Nóng trong tuần thông tin mới về thi và tuyển sinh

GD&TĐ - Các thông tin mới về thi, tuyển sinh và tác động của ChatGPT tới giáo dục là những nội dung giáo dục được quan tâm tuần qua.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Dự kiến thi tốt nghiệp THPT vào nửa đầu tháng 7

Sau kỳ nghỉ Tết, đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã có những chia sẻ về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo đó, Bộ GD&ĐT chủ trương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như các năm 2021, 2022. Dự kiến thời gian tổ chức kỳ thi này vào nửa đầu tháng 7 như mọi năm.

Một số thông tin đáng chú ý khác là: Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến cho đối tượng là thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời, có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình GDPT 2018. Đề thi năm 2021, 2022 cũng đã xuất hiện các nội dung này.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nghiêm túc, khách quan, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp. Một số giải pháp cơ bản như:

Điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt Kỳ thi.

Tiếp tục tăng cường chất lượng đề thi đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi. Cùng với các đoàn kiểm tra của Bộ, đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát Kỳ thi tại địa phương để bảo đảm tổ chức Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.

Tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tập huấn nghiệp vụ về thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn gian lận thi cử, nhất là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao.

Đẩy mạnh công tác truyền thông để nhận được sự đồng thuận, quyết tâm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, hiệu quả… Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong chỉ đạo tổ chức thi…

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM năm 2022.
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM năm 2022.

Nhiều thông tin về các kỳ thi riêng

Nhiều thông tin về tuyển sinh năm 2023, đặc biệt là thông tin về các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được công bố trong tuần vừa qua.

Một trong những thông tin đáng chú ý là ĐHQG TPHCM thông báo mở cổng cho thí sinh đăng ký tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 đợt 1 từ ngày 1 đến 28/2.

Đợt 1 được ĐHQG TPHCM tổ chức vào ngày 26/3 tại 21 tỉnh/thành phố, gồm 17 địa phương như cùng kỳ năm ngoái và mở rộng thêm 4 địa phương: Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Kết quả của đợt 1 sẽ được công bố đúng 1 tuần sau khi thi, tức ngày 4/4.

Với ĐHQG Hà Nội, Kỳ thi đánh giá năng lực bắt đầu từ 10/3 đến 4/6 tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An. Một số thay đổi của kỳ thi trong năm 2023 gồm: Giới hạn số lần dự thi của thí sinh và không hỗ trợ lệ phí thi như năm 2022, số lần dự thi...

ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy. Đợt 1 tổ chức vào tháng 5/2023 tại Hà Nội. Đợt 2 vào tháng 6/2023 tại Hà Nội. Đợt 3 tổ chức vào tháng 7/2023 tại một số địa điểm như: Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Thái Nguyên…

Ở kỳ thi của ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức, thí sinh không bị giới hạn số lần thi. Sau khi hoàn thành, các thí sinh được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong 2 năm và được đăng ký xét tuyển vào trường đại học nào sử dụng kết quả của kỳ thi.

Với Trường ĐHSP Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực do nhà trường tổ chức sẽ diễn ra vào 6/5. Thí sinh lựa chọn đăng ký dự thi tại 1 trong 2 điểm: Điểm thi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và điểm thi Trường ĐH Quy Nhơn.

Năm 2023, Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực chuyên biệt, vào tháng 4 và tháng 6. Hình thức, nội dung bài thi và địa điểm tổ chức vẫn được giữ như năm 2022.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – thông tin: Năm 2023, Bộ không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Dự kiến, kế hoạch tuyển sinh 2023 sẽ được công bố vào tháng 2 tới, sớm hơn mọi năm để thí sinh có thể kịp bắt đầu năm học từ tháng 9/2023.

ChatGPT với giáo dục

ChatGPT là một trong những thông tin được dư luận đặc biệt chú ý trong tuần qua. Sự xuất hiện và số lượng người sử dụng ứng dụng này tăng nhanh chóng cũng đặt ra những vấn đề với giáo dục. Các nhà giáo dục Việt Nam đã nhanh chóng nhìn nhận tác động hai chiều của ứng dụng này.

Thầy Ngô Huy Tâm, chuyên gia giáo dục, Chủ nhiệm chương trình quốc tế Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa, cho rằng: Với lĩnh vực giáo dục, ChatGPT có thể trở thành trợ thủ đắc lực cho cả giáo viên và học sinh nếu được tận dụng đúng cách, đúng mục đích.

