liên lạc. Với chị đó là một hạnh phúc vô cùng lớn lao!

Nhà báo Thu Trang cùng mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Vĩnh (Long An) trong chuyến làm phim tài liệu về mẹ.

Nhà báo Thu Trang  cùng mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Vĩnh (Long An) trong chuyến làm phim tài liệu về mẹ.

Nỗi đau mất mẹ 

Năm 2008, Thu Trang cũng là biên tập viên trẻ vinh dự được tham gia vào Ký sự Hành trình theo chân Bác, đi hơn 20 nước, khắp 5 châu, ròng rã suốt 3 tháng trời. Lúc chị đi được đúng 5 ngày thì mẹ chị mất, vì lo cho chị và vì tính chất quan trọng của chuyến đi phải truyền tín hiệu phát sóng hàng ngày nên gia đình đề nghị cơ quan không cho chị biết.

Thời điểm này, thông tin liên lạc còn khó khăn, điện thoại chưa thông dụng như bây giờ và lịch trình làm việc dày đặc, di chuyển liên tục, cộng với múi giờ giữa Việt Nam và các nước ngược nhau (khi chị rảnh thì Việt Nam đang khuya, khi Việt Nam ban ngày là lúc chị đang bay trên không trung) nên mãi gần cuối hành trình chị mới hay tin mẹ mất. “Đó là cú sốc lớn và rất khó phai đối với tôi. Mãi hơn 10 năm sau tôi mới dám lần giở lại hình ảnh của chuyến đi đó, dám xem lại hình ảnh mẹ mình” - chị chia sẻ.

Cuộc sống luôn có những bù trừ , làm chúng ta bị tổn thất nhưng rồi cũng chính trải nghiệm đó mang lại những thành công khác. Mẹ mất, lại được giao làm loạt phim tài liệu về mẹ Việt Nam anh hùng với chị cũng là một lợi thế, bởi chính trải nghiệm nỗi đau mất mẹ đã làm chị sâu sắc và dồn nén nhiều cảm xúc hơn cho phim.

“Nguyễn Thu Trang là một đạo diễn rất đa tài và đa dạng trong nhiều chủ đề, trong phim cô khai thác nhạy bén các chi tiết, mang đến nhiều cảm xúc đẹp, ấn tượng, lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng.

Không chỉ nội dung - câu chuyện có sức hấp dẫn, phim của Trang còn có tính nghệ thuật rất cao. Tôi đặc biệt thích phim của Trang ở tính mới mẻ, áp dụng các công nghệ làm phim hiện đại, để truyền tải thông điệp một cách hấp dẫn, cuốn hút người xem qua các tác phẩm của nữ đạo diễn này” - nhà văn, nhà báo Hoài Hương.

Với loạt phim tài liệu Huyền thoại mẹ Việt Nam anh hùng, như: Bà Trương Thị Ngưới (Lạng Sơn), bà Vũ Thị Quyên (Bắc Cạn), bà Nguyễn Thị Kỷ (Tuyên Quang), bà Đặng Thị Nhiều (Bình Dương), bà Nguyễn Thị Thảo (Bình Dương), bà Nguyễn Thị Vĩnh (Long An), bà Lê Thị Nở (Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Tám (Tây Ninh), bà Trần Thị Đường (Bà Rịa- Vũng Tàu)… chị không chỉ khắc họa sinh động, chân thực về cuộc đời của các mẹ Việt Nam anh hùng, về mảnh đất và tính cách con người ở nơi  mẹ sinh sống mà sau khi phim công chiếu chị còn được gia đình các mẹ xem như người nhà.

“Tôi hiểu những mất mát, hy sinh của các mẹ qua hình ảnh của mẹ mình. Khi khắc họa chân dung mỗi mẹ, tôi luôn thấy mẹ mình trong đó”  - chị chia sẻ.

