Nỗ lực đáp ứng nguyện vọng lựa chọn môn

GD&TĐ - Nhiều học sinh còn lựa chọn môn học theo cảm tính, nhiều nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu học tập, nhất là các môn Âm nhạc và Mỹ thuật...

Học sinh Trường THPT Quốc Oai (Hà Nội) hào hứng với Chương trình GDPT mới.
Học sinh Trường THPT Quốc Oai (Hà Nội) hào hứng với Chương trình GDPT mới.

Lường trước những khó khăn tăng lên khi chương trình mới được mở rộng với lớp 11 năm học tới, các trường học Hà Nội đã lên kế hoạch thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng nguyện vọng học tập của học sinh.

Tín hiệu tích cực

Năm học 2023 - 2024, cùng với học sinh cả nước, lần đầu tiên học sinh lớp 10 Hà Nội học theo Chương trình, sách giáo khoa mới. Theo đánh giá chung của các nhà trường, năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT đã có những tín hiệu tích cực.

Số lượng học sinh đăng kí các môn lựa chọn tương đối phù hợp số lượng giáo viên bộ môn, giúp các nhà trường giữ được sự ổn định về đội ngũ, trong khi vẫn đáp ứng tốt yêu cầu học tập của học sinh. Đối với các môn học mới, nhiều trường chủ động khắc phục bằng cách sử dụng giáo viên hợp đồng để đáp ứng nhu cầu lựa chọn của học sinh.

Giáo viên đã nghiên cứu kỹ lưỡng, nắm bắt những ưu điểm của từng bộ sách để đưa ra lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế mỗi nhà trường. Nhờ hệ thống tài liệu phong phú, đa dạng về nội dung, hình ảnh và đồ họa, đi kèm với công cụ giáo dục điện tử, thầy cô có thêm giải pháp giúp học sinh tiếp cận kiến thức sinh động và hiệu quả.

Từ phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” do Sở GD&ĐT Hà Nội phát động, các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động chuyên môn, hỗ trợ nâng cao chất lượng chuyên môn, giúp nhau khắc phục khó khăn về đội ngũ trong quá trình triển khai Chương trình GDPT mới đã được thực hiện.

Với việc tổ chức hơn 10 chuyên đề, 10 tiết dạy minh họa gắn với sinh hoạt chuyên môn ở các môn Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Giáo dục thể chất theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến trên toàn thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đồng hành với các nhà trường, giáo viên để chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc.

Những buổi sinh hoạt chuyên môn trên phạm vi toàn thành phố đã giúp các nhà trường, thầy cô được giải đáp những thắc mắc, đồng thời đem lại niềm tin cho đội ngũ giáo viên các trường. Báo cáo từ các cơ sở giáo dục cũng cho thấy sinh hoạt của tổ, nhóm chuyên môn trong các nhà trường có sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả hơn.

Từ những nỗ lực của toàn ngành, năm đầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT đã có những tín hiệu tích cực đáng được ghi nhận. Có thể chỉ ra, học sinh được học các môn học theo nguyện vọng, sở trường; chất lượng học tập của học sinh đã có sự thay đổi rõ rệt. Tỉ lệ học sinh không đạt ở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học giảm chỉ còn 0,1%, (mức thấp nhất từ trước tới nay).

Các nhà trường cũng khẳng định có sự thay đổi trong ý thức, thái độ học tập của học sinh; Học sinh chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức, được khuyến khích phát huy năng lực sở trường; Các em đã đem đến giờ học sinh khí mới đó là sự chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo.

Học sinh Trường THPT Cầu Giấy trong ngày khai giảng.

Học sinh Trường THPT Cầu Giấy trong ngày khai giảng.

Sẵn sàng cho năm học mới

Theo ông Lê Hồng Vũ – Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội, việc triển khai Chương trình GDPT mới cấp THPT còn một số khó khăn như: Nhiều giáo viên vẫn phụ thuộc vào nội dung kiến thức trong sách giáo khoa, chưa chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, coi trọng cung cấp, truyền đạt kiến thức hơn hình thành kỹ năng, phát triển năng lực học sinh.

Việc tổ chức giảng dạy các môn học lựa chọn đáp ứng nguyện vọng học tập của học sinh dựa trên nguồn lực và điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện có đã được các nhà trường thực hiện hài hòa, nhưng về lâu dài chưa phải là giải pháp hoàn hảo. Nhiều học sinh còn lựa chọn môn học theo cảm tính, nhiều nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu học tập, nhất là các môn Âm nhạc và Mỹ thuật.

Với kinh nghiệm từ cơ sở, thầy Phan Lạc Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Bất Bạt (huyện Ba Vì) - cho rằng, năm đầu tiên được lựa chọn môn học, không phải học sinh nào cũng lựa chọn đúng môn phù hợp. Việc lựa chọn môn học của học sinh chưa được quan tâm đúng mức, thường theo cảm tính hoặc chưa cân nhắc kỹ.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hai môn Mỹ thuật và Âm nhạc có ít học sinh chọn nhất, với tỷ lệ lần lượt là 1,8% và 4,3% không hẳn do học sinh không thích mà vì các trường chưa có giáo viên. Đây là hai môn học mới trong chương trình, nhưng chưa được tuyển dụng giáo viên, trong khi đó cơ sở vật chất, thiết bị dạy học có tính đặc thù, vì vậy, không phải trường nào cũng có thể đáp ứng.

Năm học 2023 - 2024, cùng với lớp 10, Chương trình GDPT 2018 sẽ được áp dụng ở lớp 11. Lường trước những khó khăn sẽ tăng lên khi chương trình mới được mở rộng, các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội cho rằng, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền tới học sinh và phụ huynh về yêu cầu của chương trình mới để hạn chế tối đa việc chọn nhầm môn học.

Cô Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) - chia sẻ: Ngoài bố trí nhiều vòng tư vấn trực tiếp với học sinh và phụ huynh học sinh, nhà trường sẽ tăng cường tư vấn trực tuyến và đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trên bảng tin, trên cổng thông tin điện tử; Sẽ dành khoảng 15 ngày để học sinh và gia đình cân nhắc, quyết định trước khi xếp lớp.

Còn cô Lê Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) - chia sẻ: Năm học tới, trường sẽ rà soát thật kỹ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để xây dựng phương án tổ chức các môn học và công khai sớm để học sinh, gia đình có nhiều thời gian tìm hiểu trước khi quyết định.

Thậm chí, đến khi đã vào học chính thức, thời gian đầu, ban giám hiệu, giáo viên vẫn tiếp tục theo dõi, tạo sự thoải mái nhất để các em có thể chia sẻ nếu gặp khó khăn, từ đó kịp thời cùng gia đình có biện pháp tháo gỡ. Với cách thức này, trong năm học vừa qua, nhà trường không có học sinh nào có nguyện vọng đổi môn học lựa chọn.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, bên cạnh việc rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, Sở lưu ý các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ học sinh, phụ huynh chọn môn học phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp. Dự kiến, trong tháng 7/2023, thành phố sẽ tổ chức tuyển dụng hơn 600 giáo viên cấp THPT. Số lượng này sẽ phần nào bổ khuyết cho các nhà trường để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của chương trình mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