Tuy nhiên, ứng dụng này cũng có thể dẫn đến một số mối lo mà một trong số đó là nguy cơ gian lận, thiếu liêm chính trong học thuật. Tại Mỹ, hệ thống trường bang New York, hệ thống giáo dục lớn nhất của quốc gia này, đã cấm học sinh sử dụng phần mềm ChatGPT vì lo ngại nguy cơ gian lận, làm hộ bài tập ở môn học.

Bên cạnh đó, lạm dụng ChatGPT có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các kỹ năng tư duy của học sinh, sinh viên.

TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), đưa ra một số khuyến nghị mang tính dự báo. Theo đó, trước mắt, trong những điều kiện cho phép, có thể tích hợp dùng ChatGPT một cách có cân nhắc và kiểm soát, như sử dụng ChatGPT trong một số hoạt động dạy học mang tính gợi mở, “công não”, khám phá thông tin sơ bộ.

Mặt khác, nếu thực sự coi ChatGPT là phương tiện, công cụ hỗ trợ học tập (tương tự như các công cụ phần mềm được áp dụng hiện nay), cần đảm bảo các yếu tố về liêm chính học thuật. Ví dụ, cho phép người học được sử dụng để thực hiện một số nhiệm vụ học tập và kiểm tra đánh giá ở mức độ đơn giản, bắt buộc phải ghi chú phần nào do ChatGPT thực hiện trong quá trình diễn giải nội dung hay trích dẫn nguồn từ ChatGPT…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm lớp học của học sinh, sinh viên Campuchia tại Trường Hữu Nghị T78.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm lớp học của học sinh, sinh viên Campuchia tại Trường Hữu Nghị T78.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm, làm việc với Trường Hữu nghị T78, 80

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đến thăm, làm việc với Trường Hữu nghị T78, Trường Hữu nghị 80 là hoạt động đáng chú ý của Bộ GD&ĐT trong tuần qua.

Tại buổi làm việc, khẳng định Trường Hữu nghị T78, Trường Hữu nghị 80 có những đặc thù và thuộc Bộ GD&ĐT, trước bối cảnh mới, Bộ trưởng đề nghị cả hai trường cần tái sắp xếp, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ sao cho phù hợp với yêu cầu mới của quá trình phát triển.

“Nhà trường xác định phải đổi mới, phải phát triển để đảm nhiệm được những chức năng nhiệm vụ được giao tốt nhất trong giai đoạn hiện nay”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng đồng thời cho rằng, 2 trường cần xác định hướng phát triển mới với vai trò là trường quốc tế thực hiện nhiệm vụ đào tạo quốc tế bậc THPT; trong đó, giai đoạn đầu tập trung đào tạo học sinh Lào, Campuchia. Tiến tới thu hút học sinh ngoài diện hiệp định, ngoài nhà nước bao cấp, không chỉ ở nước bạn Lào, Campuchia, mà cả các nước khác trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, cần phải đào tạo cho học sinh Lào, Campuchia từ bậc phổ thông một cách sâu hơn, sớm hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Trường Hữu nghị 80.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Trường Hữu nghị 80.

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho 2 trường phải là nơi chuẩn mực nhất, hiện đại nhất trong dạy học tiếng Việt như một ngoại ngữ. Là nơi tiên phong, mẫu mực trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, mở rộng thêm chức năng, nhiệm vụ dạy tiếng Lào, tiếng Campuchia ở trình độ phổ thông và bồi dưỡng. Cần phải có một đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản ngôn ngữ tiếng Lào, Campuchia để có thể triển khai dạy song ngữ.

Để thực hiện những nhiệm vụ trên, hai trường cần xây dựng đề án, mở rộng chức năng, nhiệm vụ với một tầm nhìn rộng, phù hợp, bền vững, ổn định hơn. Nếu làm được, theo Bộ trưởng sẽ thay đổi được toàn bộ diện mạo, đẳng cấp của ngôi trường; từ đó, làm tốt được việc giữ gìn, xây đắp mối quan hệ Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.

Bộ trưởng giao các cục, vụ liên quan hỗ trợ hai trường trong xây dựng đề án, quy chế hoạt động và hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn của trường về chuyên môn, cơ sở vật chất, cũng như chế độ chính sách đối với các học sinh, lưu học sinh. “Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã, đang và sẽ quan tâm đến trường bằng tất cả những gì có thể”, Bộ trưởng khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khối ngành khoa học xã hội và nhân văn Đại học Duy Tân