Thay vì tổ chức tư vấn trực tiếp, nhiều giáo viên đã sử dụng hình thức tư vấn trực tuyến, hướng dẫn học sinh cài một số phần mềm ứng dụng (App) và lựa chọn các kênh về tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp.
Hướng dẫn học sinh cài App
Theo thầy Phan Văn Chương – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam): Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà trường đã yêu cầu giáo viên thành lập các nhóm trên mạng xã hội để hướng dẫn các em học tập và định hướng nghề nghiệp.
“Hiện nay, đã và đang nở rộ các hình thức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trực tuyến giữa các nhóm lớp. Không chỉ giáo viên chủ nhiệm mà giáo viên bộ môn cũng trực tiếp tư vấn cho học sinh, sẵn sàng giải đáp những băn khoăn về lựa chọn nghề nghiệp của các em” – thầy Chương cho hay.
Thầy Chương cho biết: Hiện nhà trường đang nghiên cứu và hướng dẫn học sinh cài đặt một số App và lựa chọn các kênh về tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trực tuyến.
Trước Tết Nguyên đán, nhà trường cũng đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối 11, 12 và phát nhiều tờ rơi, tờ gấp về các ngành nghề để học sinh tham khảo, nghiên cứu và chủ động hơn trong lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân.
Cô Danh Thị Sâm – giáo viên Trường THPT Mỹ Đức B (Hà Nội) chia sẻ, ngoài việc lập nhóm trên mạng xã hội để tương tác với học sinh trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid-19, cô còn nhắn tin, gọi điện trực tiếp để trao đổi, tư vấn định hướng trong việc lựa ngành nghề và trường học trong tương lai. Ngoài ra, trong những buổi lên “lớp Zoom meetings”, cô cũng lồng ghép tư vấn cho các em về vấn đề này.
“Tôi tôn trọng và lắng nghe ý kiến của học sinh để giải đáp những băn khoăn của các em trong lựa chọn nghề nghiệp. Do nhiều điều kiện khách quan nên nhà trường chưa thể tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp bằng hình thức livestream, nhưng nếu tổ chức được hình thức này thì sẽ hiệu quả, nhất là trong mùa dịch Covid-19 như hiện nay” – cô Sâm nói và cho biết: Cô thường dựa vào tính cách, năng lực, sở thích và hoàn cảnh gia đình của học sinh để tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp cho các em.
Thầy – trò cùng “chat”
Theo cô Sâm, định hướng nghề nghiệp cho học sinh có vai trò quan trọng đối với tương lai, sự nghiệp của các em. Vì thế, khi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cô thường lưu ý các em cần chú ý đến năng lực của mình ở nghề nghiệp đó và trả lời câu hỏi: Mình có thực sự có năng lực đó hay không? Ngoài ra, các em cũng cần xem xét đến điều kiện kinh tế gia đình và cơ hội việc làm sau này để có được lựa chọn phù hợp.
Để thực hiện điều đó, cô Sâm thực hiện một số giải pháp như: Ổn định tâm lý và củng cố tư tưởng cho học sinh. Đồng thời, xác định nhu cầu của các em là học đại học hay học nghề. Trên cơ sở đó, cô sẽ có biện pháp tư vấn đúng và trúng hơn.
“Cùng với đó, tôi tổ chức lồng ghép chuyên đề: Trường đại học tôi yêu. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu về ngành nghề và các trường đại học, cao đẳng mà mình yêu thích để các em có cơ sở đăng ký xét tuyển. Trước đó, tôi cũng mời một số cựu học sinh đã và đang học đại học, cao đẳng về nói chuyện tư vấn cho các em về chọn ngành, chọn trường” - cô Sâm chia sẻ.
Thầy Ngô Xuân Quang – giáo viên Trường THPT Tháng 10 (Yên Sơn, Tuyên Quang) cho hay: Từ khi thầy - trò nghỉ học tạm thời để phòng chống dịch Covid-19, các nhóm mạng xã hội giữa thầy với trò hoạt động thường xuyên. Ngoài nội dung học tập, nhóm còn có nhiều trao đổi, thảo luận về tuyển sinh, hướng nghiệp.
“Nhiều học sinh băn khoăn “chat” vào trong nhóm không biết chọn trường nào, nên học nghề hay học đại học. Nắm bắt được tâm lý của học sinh, trong các giờ học trực tuyến, tôi lồng ghép, định hướng nghề nghiệp cho các em và tiếp thêm động lực để các em tự tin vào con đường mình đã chọn” – thầy Quang chia sẻ.
Theo thầy Quang, tùy từng đối tượng học sinh để thầy tư vấn hướng nghiệp cho các em. Với những học sinh xác định học nghề, thầy tổ chức thành một nhóm, với những học sinh có nhu cầu xét tuyển đại học, thầy thành lập nhóm riêng.
Việc này nhằm hai mục đích: Một là để có phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh; hai là thầy - trò sẽ thuận lợi hơn trong quá trình tư vấn hướng nghiệp.
“Tôi luôn định hướng cho học sinh: Trước hết là chọn ngành nghề yêu thích, sau đó mới đến chọn trường phù hợp. Việc tiếp theo là cần căn cứ vào lực học của mình và điều kiện kinh tế gia đình, cũng như nhu cầu việc làm của xã hội. Các em cần dựa vào các yếu tố này để có lựa chọn phù hợp” – thầy Quang trao đổi.
“Với một số em học lực tốt nhưng điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, tôi gợi ý cho các em có thể đăng ký xét tuyển vào trường thuộc khối công an, quân đội và sư phạm để giảm gánh nặng cho gia đình mà không lo việc làm sau khi ra trường” - Thầy Ngô Xuân Quang.