17 giờ, buổi Đọc-Mở do Vừng ơi tổ chức ở một quán càphê yên tĩnh và ấm cúng ở đường Lê Lai (Quận Hải Châu, Đà Nẵng). Cổng chào và sân khấu được trang trí sặc sỡ với hai màu đen - đỏ. Sau khi anh chàng lém lỉnh trong vai lão thầy bói đưa cho bạn tung con xúc xắc, bạn sẽ là một nhân vật trong tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Các thành viên giải thích rằng, họ chọn Số đỏ để cầu may mắn trong năm mới.
Đó là một buổi nói chuyện thú vị về một tác phẩm được liệt vào hàng kinh điển của văn học Việt Nam. Tất nhiên, không phải tất cả trong khoảng 30 thành viên tham gia buổi Đọc-Mở đều đã đọc hết tác phẩm, nhưng cảm nhận chung là tác phẩm được chia sẻ ở góc nhìn đa chiều hơn, và các thành viên tham gia đã dò dẫm những tầng sâu hơn ẩn dưới lớp vỏ ngôn từ của nhà văn. Điều mà, thật khó làm nếu chỉ đọc qua một chương ở sách giáo khoa, và bó hẹp góc nhìn theo quan điểm chính thống.
Các thành viên được nói ra suy nghĩ của mình về sự xấu - tốt, đúng - sai trong hành động của các nhân vật. Bạn Phạm Hữu Trọng Đạt, sinh viên Đại học Duy Tân chia sẻ về các gam màu mà Vũ Trọng Phụng đã đưa vào Số đỏ, có lẽ ông có tham vọng vẽ bức tranh xã hội bấy giờ. Còn bạn Hoàng Nguyễn Tôn Ngân - sinh viên ngành sư phạm Lý, Đại học Sư phạm Đà Nẵng - nhận xét: Số đỏ được viết cách đây gần thế kỉ, nhưng nụ cười châm biếm của nhà văn thì dường như vẫn còn vang đến xã hội thời nay.
Trong thời buổi những cuốn sách ngôn tình vừa lên kệ đã bay vèo, sách kinh điển lại nằm mốc meo trên giá, thì Vừng ơi dường như đang nỗ lực làm một cuộc lội ngược dòng. Danh mục sách và họ đã từng bày ra bữa tiệc văn hóa toàn những cuốn có vẻ nặng đô như: Luận về yêu, Gatsby vĩ đại, Rừng Na Uy, Giết con chim nhại, Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar… Vừng ơi mong muốn kiến tạo một không gian, nơi nuôi dưỡng các giá trị lâu bền hơn là các dạng thức khác của văn hóa đại chúng.
Ngoài hoạt động Đọc-Mở, Vừng ơi còn tổ chức 3 hoạt động khác: Đi-Mở, Nghe-Mở, Nói-Mở. Bạn có thể tham gia cùng Vừng ơi nếu bạn muốn xê dịch, thăm thú, khám phá văn hóa, lịch sử của những địa danh nơi bạn đặt chân đến; muốn lắng nghe chia sẻ của những nghệ sĩ, những người hoạt động xã hội, những người truyền cảm hứng sống tích cực; muốn nói, muốn tranh biện về cuộc sống, những vấn đề xã hội đang xảy ra quanh mình… Còn nữa, thành viên của Vừng ơi là những bạn trẻ mới tuổi mười bảy, đôi mươi đầy rạo rực, nhưng cũng lại đầy hiểu biết, bản thân họ cũng là những cuốn sách cuốn hút và thú vị.
Từ một hội ngộ
Đúng với chất trẻ của mình, Vừng ơi được thành lập từ một sự hội ngộ hữu duyên trên facebook, giữa 3 người cùng mê sách, cùng muốn làm gì đó để đánh thức khát khao hiểu biết của thế hệ mình. Đó là Trương Văn Minh Nhật - sinh viên ngành Điện, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, chàng trai 22 tuổi gầy còm, đeo kiếng cận. Nhật đến với sách từ những năm 2009 - 2010 khi cụm từ “văn hóa đọc” xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Cậu giật mình vì đọc sách quá ít, như đa phần các bạn trẻ khác. Nhật bắt đầu với những cuốn sách khoa học tự nhiên, sau đó tìm hiểu các tác phẩm văn học kinh điển và mê luôn.
Trần Nguyễn Yến Nhi - 23 tuổi, cử nhân vừa tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh du lịch Đại học Huế. Nhi đến với sách tự nhiên như tình yêu. Ngày nhỏ, cô thường được gửi cho ông bà nội chăm sóc vì cha mẹ bận rộn với công việc. Những lúc một mình, Nhi tò mò và thích thú làm bạn với tủ sách của ông. Trí óc non nớt của một đứa trẻ không cho phép Nhi hiểu hết những gì mình đọc, nhưng được tưới tắm trong sách, chữ nghĩa tự nhiên thẩm thấu vào đầu.
