Bà Hồ Mỹ Hạnh chính là xướng ngôn viên trong buổi phát thông điệp lịch sử.
Trưởng thành từ đất thép
Bà Hồ Mỹ Hạnh hiện cùng chồng sống trong căn nhà bình dị ở xã Trung An, huyện Củ Chi (TPHCM). Hai người con, 1 trai và 1 gái đã yên bề gia thất. Bà Hạnh là con út trong gia đình mà cả cha, mẹ và 9 anh chị đều tham gia cách mạng ở vùng “đất thép thành đồng” Củ Chi. Chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước do chiến tranh, cô út Hạnh tham gia cách mạng, hoạt động năng nổ trong phong trào học sinh - sinh viên.
Năm 1962, phong trào của HSSV ở Sài Gòn phải tạm lắng vì cơ sở bị lộ, Hồ Mỹ Hạnh chuyển từ Trường Trung học Minh Tân - Bắc Hà (Củ Chi) lên Trường Đạt Đức (Phú Nhuận) tiếp tục theo học và hoạt động cách mạng. Có thời điểm, bà cùng hai nữ sinh Trường Đạt Đức thuê một căn nhà nhỏ ở quận Phú Nhuận, vừa để trọ học, đồng thời làm nơi bí mật viết truyền đơn, biểu ngữ theo yêu cầu của tổ chức.
“Có những đêm, chúng tôi thức trắng viết truyền đơn để hôm sau kịp phát tán. Có lần, tôi mang một xấp truyền đơn đặt lên trên cánh quạt trần và âm thầm bước ra khỏi phòng. Lúc mọi người vào lớp đông đủ và bật quạt, truyền đơn bay tứ tung, mạnh ai nấy lượm mà đọc…” - bà Hạnh kể.
Sau đó, hoạt động tại căn nhà thuê ở quận Phú Nhuận bị lộ, hai đồng đội của bà bị bắt giữ. Bà được cho thoát ly về Đài Phát thanh Giải phóng. Nhờ giọng nói hùng hồn, truyền cảm, bà được đài chọn làm xướng ngôn viên kiêm công tác văn thư, đánh máy, giao liên.
“Trong năm này, Đài Phát thanh Giải phóng được thành lập. Chú Năm Quang (Trần Bạch Đằng, Phó ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam) và chú Bảy Kinh (Giám đốc đài khi vừa thành lập) qua Thành đoàn xin tôi về làm phát thanh viên. Thế là tôi từ bỏ cuộc sống ở nhà để vào chiến khu, vào đài”, bà nhớ lại.
Giây phút thiêng liêng
Tháng 4/1975, tình hình chiến trường miền Nam chuyển biến nhanh chóng, quân giải phóng tấn công tổng lực, tiến nhanh về Sài Gòn. Lúc này, bà Hạnh được gọi vào đoàn chuẩn bị đi tiếp quản Đài Truyền hình của chính quyền Sài Gòn cũ. Nhớ về giai đoạn này, bà kể: “Lúc đó trong đầu tôi luôn vang lên: Sài Gòn sắp giải phóng rồi, miền Nam sắp giải phóng rồi! Và thế là tôi lao vào chuẩn bị. Khi nhận được lệnh đi tiếp quản đài, cùng với nhiệm vụ xướng ngôn viên, tôi luyện giọng trở lại. Tôi ngồi trên xe phát lưu động tập đọc để các đồng chí phụ trách nghe rồi góp ý. Nhưng khi đã đọc được rồi thì trang phục không có vì trước đó hoạt động trong rừng nên thiếu thốn lắm…”.
Ngày 29/4, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam tập kết tại rừng cao su Dầu Tiếng, Bình Dương, lên kế hoạch tiến về Sài Gòn. Đài Phát thanh Giải phóng có ba xướng ngôn viên Hồ Mỹ Hạnh, Vương Thanh Liêm, Nguyễn Hữu Phước cùng các lãnh đạo, đội ngũ kỹ thuật, máy móc phát thanh. Theo chỉ đạo, sau khi tiếp quản Đài Sài Gòn, phải lập tức phát bản tin của Đài Giải phóng. Nếu chính quyền cũ cố tình phá đài trước khi đoàn tiếp quản đến thì cán bộ phải sản xuất và phát luôn bản tin bằng máy móc mang theo trên xe.
“Đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, qua làn sóng phát thanh của chính quyền Sài Gòn, đoàn tập kết nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Không ai bảo ai, mọi người cùng reo to Giải phóng Sài Gòn, thống nhất rồi các đồng chí ơi”, bà Hạnh nhớ lại. Thế là tất cả nhảy lên xe, chạy một mạch thẳng hướng Quốc lộ 1 (nay là Quốc lộ 22), tiến qua Trảng Bàng, Củ Chi... Về đến ngã tư Bảy Hiền, trước nhà dân hai bên đường, đâu đâu cũng thấy rợp bóng cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…
Sáng ngày 1/5/1975, trước sự kêu gọi, yêu cầu của Ủy ban Quân quản thành phố (trên làn sóng Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng), những nhân viên làm việc trong Đài Truyền hình Sài Gòn đã tập trung về trụ sở đài để cùng đoàn tiếp quản, chỉnh trang, khởi động máy móc chuẩn bị cho buổi phát hình ngay trong đêm. Lúc ấy, phát thanh viên của Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng Nguyễn Hữu Phước được mời sang để cùng phát thanh viên Hồ Mỹ Hạnh xuất hiện trên màn ảnh nhỏ.
19 giờ ngày 1/5/1975, cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên màn ảnh nhỏ hòa cùng dòng nhạc “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước...”. Phát thanh viên Hồ Mỹ Hạnh với giọng hùng hồn, truyền cảm: “Đây là Đài Truyền hình Sài Gòn giải phóng!… Chúng tôi kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, mau chóng ổn định lại tinh thần, ổn định cuộc sống để bắt tay vào một ngày mới, cuộc sống mới, thời kỳ mới...”.
Giờ đây, mặc dù gần bước sang ngưỡng tuổi 80, bà Hồ Mỹ Hạnh - xướng ngôn viên đầu tiên trên đài truyền hình sau ngày giải phóng vẫn còn nhớ như in: “Dù lớn tuổi nhiều thứ lúc nhớ lúc quên nhưng câu nói: “Đây là Đài Truyền hình Sài Gòn giải phóng” vẫn vang vọng trong tôi”.
“Lúc nhận được nhật lệnh của Ủy ban Quân quản thành phố để đọc trên sóng truyền hình, tim tôi đập mạnh, tay tôi run lên, cổ tôi nghẹn lại, nước mắt cứ tuôn trào... Niềm xúc động tột cùng trong nỗi vui mừng khôn tả! Nhưng tôi kịp kìm nén cơn xúc động vì trong đầu xuất hiện ý nghĩ: Đây là tiếng nói thiêng liêng của Tổ quốc, tiếng nói của một dân tộc anh hùng chiến thắng một đế quốc đầu sỏ nên mình phải thật bình tĩnh, tập trung ý chí thể hiện. Nghĩ đến đây, tôi bước nhanh vào bàn đọc, ngồi trực diện ống kính của máy quay, cùng đồng chí Nguyễn Hữu Phước bên cạnh”. - Bà Hồ Mỹ Hạnh