Nữ giảng viên 'gen Z' với khát vọng cống hiến

GD&TĐ - Đam mê nghiên cứu khoa học và mong muốn truyền cảm hứng đến các bạn sinh viên đã thôi thúc Nguyễn Thị Huyền Trang lựa chọn con đường Sư phạm.

Cô Nguyễn Thị Huyền Trang. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Nguyễn Thị Huyền Trang. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ cử nhân Luật đến giảng viên ngành Kinh tế

Tốt nghiệp ngành Luật tại Học viện Hành chính Quốc gia và là thủ khoa thạc sĩ Quản lý kinh tế của Trường Đại học Thương mại, Nguyễn Thị Huyền Trang (sinh năm 2000) hiện đang công tác tại khoa Kinh tế, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội với vị trí giảng viên bộ môn Kinh tế số và Thương mại điện tử.

Xuất phát điểm là một cử nhân ngành Luật, Huyền Trang từng nghĩ mình sẽ gắn bó với lĩnh vực pháp lý theo định hướng của gia đình. Tuy nhiên, những trải nghiệm thực tế giúp cô nhận ra bản thân không thực sự phù hợp với ngành này. Đam mê nghiên cứu khoa học và lĩnh vực kinh tế số là động lực lớn, thúc đẩy cô chuyển hướng mạnh mẽ, bắt đầu lại cùng sự ủng hộ và đồng hành từ các thầy cô trong trường.

“Ông ngoại tôi là một giáo viên, cũng là người đầu tiên cho tôi cảm hứng, nuôi ước mơ đứng trên bục giảng từ nhỏ. Đến năm hai, thầy cô giáo ở đại học là những người đặt niềm tin, hướng dẫn, trao cơ hội để tôi trở thành giảng viên. Qua quá trình học tập, tích lũy và chủ động mở lớp dạy thêm tiếng Anh, tôi được trau dồi thêm về kỹ năng sư phạm. Khi lên lớp, tôi thấy được là chính mình, được sống với nghề, được cống hiến và tôi hạnh phúc về điều đó”, cô Trang chia sẻ.

z6049767432736-4c7da69c9fe4251071add326a0eac98e.jpg
Chuyển hướng công việc với cô Trang là một "quyết định liều lĩnh". Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nói về những khó khăn khi theo đuổi con đường giảng dạy, cô tâm sự: “Ban đầu, gia đình không ủng hộ vì nó vất vả và đầy khó khăn, nhưng tôi không ngừng nỗ lực để chinh phục ước mơ ấy sớm nhất. Trong những năm cuối đại học và sau khi ra trường, tôi gần như không có ngày nghỉ, tự mình vượt qua những lúc mệt mỏi, chán nản. Điều giúp tôi kiên trì là tình cảm của sinh viên, niềm đam mê nghiên cứu khoa học, và khát khao đóng góp vào sự phát triển đất nước thông qua các hội thảo và ý kiến tham luận”.

Ngoài việc trở thành thủ khoa thạc sĩ ngành Quản lý kinh tế, cô Trang còn khẳng định năng lực của mình trong lĩnh vực mới khi bảo vệ đề cương nghiên cứu sinh đạt loại Giỏi. Với tinh thần học hỏi không ngừng, cô đã tham gia nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, các hoạt động nghiên cứu khoa học cùng sinh viên, đồng thời góp sức trong các hoạt động đoàn thể, truyền thông nơi mình công tác và vinh dự được mời làm ban giám khảo tại một số sự kiện về nghệ thuật.

Bên cạnh đó, cô cũng tiết lộ bản thân đang xây dựng một dự án dạy tiếng Anh giao tiếp cho người đi làm với kỳ vọng có thể mở rộng cơ hội học tập cho nhiều đối tượng khác nhau.

Truyền cảm hứng, tạo động lực cho thế hệ trẻ

Là một giảng viên thuộc thế hệ Gen Z, lợi thế lớn nhất với Huyền Trang đó là chênh lệch tuổi tác với sinh viên không quá lớn, các bạn có thể thoải mái chia sẻ với cô hơn, dễ dàng kết nối để cùng học, cùng nghiên cứu, thảo luận và đưa ra cách giải quyết vấn đề.

Cô cho biết: “Các bạn ấy cần người định hướng nghề nghiệp, cần sự đồng hành, sự gần gũi và gắn kết trong mỗi tiết học. Việc thực hành và lắng nghe sẽ giúp sinh viên hiểu thêm về ngành học và có tư duy nhất quán, tiếp thu hiệu quả thay vì chỉ học lý thuyết trong giáo trình”.

Sinh viên Ninh Thùy Trang lớp ĐH13QTKD1 chia sẻ: “Cô là một cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết và tâm đắc với nghề nhà giáo. Ở cô em thấy có một nguồn năng lượng rất dồi dào tỏa ra, một nguồn năng lượng mà ai ở cạnh cô cũng cảm nhận được hết - nguồn năng lượng của tuổi trẻ và năng động. Em luôn cảm thấy thoải mái để có thể chia sẻ cuộc sống, việc học trên trường với cô.”

Sinh viên Trần Thị Diễm Quỳnh lớp ĐH12LQ2 cũng bày tỏ: “Cô Trang là giảng viên không chỉ dạy chúng em kiến thức mà còn truyền cảm hứng sống, cảm hứng cống hiến. Những lời cô dạy đã trở thành kim chỉ nam giúp em nhận ra khó khăn không phải là rào cản, mà là cơ hội để bản thân trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn.”

Không dừng lại ở việc dạy học, cô Trang cũng truyền cảm hứng cho nhiều sinh viên từ chính câu chuyện của mình. “Tạo cảm hứng và niềm yêu thích nghiên cứu khoa học cho sinh viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các giảng viên, và tôi luôn đề cao nó lên trên, lồng ghép vào mỗi bài giảng. Không chỉ là tinh thần tự học, tự nghiên cứu mà còn là phương pháp để sinh viên hứng thú với bộ môn này”, cô Trang khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú

Hạt gửi mùa sau

GD&TĐ - Tình yêu thương, sự chăm chút âm thầm của giáo viên không chỉ là ký ức đẹp của mỗi học sinh, mà còn góp phần hình thành nên nhân cách mỗi người.