Nhà báo kiêm nhà giáo

GD&TĐ - Giảng dạy, trao đổi, nói chuyện truyền cảm hứng cho sinh viên báo chí giúp nhiều “nhà báo kiêm nhà giáo” có thêm niềm vui khi được chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề…

Nhà báo Lại Duy Cường.
Nhà báo Lại Duy Cường.

Cẩm nang từ thực tiễn

ThS Lại Duy Cường – phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam từng tham gia giảng dạy cho sinh viên Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên), Học viện Báo chí và Tuyên truyền… Công việc giảng dạy giúp anh có thêm niềm vui trong cuộc sống… Thực tiễn sinh động của nghề báo luôn là “giáo trình” và “cẩm nang” có giá trị nhất cho sinh viên.

“Tôi luôn nhấn mạnh với sinh viên, đã xác định làm báo phải dấn thân và bám sát thực tiễn. Đây cũng là nghề vất vả, thậm chí nguy hiểm và không dễ “kiếm tiền” như nhiều bạn vẫn nghĩ. Nghề nào cũng đòi hỏi lao động chân chính” - ThS Lại Duy Cường nói, đồng thời cho biết: Trong quá trình giảng dạy, anh thường kể cho sinh viên nghe những câu chuyện về quá trình làm báo và tác nghiệp của mình. Đó là những chuyến công tác trèo đèo lội suối, hay những lần lăn lộn vào thực tiễn để có thông tin hoặc những lúc phải “cân não” để xử lý tình huống, thông tin khi viết các bài điều tra.

“Tôi thường lấy ví dụ từ thực tế công việc của mình để sinh viên cùng thảo luận. Ví dụ: Khi viết bài điều tra, cơ quan chức năng từ chối cung cấp thông tin, hoặc mình bị đe doạ nếu viết bài. Trong tình huống này, phóng viên phải xử lý như thế nào, ứng phó ra sao…. Tôi chia sẻ cho sinh viên bằng tất cả kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế của mình trước những tình huống đó” - nhà báo Lại Duy Cường cho hay.

Theo phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, những tiết học như vậy luôn được sinh viên đón đợi và thích thú, luôn không đủ thời gian để thầy – trò trao đổi, thảo luận. Bởi mỗi một câu chuyện, như một lần các em được trải nghiệm với công việc thực tế của mình sau này. Những câu chuyện, hình ảnh và những tình huống “rất đời” của nghề báo, sẽ là chất liệu, hành trang và kinh nghiệm quý trước khi các em chính thức bước vào nghề “phu chữ”.

Sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC
Sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC

Những bài học không có trong sách, vở

Là nhà báo chuyên viết bài thuộc thể loại điều tra, anh Nguyễn Hoàng Long - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao động tại Tây Bắc Bộ được một số cơ sở đào tạo chuyên ngành báo chí mời về nói chuyện, truyền cảm hứng và giảng bài cho sinh viên, trong đó có Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Văn hoá Hà Nội…

Việc trở thành “nhà báo kiêm nhà giáo” như một cơ duyên và anh xem đây là cơ hội để thử sức với lĩnh vực sư phạm. Dù đứng lớp không nhiều và cũng không thường xuyên nhưng mỗi lần đến với các bạn sinh viên báo chí, anh luôn ý thức được vai trò, vị trí và giá trị của nghề làm báo.

Khi trao đổi với sinh viên báo chí, nhà báo Nguyễn Hoàng Long thường nhấn mạnh, đã là phóng viên thì phải đi nhiều, biết nhiều, tìm hiểu nhiều. Có như vậy, bài viết mới có chất liệu và sinh động, từ đó mới hấp dẫn bạn đọc bởi những thông tin chân thực, mang đậm hơi thở của cuộc sống. “Thay vì lên lớp trình bày lý thuyết, tôi thường cho các bạn trải nghiệm qua những câu chuyện thực tế của bản thân và đồng nghiệp. Không giáo án hay giáo trình tài liệu cồng kềnh, những gì tôi truyền đạt cho sinh viên là kinh nghiệm thực tế, câu chuyện sống động về làm báo, quá trình tác nghiệp, thậm chí là những câu chuyện “bếp núc” của nghề. Mỗi lần lên lớp, tôi thường có một cách làm mới để gây ấn tượng và truyền cảm hứng cho sinh viên”, anh Long chia sẻ.

