Xuất khẩu bưởi đỏ sang Anh Quốc:

Hướng đi mới cho nông nghiệp Tân Lạc

GD&TĐ - Huyện miền núi Tân Lạc (Hòa Bình) vừa xuất khẩu 7 tấn bưởi đỏ sang thị trường Anh Quốc, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp của địa phương này.

Ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình (thứ 3 từ trái sang) và các đại biểu dự lễ xuất khẩu bưởi đỏ.
Ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình (thứ 3 từ trái sang) và các đại biểu dự lễ xuất khẩu bưởi đỏ.

Chuyến xuất khẩu đầu tiên vào thị trường Anh Quốc

Ngày 24/11, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình phối hợp với UBND huyện Tân Lạc và Công ty CP nông nghiệp hữu cơ FUSA tổ chức lễ xuất chuyến hàng sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc đầu tiên sang thị trường Vương quốc Anh. Dự lễ xuất hàng có ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh Hoà Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Bí thư huyện uỷ Tân Lạc...

Năm 2017, Cục sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu cho bưởi đỏ Tân Lạc, đến nay tổng diện tích bưởi đỏ của tỉnh đạt khoảng 2.600 ha. Trong đó, riêng huyện Tân Lạc có 240ha bưởi đỏ được chứng nhận VietGAP, hữu cơ.

Ngoài ra, huyện Tân Lạc còn có 6 mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU được cấp cho 140ha bưởi đỏ trồng tập trung. Các vùng trồng được giám sát nghiêm ngặt về dịch bệnh, canh tác và phòng ngừa dịch bệnh của người sản xuất. Vừa qua, toàn bộ 6 mã vùng trồng trên đều đạt yêu cầu kỹ thuật của 821 chỉ tiêu, kiểm định về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của EU và Anh Quốc. Sản phẩm cũng được cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam công nhận, không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.

Vui mừng và phấn khởi khi bưởi đỏ được xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc, ông Đinh Văn Hậu, xóm Sung, xã Thanh Hối chia sẻ: "Tôi trồng hơn 300 gốc bưởi đỏ từ năm 2013 trên 8.000m2 nương. Khoảng 3 năm sau thì cây bưởi bắt đầu cho quả bói. Thời điểm trước giá bán bưởi còn ở mức cao, tuy nhiên từ khi dịch Covid-19 hoành hành, sản phẩm bưởi cũng lao dốc. Vừa rồi, bưởi được xuất khẩu ra nước ngoài tôi vui lắm, vui vì sản phẩm sẽ có đầu ra ổn định, giá cả sẽ cao hơn. Người dân chúng tôi sẽ yên tâm sản xuất và phát triển kinh tế nông nghiệp".

Những năm qua, tại huyện Tân Lạc xuất hiện nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư và chuyển đổi diện tích đất bạc màu sang trồng bưởi đỏ. Không những vậy, bà con đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng. Từ hướng đi mới đó, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã có cuộc sống khấm khá và thu nhập ổn định từ việc bán bưởi. Việc xuất khẩu bưởi đỏ ra thị trường nước ngoài khó tính như Vương quốc Anh là niềm tự hào, khích lệ lớn đối với bà con nông dân. Bởi, sản phẩm của người nông dân làm ra sẽ bán được giá cao và đem lại thu nhập ổn định hơn so với các năm trước.

Chủ vườn kiểm tra bưởi.

Chủ vườn kiểm tra bưởi.

Lô bưởi đỏ Tân Lạc xuất khẩu đầu tiên trong năm 2022 sang thị trường Anh Quốc là trên 7 tấn. Lượng hàng này do các thành viên HTX ở xóm 3, xã Tử Nê sản xuất, đóng gói; vận chuyển sang thị trường xuất khẩu bởi Công ty CP nông nghiệp hữu cơ FUSA.

Hướng đi mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xoá đói giảm nghèo

Ông Bùi Văn Nhỏ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết: Hiện nay, huyện có vùng sản xuất bưởi đỏ tập trung tại các xã Ngọc Mỹ, Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê, Phong Phú, Mỹ Hòa và thị trấn Mãn Đức với quy mô ổn định trên 1.250 ha. Huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư thâm canh cho vùng sản xuất bưởi. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 500ha diện tích trồng bưởi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Từ đó, kết hợp xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, với sản lượng đạt trên 20.000 tấn và giá trị đạt khoảng 450 triệu đồng/ha.

"Chúng tôi rất phấn khởi khi được xuất khẩu hơn 7 tấn bưởi đỏ sang thị trường Anh Quốc. Đạt được kết quả này là nhờ sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh và các sở, ban, ngành. Việc bưởi đỏ được xuất khẩu sẽ giúp huyện quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, tạo ra hướng đi mới cho sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường ổn định hơn. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế của huyện bền vững hơn.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện và giá trị kinh tế của sản phẩm bưởi đỏ trong những năm tới, chúng tôi sẽ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm bưởi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững", ông Nhỏ bộc bạch.

Nhiều diện tích bưởi đỏ ở huyện Tân Lạc được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu.

Nhiều diện tích bưởi đỏ ở huyện Tân Lạc được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu.

Tại buổi lễ, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình nhận định: Việc xuất khẩu bưởi đỏ ra thị trường khó tính như vương Quốc Anh, là thành công lớn của người dân cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn. Qua nhiều năm nỗ lực, phấn đấu, không ngừng mở rộng diện tích gieo trồng và nâng cao chất lượng sản phẩm, bưởi đỏ Tân Lạc đã vượt qua khó khăn, đáp ứng yêu cầu khắt khe về kỹ thuật để chinh phục thị trường nước ngoài.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị, thời gian tới ngành NN&PTNT phối hợp với các ban, ngành tiếp tục phát triển cây bưởi đỏ theo quy hoạch, bài bản theo lộ trình đã đề ra. Áp dụng khoa học, kỹ thuật mạnh mẽ hơn nữa vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Các HTX trồng bưởi cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị và nông dân để tổ chức sản xuất, đóng gói theo chuỗi, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng ở nhiều thị trường trên thế giới. Từ đó, tăng nguồn thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xoá đói giảm nghèo tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.