Niềm tin cho giới trẻ nhìn từ Đường lên đỉnh Olympia

GD&TĐ - Thời hội nhập, các nhà vô địch Olympia hay các du học sinh nước ngoài, có thể học và làm việc ở đâu cũng được, nhưng quan trọng là các em cống hiến hết mình, sống tốt cho chính mình, để sau này có thể cống hiến cho đất nước, theo cách này hay cách khác.

Niềm tin cho giới trẻ nhìn từ Đường lên đỉnh Olympia

Cuối tuần qua, đâu đó trên mạng xã hội, có một so sánh rất thú vị sau khi nhà vô địch Olympia 2019 Trần Thế Trung của Nghệ An được xướng tên.

Trên một diễn đàn khá nổi tiếng của những người trưởng thành (trưởng thành ở đây, tôi muốn nói về độ tuổi), phần lớn các bình luận nói rằng “Chúc mừng nước Úc” - với ngụ ý rằng có tới 15/18 nhà vô địch Olympia, theo thống kê của một tờ báo, đã nhận học bổng du học Úc và ở lại đất nước này, chỉ có 2 bạn trở về Việt Nam và một bạn sắp đi du học.

Trong khi đó, một diễn đàn khác về Kpop của những người trẻ, tràn ngập những lời chúc mừng, tràn ngập sự tự hào về nhà vô địch. Niềm vui hoàn toàn trong sáng, không một chút nghi ngờ, cay đắng hay mỉa mai.

Thật khó mà nói rằng chúng ta, những người lớn, lại trưởng thành trong suy nghĩ hơn là các bạn trẻ. Nhiều người “chúc mừng nước Úc”, phải chăng chính là thể hiện sự yếm thế hay thất bại của chính mình? Phải chăng chúng ta không còn khả năng tin tưởng vào sự tử tế và đóng góp cho những điều tử tế?

Đành rằng xã hội đụng đâu cũng “có vấn đề” và không khỏi làm chúng ta có lúc nản lòng, nhưng hình như chúng ta đang quen nhìn vào một vài hiện tượng và những thứ tiêu cực để đánh giá, và vì thế tự biến mình thành những kẻ phiến diện, gieo rắc cho con em mình sự hoài nghi?

Mỗi năm có biết bao nhiêu Việt kiều trở về làm việc và đóng góp cho Việt Nam. Giáo sư Vũ Hà Văn, nhà Toán học xuất sắc tại Đại học Yale (Mỹ) danh giá, đã về Việt Nam làm việc, vì các nhà đầu tư trong nước tìm đến ông và chia sẻ mong muốn “đưa khoa học phục vụ cuộc sống của người dân tốt hơn, người làm nghiên cứu có thu nhập cao hơn”.

Hay gần đây, cô giáo Trần Thị Thúy, một giáo viên tiếng Anh vùng quê Hưng Yên, sau khi được giải thưởng một trong 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu, đã từ chối cơ hội định cư Canada để trở về tiếp tục truyền tải phương pháp học ngoại ngữ thú vị cho học sinh của mình.

Trong nước hiện giờ không thiếu cơ hội cho các bạn trẻ thi thố tài năng, làm việc và được đãi ngộ cực kỳ xứng đáng, không thua kém ở nước ngoài, chỉ cần bạn là người có năng lực và sẵn sàng vươn lên.

Cho nên, Trung hay các nhà vô địch Olympia khác, hay các bạn trẻ, nếu có cơ hội, hãy cứ đi để mở mang. Đến một nơi có điều kiện nghiên cứu, làm việc tiên tiến là điều cần khuyến khích, để các bạn có thể lĩnh hội kiến thức, bồi đắp năng lực. Các bạn cũng có thể chọn làm việc ở bất kỳ nơi nào các bạn muốn, miễn là trở thành người có ích. Trong một thế giới toàn cầu hóa, các bạn có thể đóng góp cho đất nước dù ở bất kỳ đâu.

Các thầy giáo của Trung đánh giá em không chỉ học xuất sắc, mà còn rất năng động, tự lực, đam mê âm nhạc và các hoạt động ngoại khóa. Em cũng là người tràn đầy yêu thương khi trong phút huy hoàng, dành những thành tựu của mình trước hết cho người chị gái đã mất, người mà trước đây luôn vun đắp cho ước mơ đi thi Olympia của em.

Với một nền tảng như thế, sao có thể không đặt niềm tin vào Trung, hay vào rất nhiều rất nhiều những người trẻ khác đang đầy hoài bão?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