Nâng cao giá trị kinh tế từ khoai tây, ngô
Chúng tôi về Mường Kim - xã tiên phong, đi đầu của huyện Than Uyên trong việc trồng cây vụ đông. Thời điểm này, khi tết đến, xuân về, bà con các bản nô nức ra đồng vui như hội. Hộ thì chăm sóc cà chua, hộ chuẩn bị thu hoạch bí xanh, khoai tây. Từ thửa ruộng trên cao đến thửa ruộng ven suối, đâu đâu cũng thấy một màu xanh bạt ngàn của rau màu.
Bà con xã Mường Kim tích cực trồng cây cà chua vụ đông để nâng cao thu nhập. |
Ông Tòng Văn Dân - Bản Nà Đình, xã Mường Kim, huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết, trước thì gia đình ông trồng đỗ nhưng hiệu quả không cao nên đã chuyển đổi trồng cây cà chua. Gia đình ông chăm sóc cà chua được hơn 50 ngày rồi, chưa được thu hoạch. Bây giờ đang làm giàn, tầm khoảng 1 tháng được thu hoạch.
Được biết, lúc đầu triển khai cây vụ đông, xã Mường Kim chỉ có ít hộ tham gia trồng thử khoai tây và ngô, chủ yếu là đảng viên, cán bộ của địa phương thực hiện với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Sau vụ đầu tiên thành công, đến vụ năm nay, xã Mường Kim đã tuyên truyền, vận động trên 50 hộ ở các bản tham gia trồng nhiều loại cây rau màu để nâng cao giá trị kinh tế. Hiện tại, toàn xã có 30 ha khoai tây liên kết với hợp tác xã (HTX) Anh Đạt; 3 ha bí xanh, 51,5 ha ngô ngọt và ngô sinh khối; gần 1ha cây cà chua, hạt chia.
Ông Lò Quyết Thắng - Chủ tịch UBND xã Mường Kim, huyện Than Uyên thông tin Mường Kim xác định là phát triển kinh tế trọng điểm về nông nghiệp. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, BCH Đảng uỷ xã đã ban hành Nghị quyết, UBND ban hành kế hoạch để tổ chức thực hiện. Xã quy hoạch rõ những vùng sản xuất thâm canh tăng vụ. Hiện nay, xã đang xác định những vùng phát triển động lực nông nghiệp của xã như bản Nà Khương, Nà Dân, Nà Đình, Chiềng Ban 1,2 sẽ thâm canh tăng vụ trên cánh đồng này.
Hiện nay Mường Kim đang thực hiện thâm canh tăng vụ trên vụ đông. Chiềng Ban 1,2 quy hoạch trồng khoai, rau màu các loại. Nà Dân, Nà Khương, Nà Đình, xã chuyển đổi là những diện tích đất 1 vụ chuyển đổi trồng bí xanh, dưa chuột, ngô ngọt. Xã cũng liên kết với các đơn vị bao tiêu sản xuất từ đầu vào đến đầu ra cho người nông dân. Cung cấp từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm cho người dân, như ở bản Nà Dân 1 ha đã cho thu hoạch từ 250-300 triệu đồng/ha.
Nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống
Không chỉ riêng Mường Kim, nhiều xã khác trên địa bàn huyện Than Uyên đã khai thác lợi thế, tiềm năng của tài nguyên đất, nước, khí hậu để tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia thực hiện với mục tiêu là nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trong đó tập trung vào sản xuất vùng lúa hàng hoá tập trung tại các cánh đồng lớn: Mường Than, Mường Kim, Mường Cang, Hua Nà với những dòng lúa chất lượng cao như: J02, Séng Cù... Mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, chè; đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất…
Song song với đó, các hộ dân trên địa bàn xã chú trọng vào phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng nuôi khép kín, an toàn sinh học với quy mô đàn lớn, nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi. Điển hình trong đó có trang trại An Hưng Farm ở xã Mường Than của Công ty Trà dược liệu Lai Châu. Với tổng diện tích mặt sàn 6.000m2, hiện tại trang trại tập trung nuôi trên 120 con trâu, bò, hơn 3.000 con gà, 20 con dê. Nhờ vào việc sử dụng đệm lót sinh học, tuân thủ nghiêm túc chế độ tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ, đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày với các loại thức ăn xanh và tinh bột, đến nay, đàn vật nuôi của trang trại phát triển rất tốt.
