Loạt bài của nhà báo Thanh Ba đã ghi nhận và phân tích những giá trị tich cực đạt được của Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 – 2020.
Nhà báo Thanh Ba chia sẻ: Tôi còn nhớ, lúc Đề án mới được đưa ra nhiều người cho rằng đó là một đề án "không tưởng” đối với một tỉnh miền núi còn nghèo, đông đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn. Nhưng phải nói rằng, đây là một đề án lớn có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với ngành giáo dục.
Sau 5 năm thực hiện Đề án là quá trình thử thách cam go đối với toàn ngành. Kiên định với mục tiêu đã đề ra song phải đảm bảo quá trình thực hiện không nóng vội, hấp tấp.
Kết quả đạt được thật là ý nghĩa và vô cùng đáng mừng. Đề án đã hiện thức hóa hiệu quả của công tác xã hội hóa, góp phần giải quyết những khó khăn cho các cơ sở giáo dục nhất là ở những trường có đông học sinh bán trú.
Đề án cũng chỉ ra sự cần thiết và không thể thiếu được sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở, của các thôn, bản, các cấp hội khuyến học, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Chỉ có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân và phụ huynh về chủ trương sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp mới thành công.
Theo dõi giáo dục ở một tỉnh miền núi nhiều năm nay, tôi và các đồng nghiệp ghi nhận được nhiều nỗ lực vượt khó vươn lên của các thầy cô, các cán bộ quản lý. Báo chí nói về những tiêu cực nhưng đây chỉ là những hạt sạn nhỏ, còn vô vàn những việc làm đẹp và ý nghĩa trong toàn ngành.
Thật mừng là Giải báo chí viết về sự nghiệp giáo dục đã giúp chúng tôi có những bài viết hay, ý nghĩa để phản ánh đúng đủ những đóng góp của thầy cô và toàn ngành với sự nghiệp chung. Xin được cám ơn Báo Giáo dục & Thời đại, cám ơn Bộ GD&ĐT đã có một giải báo chí động viên nhà báo có động lực nhiều hơn để viết phát hiện những giá trị cao đẹp của đời sống giáo dục.