80% lao động sau học nghề có thu nhập cao hơn
Về kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) sau 10 năm thực hiện, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, đến hết tháng 9/2019, đã có trên 9,2 triệu LĐNT được học nghề; trong đó có 5,3 triệu người đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956. Ước thực hiện đến hết năm 2019, sẽ có khoảng 9,6 triệu LĐNT được học nghề các trình độ đào tạo, đạt 87% mục tiêu của đề án. Số LĐNT được đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo trình độ dưới 3 tháng khoảng 5,6 triệu người, đạt 85% kế hoạch.
Sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 80%. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4% vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% LĐNT học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề, trên 35% LĐNT học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.
Theo thống kê của các địa phương, gần 350 nghìn hộ nghèo có người tham gia học nghề, có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 61,5% số người nghèo tham gia học nghề. Gần 300 nghìn hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương và trở thành hộ có thu nhập khá.
Gần 200 nghìn người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thực hiện mỗi làng một sản phẩm và thực hiện tiêu chí nông thôn mới.
Nhận thức của người dân về học nghề đã có chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học cho đến chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để có kiến thức, kỹ năng, tìm được việc làm thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Hiệu quả không đồng đều
Đánh giá những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện đề án, theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: Một số nội dung đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đặt hàng đào tạo nghề cho LĐNT thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế, không đạt mục tiêu của đề án do nguồn kinh phí Trung ương bố trí thấp hơn so với kế hoạch.
Hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT không đồng đều giữa các vùng trong cả nước; hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trung tâm cấp huyện chưa được quan tâm và hiệu quả chưa cao; việc xác định danh mục nghề đào tạo cho LĐNT vẫn còn dàn trải, nhất là danh mục nghề nông nghiệp; một số địa phương chưa xây dựng, phê duyệt định mức chi phí đào tạo, xây dựng, phê duyệt chuẩn đầu ra cho các nghề đào tạo...
Đáng chú ý, đối tượng LĐNT sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm còn rất hạn chế nên việc phát huy hiệu quả học nghề chưa cao. Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường tại chỗ không có nhu cầu, hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn…
Tiến tới hoàn thành mục tiêu của đề án, trong năm 2020 chương trình sẽ tiếp tục đào tạo nghề các cấp trình độ cho 1,43 triệu LĐNT, trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 990 nghìn LĐNT. Trong đó, 350 nghìn người học nghề nông nghiệp, 640 nghìn người học nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%.