Rio Lâm (Lâm Vị Quân) là cái tên đã ít nhiều được biết đến. Cô từng đoạt giải ở các kì thi văn của thành phố, xuất hiện trên tuần báo Hoa Học Trò. Khi sang Mỹ học ngành truyền thông, Rio Lâm tiếp tục theo đuổi đam mê viết lách. Các tác phẩm của cô phản ánh góc nhìn của giới trẻ thành thị, một số được báo chí trong nước theo dõi và trích đăng. Gần nhất, cuốn Get Lost Be Found nói về hành trình 3.594 dặm xuyên Mỹ do Rio Lâm thực hiện cùng ba người bạn đã gây được nhiều tiếng vang…
Ba người chưa quen biết, theo đuổi những con đường khác nhau, nhưng tình cờ gặp nhau ở ngã ba của tình yêu nghệ thuật. Kết nối với nhau qua facebook, ý tưởng do Minh Nhật ấp ủ và khởi xướng đã thuyết phục được Rio Lâm và Yến Nhi đê bắt tay vào một dự án có vẻ điên rồ. Công việc khởi động cho Vừng ơi được Nhật và Nhi bàn thảo, với sự hỗ trợ của Rio Lâm từ Mỹ, với các ý tưởng được cân lên đặt xuống… Ngày 28.8.2014, Vừng ơi được khai sinh ở địa chỉ http://facebook.com/vungoi.danang và blog http://vungoidanang.wordpress.com sau thời gian thai ngén.
Kết nối, cộng hưởng và lan tỏa
Tại sao lại chọn văn hóa, nghệ thuật để kết nối? Theo Minh Nhật, ban đầu, cậu muốn chia sẻ các kiến thức khoa học, duy lý vì nghĩ rằng con người muốn thành công thì không nên phụ thuộc cảm xúc. Nhưng cậu dần nhận ra nghệ thuật, cái đẹp mới là nơi con người dễ tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia. Nghệ thuật, theo quan niệm của Nhật, cũng là nơi mà các ngã rẽ khác của tri thức gặp nhau.
Buổi Đọc-Mở đầu tiên, Nhật và Nhi không khỏi hụt hẫng khi có rất ít người đến tham gia, khi đã gầy dựng được một lượng thành viên kha khá thì cả 2 lại phải loay hoay tìm quán càphê có không gian phù hợp. Đến nay, Vừng ơi đã mời gọi được 16 thành viên chính thức, các chương trình do Vừng ơi tổ chức thường có 30 - 40 người tham gia. Thành công của Vừng ơi là kết nối được những người ở các lĩnh vực khác nhau. Chị Trần Mai Thúy (27 tuổi) - giáo viên một trung tâm Anh ngữ ở Đà Nẵng, được các thành viên xem là chị cả - chia sẻ, tuy bận rộn với công việc và chăm con nhưng chị luôn cố gắng có mặt ở các chương trình của Vừng ơi vì các bạn trẻ ở đây có nhiều điều thú vị để học hỏi.
Yến Nhi lại trăn trở về một không gian nơi các bạn trẻ đam mê, theo đuổi nghệ thuật được gặp gỡ, giao lưu với các nghệ sĩ, những người làm văn hóa thế hệ trước ở Đà Nẵng. Thế là, các buổi Nghe-Mở, Đi-Mở được tổ chức để các thế hệ có dịp chia sẻ, hỗ trợ, mở ra những cơ duyên... Mới đây, tại một buổi Nghe-Mở tổ chức ở bảo tàng Đồng Đình, kiến trúc sư Trần Hùng Quang đã chia sẻ về tác động xã hội của việc xây mới, hay đập phá các công trình kiến trúc. Có mặt tại buổi Nghe-Mở này, nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ về sự ra đời của truyện ngắn Rừng Xà Nu, tác phẩm lừng danh của ông. Đó là những chia sẻ mà, theo Minh Nhật, không thuần túy bổ sung kiến thức mà còn nâng cao trách nhiệm công dân của thế hệ trẻ.
Trong bối cảnh các chương trình văn hóa, nghệ thuật tập trung chủ yếu ở hai đầu đất nước. Vừng ơi đang cố gắng kết nối với giới học thuật, các nghệ sĩ trong nước để đưa được nhiều hơn những chương trình chất lượng về với khúc ruột miền Trung. Và còn nhiều dự định nữa, có thể xa vời, nhưng có lẽ thông điệp lớn nhất từ Vừng ơi, như lời Yến Nhi là: Để mọi người biết ở Đà Nẵng có một thế hệ trẻ dám nghĩ, dám làm, biết khát khao tri thức…