Nút thắt tiếp cận đào tạo và phát triển sản xuất
Theo Bộ NN&PTNT, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp dự kiến sẽ hình thành 13 sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, khoảng 300 sản phẩm chủ lực cấp vùng và 2.500 sản phẩm nông nghiệp của các địa phương, sản phẩm OCOP.
Tăng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50.000 doanh nghiệp hiện nay lên 80.000 - 100.000 doanh nghiệp vào năm 2030. Tương tự, nâng số lượng hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả lên 30.000 hợp tác xã, 100.000 trang trại và tổ hợp tác vào năm 2030...
Để thực hiện được những mục tiêu này, việc đầu tiên là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, khắc phục những hạn chế trong đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn vừa qua.
Yếu điểm rõ nét thường được các chuyên gia nhắc tới là đào tạo nghề chưa có sự gắn kết chặt chẽ với chuỗi sản xuất mới và doanh nghiệp.
Theo ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, bản thân người lao động chưa xác định đúng mục đích học nghề là để nâng cao trình độ phát triển sản xuất cho bản thân, gia đình, vẫn học theo phong trào.
Một số người học nghề đã biết vận dụng kiến thức được học vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi… nhưng lại lúng túng, khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất.
Việc đào tạo gắn với hợp tác xã, đào tạo cho lao động trong vùng sản xuất hàng hóa, sản xuất công nghệ cao, xã viên trong trang trại còn thấp. Lao động trẻ mới thành lập hoặc sẽ thành lập trang trại riêng ít được tiếp cận các khóa học.
Trong giai đoạn tới, phát triển đào tạo nghề cho LĐNT đang đặt ra những thách thức lớn hơn, đặc biệt trong việc tiếp cận với trình độ khoa học kỹ thuật cao và xây dựng các mô hình nông nghiệp hiệu quả.
Bảo đảm chất lượng nguồn lực và giá trị sản phẩm
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Đất nước đang đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, chuyển dần lực lượng lao động sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Trong khi đó, lực lượng LĐNT đang có xu hướng già hóa, hàng năm có khoảng 2,2% LĐNT chuyển sang lĩnh vực khác, áp lực của việc thực hiện các hiệp định thương mại, đòi hỏi việc nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, cơ cấu lại các ngành nghề nông nghiệp… là những vấn đề phải tính đến trong đào tạo nghề nông nghiệp giai đoạn tới.
Trên cơ sở kinh nghiệm và kết quả thực hiện trong giai đoạn 2010 - 2020, xây dựng định hướng đào tạo để vừa có thể bảo đảm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, vừa bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực nông nghiệp có đủ trình độ, năng lực và tâm huyết với ngành.
Các chuyên gia cho rằng, đào tạo cho LĐNT trong giai đoạn tới phải đạt được mục tiêu nâng cao thu nhập cho LĐNT sau đào tạo, sản xuất ra những sản phẩm có giá trị thương mại, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Chính vì vậy, công tác đào tạo đòi hỏi phải đa dạng hóa, đặt trọng tâm vào chuỗi liên kết, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân.
Trong chính sách, cần có những thay đổi để phù hợp hơn, hướng tập trung vào đào tạo lao động cho các doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển nông thôn. Mỗi địa phương đều có điều kiện khác nhau, vì vậy định hướng chính sách cần có sự bao trùm như: Đẩy mạnh các chính sách thúc đẩy chương trình mỗi xã một sản phẩm; Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp; Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới...
Các chương trình này sẽ tạo ra nhu cầu đào tạo mới, các địa phương trên cơ sở những định hướng này tự điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Trong đào tạo khởi nghiệp nông nghiệp nông thôn tránh đào tạo đơn lẻ, sản xuất manh mún. Tập trung đào tạo theo hướng các hộ gắn kết với nhau để sản xuất lớn. Tạo môi trường cho các kỹ sư, nhà khoa học tham gia đào tạo và sản xuất thực tế.