Nóng trong tuần: Bộ GD&ĐT triển khai nhiệm vụ năm 2023, Tết sum vầy đến thầy cô

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT triển khai nhiệm vụ năm 2023; Chương trình Tết sum vầy - Xuân gắn kết... là những thông tin đáng chú ý trong tuần.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Nhiều nội dung, nhiệm vụ cần thực hiện trong năm mới

Hai vấn đề khác cũng được Bộ trưởng nhấn mạnh phải quyết tâm làm tốt liên quan đến thực hiện chuyển đổi số và công tác quy hoạch mạng lưới; đặc biệt là quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trường cao đẳng sư phạm…

Ngày 4/1, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, năm 2022 là năm công việc nhiều, khó khăn lớn, thách thức cao. Ngành Giáo dục triển khai chương trình mới, vừa thay sách giáo khoa cho các lớp 3, 7, 10; vừa tổ chức biên soạn thẩm định sách giáo khoa lớp 4, 8, 11, cùng rất nhiều các công việc khác.

Bản thân việc đó cũng đầy thách thức vì trong cùng một năm phải triển khai nhiều lớp hơn hẳn những năm trước, lại trong điều kiện sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, về giáo viên, các điều kiện khác đầy khó khăn. Đặc biệt hơn nữa là triển khai những việc lớn trong bối cảnh vừa chống dịch, vừa ứng phó với dịch bệnh. Vì vậy, có thể nói khó khăn chồng chất khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Chia sẻ về những nội dung quan trọng cần thực hiện trong năm mới, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh một số vấn đề cần quyết tâm làm. Một là phải cố gắng hết sức để thực hiện được yêu cầu các đoàn thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra. Việc này phải xử lý dứt điểm, không né tránh, không làm cho xong, không làm đối phó.

Hai là, thực hiện các tiến độ liên quan đến triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm 2023 là năm tập trung một khối lượng công việc khổng lồ. Theo đó, tiếp tục triển khai chương trình mới đến các lớp 4, lớp 8, lớp 11; thẩm định, ban hành SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Lượng công việc rất lớn và thách thức sẽ nhân lên. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ chính trị, không có cách gì khác là phải làm đúng tiến độ và làm với chất lượng tốt nhất.

Ba là, làm tốt các công việc giải trình xã hội, tổng kết Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

“Nếu tổng kết Nghị quyết 29 không tốt, tất cả những việc chúng ta làm trong thời gian qua sẽ không được nhìn nhận đúng” - Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, phải hiểu đúng bản chất và đầy đủ những gì đã làm, để tư vấn, tham mưu cho Trung ương Đảng đề xuất các chỉ đạo tiếp theo cho sát đúng, tiếp tục mở đường cho bước đi tiếp theo.

Bốn là những việc liên quan đến thể chế. Về vấn đề này, Bộ trưởng nhấn mạnh đến rà soát, điều chỉnh một số văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định 116, Nghị định 99 về tự chủ đại học, Nghị định 81 về học phí… Đặc biệt là triển khai xây dựng Luật Nhà giáo cho thật tốt.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ GD&ĐT.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ GD&ĐT.

“Tết sum vầy - Xuân gắn kết” chăm lo đời sống nhà giáo

Ngày 6/1, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” tại Trường Đại học Đồng Tháp và huyện Xín Mần (Hà Giang).

Theo ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, “Tết sum vầy- Xuân gắn kết" là hoạt động thường niên của Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây. Thông qua hoạt động này nhằm mục đích chăm lo đời sống cho nhà giáo người lao động ở vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh khó khăn mỗi khi Tết đến, xuân về.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân tặng quà các nhà giáo, người lao động tại Trường Đại học Đồng Tháp.
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân tặng quà các nhà giáo, người lao động tại Trường Đại học Đồng Tháp.

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động chăm lo, hỗ trợ thiết thực đời sống vật chất, tinh thần cho nhà giáo, người lao động; đặc biệt là nhà giáo, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; những nhà giáo gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ; đảm bảo nhà giáo, người lao động, học sinh đón Tết vui tươi, ấm no, hạnh phúc.

Trong dịp này Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức thăm và hỗ trợ gần 200 cán bộ, nhà giáo, người lao động tại Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Đồng Tháp, Công đoàn ngành giáo dục Đồng Tháp, Công đoàn ngành giáo dục An Giang; hỗ trợ 30 triệu đồng cho 60 cán bộ nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Hà Giang.

Cũng tại chương trình, Quỹ Tấm lòng Việt và các nhà tài trợ đã trao số tiền 100 triệu đồng hỗ trợ cho học sinh Trường THPT Xín Mần và Trường Phổ thông dân tộc Nội trú THCS-THPT Xín Mần.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Quỹ Tấm lòng Việt và các nhà tài trợ tặng quà cho các em học sinh.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Quỹ Tấm lòng Việt và các nhà tài trợ tặng quà cho các em học sinh.

Kết quả bước đầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Sáng 3/1, Bộ GD&ĐT báo cáo tại giao ban báo chí Trung ương về kết quả, tồn tại hạn chế và giải pháp triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới.

Chia sẻ về kết quả bước đầu, báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết: Hệ thống văn bản được ban hành đã tương đối bao quát toàn bộ các mặt, lĩnh vực để bảo đảm yêu cầu đổi mới. Công tác chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đã cơ bản bao quát toàn diện các nội dung theo yêu cầu đổi mới; bảo đảm sự sâu sát và kịp thời trong chỉ đạo triển khai và giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành phù hợp với định hướng và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29 của Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Cô Võ Phương Liên, Tổ trưởng khối 3 Trường Tiểu học Phenikaa (Hà Nội) hướng dẫn học trò trong giờ học.
Cô Võ Phương Liên, Tổ trưởng khối 3 Trường Tiểu học Phenikaa (Hà Nội) hướng dẫn học trò trong giờ học.

Việc chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới tại các địa phương đáp ứng được cơ bản yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

Các nhà trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình mới; đội ngũ giáo viên đã thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; việc tổ chức quản lý đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường.

Đến nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng bộ ở tất cả các đại phương, vùng, miền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Được bơi thỏa thích dưới làn nước mát mang đến cho trẻ thêm nhiều niềm vui và sự hứng khởi. (Ảnh: ITN).

Trẻ mấy tuổi học bơi tốt nhất?

GD&TĐ - Bơi rất có ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ đồng thời mang đến cho trẻ những ưu điểm vượt trội so với bạn bè.
Một góc bản Nàng 1, xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Trăn trở Mường Lý

GD&TĐ - Mường Lý vào tháng 4 trời nóng rát. Gió phơn Tây Nam thổi ràn rạt. Những vạt rừng lau, lách ngả màu vàng úa, chỉ một mồi lửa là có thể bùng cháy.