Cùng quay phim Minh Quí trong chuyến làm phim "Ký sự Hành trình theo chân Bác" tại Cao Bằng

Cùng quay phim Minh Quí trong chuyến làm phim "Ký sự Hành trình theo chân Bác" tại Cao Bằng

Lãng mạn hóa phim tài liệu

Có người nói phim tài liệu truyền thống thường khô khan, giáo điều nhưng khi xem các phim của nhà báo – đạo diễn Nguyễn Thu Trang đều được chị chuyển tải bằng những khung hình lãng mạn, màu sắc giàu cảm xúc, nét văn hoá đặc sắc của từng địa phương, nếp ăn nếp nghĩ của con người ở từng giai đoạn lịch sử rõ nét, dễ chạm đến trái tim người xem”.

Một nỗ lực đáng ghi nhận nữa ở chị là luôn tiên phong thử nghiệm những công nghệ mới như: flycam, gopro, timelapse, gimbal ... tạo nhiều góc nhìn mới, lạ, giúp phim luôn hiện đại và có tính tương tác cao với người xem.

Năm 2016, bộ phim tài liệu “Để gió cuốn đi” của chị là 1 thử nghiệm thú vị với công nghệ làm phim không lời bình. Đó là chân dung về anh thương binh Phan Văn Tịnh, với những thước phim sinh động, hình ảnh chuyển động liên tục. Những cú máy dài với hoàng hôn trên bãi biển Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu) hay những cú máy cận khắc họa ký ức của người lính trước lằn ranh sinh tử… cùng khát vọng của người thương binh luôn sống cho ngày mai đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho khán giả. Đặc biệt là nhiều bạn trẻ trong buổi chiếu phim ra mắt tại Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM đã không dấu được sự xúc động.

Điều dễ nhận ra trong các thước phim của nhà báo, đạo diễn Nguyễn Thu Trang là cách chị thể hiện vấn đề mang chiều sâu và tính nhân văn cao. Chị rất chịu khó tìm tòi ngôn ngữ nghệ thuật riêng cho mỗi tác phẩm như: tiết tấu, âm nhạc, cỡ cảnh, màu sắc, đồ hoạ, ánh sáng, âm thanh hiện trường… để tạo hiệu quả cho phim.

Nhà báo Nguyễn Thu Trang (phải) trong chuyến thực hiện phim tài liệu "Thành phố hướng đến tầm cao"
Nhà báo Nguyễn Thu Trang (phải) trong chuyến thực hiện phim tài liệu "Thành phố hướng đến tầm cao"

Nguyễn Thu Trang đã kết hợp ngôn ngữ của phim truyện vào trong phim tài liệu, hay chăm chút các kỹ xảo điện ảnh cũng như ngôn ngữ đồ hoạ để phim thêm đặc sắc. Điều này thể hiện rất rõ trong loạt phim tài liệu “Huyền thoại căn cứ Bời Lời”, hay phim “TPHCM – tự hào tiếp nối truyền thống”… được Thành ủy TPHCM đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, tạo hiệu ứng sâu sắc với khán giả trên sóng truyền hình.

Chị chia sẻ với phim tài liệu truyền thống cần trung thực với lịch sử, đó là cách chúng ta tri ân các thế hệ cha ông mình nhưng ngôn ngữ làm phim phải hiện đại, sinh động thì mới thu hút khán giả trẻ. Một khi các bạn trẻ đã hiểu lịch sử, đã yêu đất nước, quê hương thì chắc chắn các bạn sẽ hết lòng cống hiến”. Và cứ thế mỗi bộ phim của chị đều mang màu sắc riêng, dấu ấn cá nhân rất cuốn hút và sáng tạo.

Một số giải thưởng của nhà báo Nguyễn Thu Trang:

- Huy chương bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc (2011), với phóng sự: Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân thế giới.

- Bằng khen Liên hoan Truyền hình toàn quốc (2013), với phim tài liệu: Bà Vũ Thị Quyên – mẹ Việt Nam anh hùng.

- Giải hình ảnh trong Giải thưởng Cầu Vòng lần 1 (2013) do Đoàn Cơ sở HTV tổ chức, với phim tài liệu: Bà Trương Thị Ngưới – mẹ Việt Nam anh hùng.

- Giải A - Giải thưởng “Ngòi bút trẻ” năm 2014 do Thành Đoàn TPHCM tổ chức, với phim tài liệu Khát vọng Thanh niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.