Sức bật của môi trường chuyên nghiệp về đào tạo- bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục
Giáo dục thế kỷ 21 đã sang một giai đoạn mới - thời kỳ trị vì của những kết nối đa dạng của siêu kiến thức, siêu tự động hóa. Giáo dục và đào tạo nước nhà cũng đang thực hiện cuộc chuyển đổi sâu sắc, từ độc tôn của lối mòn dạy học truyền thụ nội dung sang dạy học chú trọng phát triển toàn diện năng lực người học.
Ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua “năng lực”? Nhà trường nào sẽ trở thành “chất lượng” cấp quốc gia, quốc tế? Và, nhà quản trị trường học nào sẽ là nhà quản trị “hiệu quả”, mang đến thành công cho người học, người dạy trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này? Vòng nguyệt quế không dành cho người quen đi theo lối mòn, thích đi trên thảm đỏ, hay đầu óc tự ti, tự cao, tự đại, tự mãn.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới của toàn hệ thống giáo dục, tác động toàn bộ về mặt cấp độ và phương diện, và lan tỏa, chịu ảnh hưởng của mọi mặt đời sống xã hội. Vấn đề trọng tâm và then chốt, quyết định của quá trình đổi mới đã được Bộ GD&ĐT xác định cụ thể từng khâu, từng phương diện, những nhân tố tham gia tích cực,... nhưng trên đại thể, căn bản nhất vẫn là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
GS.TS.Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục Việt Nam và ngài Goh Chor Boon, Phó Giám đốc Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore ký kết biên bản hợp tác |
Học viện Quản lý giáo dục ngày nay đã vượt lên để khẳng định là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý có uy tín nổi trội trong nước và tiến tới tầm khu vực. Sự đổi mới tư duy và hành động lãnh đạo, quản trị nhà trường luôn là yêu cầu cụ thể của lãnh đạo Bộ GD&ĐT dành cho Học viện; sự cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cũng luôn được lãnh đạo và đội ngũ giảng viên của Học viện quan tâm, nghiên cứu và thực hiện. Hàng ngàn cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng về năng lực và kỹ năng quản lý, quản trị nhà trường từ Học viện sẽ là giá trị truyền thống vô cùng vẻ vang và sẽ là nguồn động lực để Học viện vững tin vào sứ mệnh, kiên định, sáng suốt vào tầm nhìn chiến lược phát triển Học viện.
Hợp tác, liên kết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý chất lượng cao
Vấn đề hợp tác, liên kết với những đơn vị đào tạo, bồi dưỡng có uy tín trong nước, đặc biệt với các quốc gia có nền giáo dục bậc cao trong khu vực và quốc tế luôn là sự ưu tiên hành đầu trong chiển lược phát triển Học viện.
Hợp tác với Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore là điểm sáng trong liên kết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý của Học viện. Ngày 06/07/2017 vừa qua tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore (NIE), GS. TS. Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục (NAEM) đã ký Thỏa thuận hợp tác thực hiện Chương trình Bồi dưỡng Lãnh đạo và Quản lý giáo dục.
Đây là chương trình hợp tác bồi dưỡng lãnh đạo và quản lý giáo dục do hai bên làm đầu mối thực hiện góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam có đầy đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà.
GS.TS. Phạm Quang Trung dẫn đầu đoàn công tác thuộc Học viện Quản lý giáo dục (Việt Nam) tới thăm và làm việc với Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore |
Chụp ảnh lưu niệm tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore |
Theo thỏa thuận, Học viện Quản lý giáo dục và Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore sẽ cùng hợp tác xây dựng chương trình, tổ chức bồi dưỡng các năng lực, kỹ năng cần thiết, cốt lõi, chú trọng thực tiễn hành dụng vào quản trị nhà trường cho đội ngũ giảng viên nguồn cấp quốc gia và cán bộ quản lý giáo dục của Việt Nam trong năm 2017- 2018.
Ban đầu sẽ đào tạo, bồi dưỡng cho 128 giảng viên nguồn và sau đó là 500 cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương, tiếp theo, sẽ là hàng ngàn cán bộ quản lý giáo dục trên khắp các tỉnh, thành sẽ được thụ hưởng chương trình này.
Đây là cơ hội rất tốt để Học viện thực hiện trọng trách nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý mà Bộ GD&ĐT giao cho, đồng thời khẳng định uy tín, vị thế của Học viện trong lãnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, góp phần vào khâu “quyết định” đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà.