Những ý kiến tâm huyết của cử tri gửi tới Quốc hội

Những ý kiến tâm huyết của cử tri gửi tới Quốc hội

(GD&TD)-Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội  tập hợp được 1.026 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó có nhiều ý kiến rất tâm huyết về lĩnh vực giáo dục-đào tạo.

Thiếu trường học, đặc biệt là ở thành phố, khu đô thị lớn gây khó khăn cho người dân về nhu cầu gửi trẻ
Thiếu trường học, đặc biệt là ở thành phố, khu đô thị lớn gây khó khăn cho người dân về nhu cầu gửi trẻ (ảnh: Cảnh phụ huynh xếp hàng đợi xin học cho con/Internet)

Cử tri và nhân dân phản ánh tình trạng thiếu trầm trọng các trường mầm non công lập ở nhiều nơi, kể cả ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, khiến nhiều gia đình phải gửi con tại các cơ sở giữ trẻ tư thiếu an toàn và không đảm bảo chất lượng. Việc thực hiện chủ trương chuyển đổi trường mầm non từ bán công sang công lập ở nhiều nơi mới chỉ là hình thức; lương, phụ cấp cho giáo viên chưa được thực hiện đầy đủ như quy định mới nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn.

Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp đầu tư, đẩy mạnh tiến độ xây dựng trường mầm non tại các phường, xã không có trường mầm non công lập và tại các khu công nghiệp, đô thị mới, đặc biệt phải dành đất để xây dựng trường mầm non khi xây dựng những dự án nhà ở mới; đồng thời, cần có những chính sách tạo điều kiện xây dựng các trường mầm non tư thục chất lượng cao, để giảm bớt gánh nặng cho trường công lập.

Tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm của nhiều trường phổ thông, nhất là ở khu vực đô thị gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường học đặt ra nhiều quy định gây khó khăn cho các gia đình học sinh; đồng thời kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đời sống, thu nhập của giáo viên để đội ngũ nhà giáo yên tâm với sự nghiệp “trồng người”.

Cử tri và nhân dân hết sức quan tâm đến vấn đề tuyển sinh của một số các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp vừa qua. Chất lượng đầu vào thấp, một số trường không tuyển đủ chỉ tiêu được giao nên tìm mọi cách để có đủ học sinh, nhất là các trường dân lập. Hiện tượng có hàng ngàn bài thi môn lịch sử bị điểm không (0) thực sự là điều đáng báo động về thực trạng dạy và học môn lịch sử ở các trường phổ thông hiện nay.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngành giáo dục, đào tạo quan tâm đến chất lượng đào tạo, tránh hiện tượng chạy theo số lượng như hiện nay; chấn chỉnh việc cho phép thành lập quá nhiều trường đại học như thời gian qua; đồng thời, khẩn trương nghiên cứu cải tiến hệ thống thi cử để thực sự lựa chọn được người có đủ kiến thức, phù hợp với lĩnh vực được đào tạo.

Bên cạnh đó, cử tri cũng nêu lên nhiều ý kiến về các lĩnh vực khác. Cụ thể như sau:

Về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992: Cử tri và nhân dân phấn khởi trước việc Quốc hội ban hành nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, mong muốn việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Hiến pháp cần quy định rõ cách thức sử dụng quyền lực nhà nước của nhân dân thông qua dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp; tiếp tục khẳng định Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền công dân, quyền con người; xác định rõ quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp cần quy định những vấn đề cơ bản nhất, có tính ổn định lâu dài, làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật nhằm huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Về sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân: Tình hình kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn; giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, lãi suất ngân hàng tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao đã tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, đến đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, người về hưu, cán bộ, công chức, viên chức và ảnh hưởng đến niềm tin của cử tri và nhân dân đối với việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và những năm tiếp theo.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời có biện pháp cụ thể, hữu hiệu để bình ổn giá cả trong những tháng cuối năm và có giải pháp ngăn ngừa lạm phát cao trở lại, nhằm đảm bảo và nâng cao đời sống của người dân; đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa các chương trình an sinh xã hội; tập trung triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình xoá đói, giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành, nhất là vào các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán trong thời gian qua gây bức xúc trong dư luận về tính minh bạch và hiệu quả kinh tế của các đơn vị này.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty sớm chấm dứt tình trạng này; đồng thời, chỉ đạo xử lý kiên quyết, dứt điểm đối với các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

Do lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, trong khi giá cả vật tư, nguyên liệu tăng cao, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, sức mua trong nước giảm… nên hiện trên cả nước có hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ đình đốn sản xuất, thậm chí nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ khẩn trương đề ra các giải pháp đồng bộ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ổn định và phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân; việc lập và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian vừa qua không được sự đồng tình của nhân dân. Nhân dân cũng lo lắng trước dự kiến tăng giá của ngành điện.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ có giải pháp quản lý, điều hành giá xăng dầu, giá điện một cách hiệu quả, vừa đảm bảo vận hành từng bước theo cơ chế thị trường, vừa đảm bảo thúc đẩy sản xuất phát triển; không vì lợi ích cục bộ của doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Nhân dân hết sức băn khoăn, lo lắng trước tình hình thiên tai, lũ lụt, nhất là ở các tỉnh miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch chân tay miệng đang diễn ra ở nhiều nơi…

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo vừa có những giải pháp quyết liệt, kịp thời, vừa có những giải pháp đồng bộ, lâu dài để giảm thiểu đến mức thấp nhất tác hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra …

Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Cử tri và nhân dân cho rằng, tuy có tiến bộ, nhưng tình trạng tham nhũng, lãng phí hiện nay vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế và chưa thực hiện được mục tiêu đề ra. Một số vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi, giảm sút lòng tin trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật. Tình trạng lãng phí trong đầu tư công, mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng đất công còn diễn ra ở nhiều nơi…

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao có các giải pháp đồng bộ để xử lý và khắc phục có hiệu quả tình trạng trên.

Minh Duy-Nguyễn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...