Tìm “lời giải” cho bài toán đào tạo nghề nông nghiệp

GD&TĐ - Một trong những nội dung quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn là dạy nghề nông nghiệp. Quá trình 10 năm thực hiện đề án đã cho thấy những bất cập nhất định. Vấn đề đang được khuyến nghị để nâng cao hiệu quả thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.  

Trồng rau sạch được coi là một mô hình đào tạo nghề nông nghiệp hiệu quả
Trồng rau sạch được coi là một mô hình đào tạo nghề nông nghiệp hiệu quả

Bất cập đầu ra cho sản phẩm

Thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956), chủ động tại địa phương luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Ông Hoàng Nguyễn Hưng – Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên cho biết: Tỉnh đã phối hợp với ngành nông nghiệp gắn đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chủ động xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các lớp đào tạo nghề cho LĐNT dần bắt nhịp với xu thế thị trường.

Trong khi một số xã phát triển các sản phẩm truyền thống như nhãn, táo, chăn nuôi gia cầm… thì các xã giáp ranh Hà Nội tập trung vào sản phẩm rau sạch đạt chất lượng VIETGAP. Chương trình đào tạo gắn với thực tế tại địa phương đã giúp cho Hưng Yên trở thành một tỉnh có thành tích tốt trong việc thực hiện đề án, với khoảng 4.000 – 5.000 LĐNT được đào tạo mỗi năm.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng tìm được đầu ra tốt cho người lao động như ở Hưng Yên, đặc biệt là các tỉnh miền núi. Đơn cử như Bắc Cạn, theo thống kê, cho đến nay mới chỉ có khoảng 25.000 LĐNT được đào tạo nghề, trong khi mục tiêu mỗi năm đào tạo cho khoảng 3.000 LĐNT.

Theo Sở LĐ-TB&XH Bắc Cạn, địa phương hiện có khoảng trên 600 doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp thực chất hoạt động và có nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo rất hạn chế. Về cơ bản, doanh nghiệp tự tuyển dụng và đào tạo lao động để phục vụ yêu cầu sản xuất...

Phản ánh tại một số địa phương khác cũng cho thấy, bất cập về chất lượng lao động qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong đó một phần nguyên nhân được cho là do thiếu giáo viên, hoặc thiếu kinh phí thực hiện. Vẫn còn tình trạng học nghề theo kiểu “đánh trống ghi tên” để hưởng chế độ ưu đãi, những vấn đề này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng của đề án.

Tập trung hỗ trợ đúng và hiệu quả

Đánh giá những hạn chế trong 10 năm thực hiện Đề án 1956, ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Các địa phương lựa chọn ngành nghề đào tạo, đối với nghề phi nông nghiệp thuận lợi hơn, bởi có sự tham gia tuyển dụng của doanh nghiệp ngay từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc đào tạo nghề. Đối với các nghề nông nghiệp thì vẫn là một bài toán khó.

Cụ thể, việc lựa chọn nghề để có thể làm nông nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, đòi hỏi địa phương phải xác định được nhu cầu đào tạo các nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp. Nắm bắt được thế mạnh, cũng như các điều kiện liên quan để đưa ra được những ngành nghề đào tạo hiệu quả.

Đặc biệt, thực hiện chương trình OCOP phải đưa doanh nghiệp vào lựa chọn nghề đào tạo. Chính quyền cấp xã cũng sẽ là cầu nối để triển khai đào tạo nghề, gắn với đầu ra của sản phẩm cho bà con nông dân. Đây là điểm mấu chốt để đưa ra được đúng các ngành nghề nông nghiệp cần được đào tạo.

Liên quan đến chính sách đào tạo nghề cho LĐNT, ông Đào Văn Tiến cho biết: Nhằm tránh tình trạng dẫm chân lên nhau của các đề án dạy nghề cho LĐNT cùng triển khai với Đề án 1956, năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH đã rà soát và đưa vào Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, tuy nhiên cũng không tích hợp được tất cả các chính sách. Ví dụ, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động là người khuyết tật, chương trình đào tạo khuyến công, khuyến nông… được tách riêng.

Bên cạnh đó, quy định người học chỉ được tham gia một chương trình đào tạo, nhưng trong điều kiện rộng mở về đào tạo, việc kiểm soát người học còn rất khó khăn. Đây cũng là một nội dung được kiến nghị, tiếp tục rà soát các chính sách đào tạo, để các địa phương dễ dàng tra cứu trước khi thực hiện. Qua đó tập trung hỗ trợ vào đúng đối tượng, từ quá trình đào tạo, vay vốn… đến đầu ra sản phẩm thì mới bảo đảm việc làm bền vững.

Không chỉ LĐNT, mà lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu học nghề để thay đổi công việc mới rất lớn. Theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, mỗi người chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần. Những người đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách hiện hành khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ đào tạo theo chính sách quy định tại quyết định này. Riêng những người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan, thì UBND cấp xã xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm, nhưng tối đa không quá 3 lần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