Nóng trong tuần: Sửa quy chế thi tốt nghiệp THPT; giám sát thực hiện CT mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dự thảo sửa đổi Quy chế thi tốt nghiệp THPT; tiến hành giám sát thực hiện chương trình, SGK mới là 2 trong những vấn đề giáo dục nổi bật tuần qua.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022 tại huyện Ứng Hoà.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022 tại huyện Ứng Hoà.

Dự thảo sửa đổi Quy chế thi tốt nghiệp THPT

Vấn đề giáo dục được quan tâm trong tuần qua là việc Bộ GD&ĐT công bố Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Các nội dung sửa đổi liên quan đến: Sử dụng thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông; đăng ký dự thi; trách nhiệm của thí sinh; hội đồng ra đề thi; in sao, vận chuyển và bàn giao đề thi tại Hội đồng thi; làm thủ tục dự thi cho thí sinh; Ban làm phách bài thi tự luận và điểm ưu tiên.

Trong đó, đáng chú ý là dự thảo quy định, thí sinh được đăng ký dự thi trực tuyến hoặc đăng ký dự thi trực tiếp tại trường phổ thông nơi học lớp 12 (quy định hiện hành là đăng ký tại trường phổ thông nơi học lớp 12).

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hà Nội.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hà Nội.

Liên quan đến trách nhiệm của thí sinh, dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm k, m khoản 4 Điều 14. Theo đó, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2 phần 3 thời gian làm bài của buổi thi; phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi trước khi ra khỏi phòng thi và phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi;

Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (quy định cụ thể trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GD&ĐT).

Như vậy, theo dự thảo, thí sinh sẽ không còn được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với quy định này trên báo chí. Có hai lý do chính được đưa ra. Một là việc này sẽ giảm bớt áp lực cho cán bộ coi thi, bởi hiện nay quá nhiều chủng loại thiết bị nên rất khó kiểm soát. Thứ hai, mục đích quan trọng nhất của thí sinh trong phòng thi là tập trung làm bài cho tốt, việc không mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi là phù hợp để các em tập trung cho nhiệm vụ chính này.

Giám sát chuyên đề thực hiện chương trình, SGK mới

Thời gian qua, tại nhiều địa phương trên cả nước đã diễn ra các cuộc giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022.

Tại Hà Nội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức buổi giám sát chuyên đề đầu tiên tại huyện Ứng Hoà.

Chia sẻ với đoàn giám sát, đại diện cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn huyện Ứng Hòa đều khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn, phù hợp của Chương trình GDPT 2018; sự quan tâm vào cuộc trong triển khai thực hiện chương trình từ Bộ GD&ĐT, địa phương đến từng cơ sở giáo dục.

Triển khai đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và toàn xã hội. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giúp học sinh phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới. Xã hội hóa việc biên soạn SGK đã thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, khuyến khích được các nhà giáo, nhà khoa học có chất lượng tham gia viết sách. Giáo viên cũng được thúc đẩy để nâng cao năng lực nghề nghiệp do thực hiện chương trình mới đòi hỏi cao hơn về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi giám sát chuyên đề.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi giám sát chuyên đề.

Bên cạnh thuận lợi, ý kiến từ địa phương, cơ sở cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai chương trình. Trong đó có khó khăn về điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Chưa có giáo viên đảm nhiệm được môn Khoa học tự nhiên nên phải bố trí các giáo viên đơn môn cùng dạy. Giáo viên gặp khó khăn về kinh phí, thời gian khi bồi dưỡng để lấy chứng chỉ dạy học tích hợp. Khó khăn trong xây dựng, in ấn tài liệu giáo dục địa phương…

Trao đổi tại cuộc giám sát, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng, phạm vi tác động cũng như sự kỳ vọng khi triển khai đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn

Việc Bộ GD&ĐT vừa ban hành Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông cũng là thông tin được chú ý tuần qua.

Theo hướng dẫn này, việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng.

Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.

Học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Giao bài tập dịp nghỉ Tết thế nào cho phù hợp

Giao bài tập nghỉ Tết thế nào cho phù hợp cũng là nội dung được quan tâm trong tuần qua. Trong đó, bài tập Tết thú vị của thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) được nhiều phương tiện truyền thông chia sẻ.

Bài tập gồm 10 câu hỏi nhưng không có kiến thức nào nằm trong chương trình học, thay vào đó là những câu hỏi về văn hóa, phong tục truyền thống, cách ứng xử trong dịp Tết cổ truyền.

Thầy hiệu trưởng lưu ý: “Ngoài 10 bài tập trên, đề nghị giáo viên Trường THCS Quỳnh Phương không giao thêm bất kỳ bài tập nào cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết Quý Mão 2023”.

Thầy Hồ Tuấn Anh cho biết, lưu ý trên đã được nhà trường nghiêm túc thực hiện nhiều năm qua. Đây là năm đầu tiên nhà trường giao bài tập Tết bằng hình thức mới lạ này.

Bài tập dịp Tết nhận được ủng hộ của thầy Hồ Tuấn Anh.

Bài tập dịp Tết nhận được ủng hộ của thầy Hồ Tuấn Anh.

Đồng tình với cách làm trên, nhiều thầy cô cho rằng, vẫn nên giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp nghỉ Tết, tuy nhiên mức độ và hình thức cần phù hợp. Không nên chỉ là bài tập ôn lại kiến thức mà cần có những bài tập trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Theo cô Vũ Thị Dung, giáo viên Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội), thời gian nghỉ Tết thường là khá dài (7-9 ngày). Trong thời gian đó, giáo viên cũng nên giao cho học sinh nhiệm vụ học tập để các em không xao nhãng việc học. Thêm nữa, bài tập trong thời gian nghỉ sẽ là “chất kết dẫn” để trò không bị đứt đoạn mạch học. Tuy nhiên, việc giao bài tập trong kỳ nghỉ Tết cũng là một “nghệ thuật”.

Theo đó, về lượng không nên nhiều (nhiều quá dễ gây nhàm chán, hoặc ảnh hưởng tới kỳ nghỉ của học sinh). Về chất, bài tập không nên chú trọng việc ôn tập, kiểm tra kiến thức mà nên là những bài nhằm tăng khả năng thực hành, ứng dụng, vận dụng cho người học. Ví dụ, với môn Ngữ văn, giáo viên có thể giao học sinh làm video thuyết minh về ngày Tết ở gia đình/quê hương mình; thiết kế thiệp chúc Tết; thiết kế phong bao lì xì với những lời chúc ý nghĩa; làm thơ chúc Tết ông bà, cha mẹ,…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.