Mô hình chăn nuôi trâu, bò khép kín của trang trại An Hưng Farm, xã Mường Than đã và đang phát triển tốt. |
Ông Đào Ngọc Đạt - Chủ trang trại An Hưng Farm, xã Mường Than, huyện Than Uyên cho biết: "Bản thân chúng tôi, xuất thân từ người nông dân, thấy cách chăn nuôi truyền thống càng ngày càng không phù hợp với thời đại. Chăn nuôi truyền thống thì rủi ro cao hơn, vệ sinh an toàn kém hơn, đến lúc được mùa rớt giá theo số lượng nhỏ lẻ bán không có kinh tế mấy. Thì ra ý tưởng là nuôi quy mô lớn hơn để bán đồng loạt, thậm chí là bán được giống cho bà con, ở trên mình chưa có trại giống nào đạt về tiêu chuẩn của nhà nước. Vì vậy, chúng tôi xây dựng mô hình mà ngoài cung cấp thực phẩm trong tỉnh, rồi phát triển ra miền Bắc; vừa cung cấp giống, vừa cung cấp thịt".
Ngoài ra, tận dụng nguồn tài nguyên lòng hồ thuỷ điện thuỷ điện Bản Chát, Huội Quảng, nhân dân các xã khu vực 2 lòng hồ phát triển nuôi cá lồng với đa dạng các loại cá. Hiện tại, nhiều hộ dân, HTX mở rộng quy mô nuôi cá lồng gắn với các dịch vụ ăn uống, trải nghiệm trên lòng hồ để tăng thêm thu nhập.
Nhằm tạo động lực cho các hộ dân, HTX trên địa bàn mạnh dạn đầu tư, đổi mới tư duy trong nông nghiệp, huyện Than Uyên chú trọng thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết 07, 11, 13 của HĐND tỉnh để hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp. Riêng trong năm 2022, toàn huyện hỗ trợ nhân dân làm mới 194 lồng cá, trồng mới trên 70 ha cây ăn quả, hơn 150 ha cây chè.
Tính đến nay, toàn huyện có tổng diện tích cây lương thực có hạt trên 6.709 ha, tổng sản lượng lương thực đạt 33.625 tấn; 1.706 ha cây chè, gần 356 ha cây ăn quả; 400 ha rau, đậu các loại. Trên địa bàn huyện có 66 cơ sở chăn nuôi tập trung, tổng đàn gia súc 52.761 con, tổng đàn gia cầm ước đạt trên 328.000 con, 825 lồng cá.
Ông Lò Văn Hương - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết, có thể nói năm 2022, ngành nông nghiệp của huyện Than Uyên cũng có những khởi sắc. Huyện đã hoàn thành 02 chứng nhận về sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap gồm có dâu tây, gạo tẻ tròn. Về nhãn hiệu, huyện có nhãn hiệu gạo Séng Cù, tiếp tục làm nhãn hiệu gạo Tẻ tròn, gạo Tan Pỏm. Một số mô hình đang triển khai thực hiện, nhất là mô hình cây vụ đông. Điểm nhấn của huyện Than Uyên trong triển khai lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi cố gắng tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai mô hình mà có sự liên kết với HTX và các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Nhất là vụ đông năm nay, huyện triển khai tốt, một số mô hình như cây khoai tây, bí xanh, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.
Trong những năm tiếp theo, trên cơ sở áp dụng các chính sách của tỉnh, huyện Than Uyên tiếp tục đồng hành cùng nhân dân triển khai nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Từ đó, tạo ra vùng nguyên liệu đủ lớn để cung cấp sản phẩm cho các HTX, doanh nghiệp theo chuỗi liên kết giá trị, đưa ngành nông nghiệp đi vào chiều sâu, thực sự là sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cho người dân.