Nơi chắp cánh những ước mơ

GD&TĐ - Một mùa tựu trường lại đang đến. Trong số hàng ngàn sinh viên nhập trường là có hàng ngàn niềm vui, hàng ngàn ước vọng. Trong số đó, chắc không thể tả hết sự vui mừng của những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt- những tấm gương vượt khó, vượt lên số phận.

Các tân Thạc sĩ, Tiến sĩ Quản lý giáo dục của Học viện Quản lý giáo dục năm 2017
Các tân Thạc sĩ, Tiến sĩ Quản lý giáo dục của Học viện Quản lý giáo dục năm 2017

Ước mơ đã chiến thắng mặc cảm tự ti

Học viện Quản lý giáo dục đã chắp cánh ước mơ đại học cho hai em Nguyễn Thị Thanh và Vũ Thị Thư bằng quyết định tuyển thẳng vào học ngành Tâm lý học giáo dục. Quyết định này không chỉ mở ra cánh cửa đến với giảng đường đại học của các em mà còn khẳng định trách nhiệm xã hội, cộng đồng, tính nhân văn, nhân bản và sự quan tâm, hỗ trợ của Học viện đối với những sinh viên biết vượt lên hoàn cảnh khó khăn.

Đó là trường hợp của Em Nguyễn Thị Thanh, ở huyện Gia Lâm (Hà Nội). Nhà có hai anh em, bố mẹ em đều làm nông nghiệp, hoàn cảnh kinh tế gia đình nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi chào đời, bố mẹ em không có được niềm vui như bao người khác, đón em trong nước mắt nghẹn lòng, Thanh bị khiếm thị bẩm sinh, thị lực hai mắt của em gần như bằng không. “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, lời nguyền đời người chắc sẽ mãi bám riết em, có thể cản trở mọi ước mơ, sự cố gắng của em.

Nhưng có lẽ, trời cũng đáp lòng người, chẳng phụ công sức ai, dù khiếm thị nhưng Thanh luôn học tốt. Mười hai năm học là mười hai năm cố gắng không nản của Thanh, cả mười hai năm em đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Biết con có chí, gia đình đã giành tất cả cho em. Những năm học phổ thông trung học, để có  điều kiện theo học, gia đình đã thuê nhà trọ gần Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hà Bà Trưng, Hà Nội) để cho em theo học. Cũng không tránh khỏi những mặc cảm, tự ti, nhưng Thanh luôn biết vượt lên, em cũng luôn nhận được sự động viên của gia đình, thầy, cô, bạn bè xung quanh.

Sinh viên Nguyễn Thị Thanh
Sinh viên Nguyễn Thị Thanh 

Em Vũ Thị Thư ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cũng bị khiếm thị bẩm sinh nhưng chưa bao giờ em từ bỏ ước mơ đến trường. Để đọc, viết được với em là cả một quá trình nỗ lực tột bậc. Năm 6 tuổi em được bố mẹ cho đi học chữ tại Hội người mù tỉnh Bắc Giang. Lên lớp 6, một mình em khăn gói, rời xa gia đình lên Hà Nội để thi vào Trường Nguyễn Đình Chiểu.

Học hết lớp 9 em bị gián đoạn việc học, bởi em không có hộ khẩu tại Hà Nội để thi vào các trường THPT. Không từ bỏ ước mơ đến trường, em quyết xin bố mẹ cho vào Thành phố Hồ Chí Minh học tập, và Thư may mắn được Mái ấm khiếm thị "Huynh Đệ Như Nghĩa" - Quận Bình Tân đón nhận, bảo trợ. Quá trình học tập bị gián đoạn và di chuyển khá nhiều, nhưng chưa khi nào Thư nản lòng. Và hôm nay mong ước được trở thành một chuyên gia tư vấn tâm lý, một nhà giáo của em đã được toại nguyện, được xét tuyển thẳng vào học ngành Tâm lý giáo dục của Học viện Quản lý giáo dục.

Sinh viên Vũ Thị Thư
Sinh viên Vũ Thị Thư 

Ước mơ được chắp cánh

GS.TS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục đã rất vui vì kết quả học tập cùng sự nỗ lực vượt khó và cảm động trước hoàn cảnh của các em, đã tặng 02 suất học bổng với mong muốn hỗ trợ và động viên tinh thần khát khao học tập vượt khó vươn lên của hai em. Ông cho biết, khi tiếp nhận hai em, học viện cũng có một số khó khăn về tổ chức dạy học, nhưng nhà trường sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để hai em yên tâm học tập, được hòa nhập, bình đẳng với các sinh viên khắc.

Và không chỉ có hai em, mà còn có rất nhiều các em sinh viên khác, nếu đáp ứng các yêu cầu của Học viện, đều có thể nhận được những phần quà có giá trị, những suất học bổng ưu tiên để khích lệ, tạo động lực học tập cho các em. Học viện Quản lý giáo dục sẽ luôn cố gắng phát triển để khẳng định là địa chỉ tin cậy để các sinh viên, học viên đến học tập nghiên cứu, và nơi đây thực sự là môi trường học tập sáng tạo, phát triển và nhân văn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