Khi vào lớp, câu hỏi đầu tiên anh Long dành cho sinh viên là: Bao nhiêu bạn có ý định làm báo? Đầu tiên số cánh tay giơ lên không nhiều, nhưng sau những câu chuyện, chia sẻ của anh, đến cuối buổi, vẫn câu hỏi đó, số cánh tay giơ lên tăng lên trông thấy. “Điều này đồng nghĩa với việc, nội dung mà tôi chia sẻ đã tác động đến tâm tư, suy nghĩ của nhiều sinh viên. Qua đó cũng nói lên một điều: Sinh viên rất “khát” thông tin, bài học từ thực tiễn – những thứ không có trong giáo trình của nhà trường”, nhà báo Nguyễn Hoàng Long trao đổi.

Để sinh viên hình dung được bản chất và giá trị thực của nghề báo, anh Long thường khuyên các bạn trẻ không nên huyễn hoặc về nghề báo. Đây cũng là một công việc bình thường như bao công việc khác được xã hội phân công. Không nên nghĩ, nhà báo có thể xoay chuyển được tình thế. “Tôi không tô hồng nghề báo, thậm chí đôi khi còn làm các bạn thất vọng. Vì nghề báo trong các câu chuyện tôi kể không nguy nga, uy quyền như nhiều bạn vẫn nghĩ. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa, làm báo là khổ hạnh, hay “ăn đói mặc rét”. Người giỏi thì ở đâu cũng được trân quý, nghề báo cũng vậy. Nhiều người có thể kiếm được nhiều tiền từ chính nghề viết báo của mình, mà đó là những đồng tiền chân chính”, anh Long nói.

Trước câu hỏi của một số sinh viên về việc, phóng viên điều tra có nguy hiểm không? Nhiều em đặt vấn đề muốn làm phóng viên ở lĩnh vực này, nhà báo Nguyễn Hoàng Long thẳng thắn chia sẻ: Nguy hiểm cũng có, nhưng quan trọng nhất vẫn là thái độ của nhà báo. Ví dụ: Một sự việc rất đơn giản nhưng nếu nhà báo có thái độ hống hách, ngông nghênh… sẽ nhận được hậu quả tương xứng. Làm nghề báo hay bất cứ nghề gì cũng vậy, càng tử tế, hiền hoà bao nhiêu, sự nguy hiểm càng giảm đi bấy nhiêu, kể cả trong những vấn đề gai góc.

“Làm báo bây giờ khác trước và khác rất nhiều so với những gì đã học trong trường. Do đó, các em cần trang bị cho mình kỹ năng làm báo hiện đại” – anh Long cho hay, đồng thời nhấn mạnh: Nguyên tắc của nhà báo là, kể một câu chuyện đơn giản nhất có thể, tránh quá nhiều thuật ngữ phức tạp và số liệu lộn xộn không phục vụ cho thông điệp chính của bài. Công thức chung khi viết tin là: Hiểu bối cảnh, kiểm chứng thông tin và nguồn tin, viết tin đơn giản, thông tin đa dạng.

“Với những bạn mà tôi hướng dẫn, thông thường tôi yêu cầu điểm báo. Theo đó, mỗi ngày các bạn điểm ít nhất 5 tin được cho là hay nhất, hoặc yêu cầu chọn ảnh đẹp nhất trong số các ảnh đã có. Thông qua bài test này, có thể thấy các bạn có nhãn quan làm báo hay không? Đó là kinh nghiệm và cũng là cách truyền nghề mà không phải giáo trình, sách vở nào cũng có” – nhà báo Nguyễn Hoàng Long.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.