Những tiết dạy giúp trò tạo phong thái tự tin làm chủ sân khấu lớp học

GD&TĐ - Nằm trong chuỗi các bài giảng chào mừng ngày lễ lớn, tiết dạy của cô Lê Thị Huê, Giáo viên Trường THCS Hồng Phong được đánh giá cao.

Tiết dạy của cô Lê Thị Huê, Trường THCS Hồng Phong.
Tiết dạy của cô Lê Thị Huê, Trường THCS Hồng Phong.

Luồng gió mới trong sinh hoạt chuyên môn

Hoạt động kỉ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, phòng GD&ĐT huyện An Dương phát động đợt thi đua dạy tốt- học tốt. Hưởng ứng phong trào, giáo viên các nhà trường trên địa bàn huyện lên lớp tiết dạy trong Chương trình GDPT 2018 với phương châm "Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc".

Tiết lên lớp cũng là dịp sinh hoạt chuyên môn bổ ích, giúp đội ngũ các nhà trường khắc phục khó khăn, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao trình độ, chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học với định hướng phát triển toàn diện cả phẩm chất và năng lực của học sinh.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT, UBND huyện An Dương tặng hoa thầy cô tham dự Hội giảng.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT, UBND huyện An Dương tặng hoa thầy cô tham dự Hội giảng.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành giáo dục và đào tạo huyện An Dương luôn chú trọng việc đổi mới phương pháp dạy học, xác định đổi mới phương pháp giảng dạy một trong những giải pháp then chốt và có tính đột phá khi triển khai Chương trình 2018.

Từ năm học 2022-2023, ngành giáo dục và đào tạo huyện đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện tổ chức Hội giảng các tiết dạy theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, là hoạt động trọng điểm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Tại Hội giảng năm nay, Hội đồng bộ môn cấp THCS thành phố, Hội đồng bộ môn huyện đã lựa chọn 6 tiết thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông lớp 8 ở các môn Nghệ thuật (âm nhạc), Ngữ văn, Lịch sử - Địa lí, tiếng Anh, Khoa học tự nhiên và môn Toán học do giáo viên các trường THCS: An Dương, Hồng Thái, An Hưng, Hồng Phong, Tân Tiến lên lớp.

Phương pháp mới rèn kĩ năng nói và nghe cho học trò

Bài dạy của cô Lê Thị Huê, giáo viên Trường THCS Hồng Phong mang đến luồng gió mới, hướng đi tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo Chương trình GDPT 2018.

Cô Huê đã lên lớp cùng học sinh lớp 8 của nhà trường bài 3: Lời núi sông- Nói và nghe: Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (ý thức trách nhiệm với cộng đồng của học sinh).

Học sinh thực hành nói và nghe tại lớp.

Học sinh thực hành nói và nghe tại lớp.

Với bài này, cô giáo giúp học sinh nắm vững được yêu cầu kiểu bài, quy trình thảo luận, thực hành nói và nghe, rút ra thông điệp và bài học.

Trong bài học, cô trò cùng tháo gỡ những vướng mắc mà học sinh đang đối diện trước một số vấn đề trong cuộc sống và cùng rèn kĩ năng thảo luận, nói và nghe – những kĩ năng vô cùng cần thiết.

Bài học vừa có tác động tích cực giúp trò có thêm sự hiểu biết, kinh nghiệm và kĩ năng sống; cung cấp thêm một số kĩ năng giúp các em thích ứng với xã hội hiện đại.

Để tiết học hiệu quả, tiết học trước, cô giáo đã chia nhóm và yêu cầu các nhóm tìm hiểu về quy trình thảo luận, lựa chọn vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi, tiến hành thảo luận nhóm ở nhà và tóm tắt quy trình thảo luận của các em bằng video 4-6 phút.

Học sinh hào hứng với tiết học.

Học sinh hào hứng với tiết học.

Theo đó, các nhóm đã chọn những đề tài phù hợp với tâm lý học đường mà các em đang gặp phải như: "Body shaming (miệt thị ngoại hình) với những biểu hiện, nguyên nhân, hậu quả và ý nghĩa, bài học; Trách nhiệm của học sinh với an toàn giao thông với loạt hình ảnh về phương tiện giao thông, văn hoá giao thông của học sinh, thông điệp và bài học được rút ra.

Học sinh cùng xem video và dựa vào bảng kiểm điểm để đánh giá quy trình thảo luận mà nhóm bạn đã thực hiện.

Qua hoạt động, học sinh đã nắm tốt quy trình thảo luận gồm 3 bước: trước khi thảo luận, thảo luận và đánh giá.

Quá trình thảo luận, học sinh hiểu được vai trò của người điều hành, các thành viên và thư kí phát huy được khả năng của bản thân, khiến cho việc thảo luận hiệu quả hơn. Trong giờ học, các thành viên góp ý, phản biện, tham gia thảo luận tích cực.

Cô giáo Lê Thị Huê.

Cô giáo Lê Thị Huê.

Thảo luận nhóm giúp trò tự tin, rèn được khả năng hùng biện lưu loát và có thêm những hiểu biết sâu sắc về các vấn đề trong cuộc sống. Đồng thời giúp em biết cách thuyết phục, biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các bạn. Học sinh cũng biết vận dụng quy trình thảo luận vào tất cả các vấn đề trong đời sống.

Cô Huê chia sẻ, sau bài học, cô thấy học sinh tự tin hơn. Các em có thêm kĩ năng nói và nghe, đặc biệt biết vai trò của từng cá nhân trong thảo luận nhóm.

"Từ những phút giây còn run rẩy khi đứng nói trước lớp trong những bài nói và nghe đầu tiên đến phong thái tự tin làm chủ sân khấu lớp học; từ các bài nói “chay” không có phương tiện hỗ trợ các em đã biết thiết kế bài trình chiếu, sử dụng bảng phụ, âm thanh, hình ảnh kết hợp; từ việc cá nhân đại diện báo cáo nhóm đến sự kết hợp của các thành viên. Sự tiến bộ của học trò rất rõ rệt cho thấy hiệu ứng tích cực của phương pháp giáo dục mới", cô Huê cho biết thêm.

Hội giảng các tiết dạy theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của huyện An Dương chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam thực sự là một ngày hội giao lưu về chuyên môn mang đến nhiều phương pháp giảng dạy độc đáo, có hiệu quả tạo hứng thú học tập, giúp học sinh chủ động tiếp cận kiến thức, vận hành tiết học dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao phần thưởng cho tập thể tham gia tích cực nhất trong Cuộc thi trình bày và sáng tác poster chủ đề "Trẻ em gái làm chủ tương lai".

Trẻ em gái làm chủ tương lai

GD&TĐ - Ngày 12/10, hơn 300 CBQL, giáo viên, học sinh, đại diện cơ quan của Liên Hợp Quốc tham gia sự kiện truyền thông “Trẻ em gái làm chủ tương lai”.